Loanh quanh chuyện tiền mừng tuổi
Chúng tôi có 2 cậu con trai. Việc làm gì với tiền mừng tuổi của các con chưa bao giờ là vấn đề cần thảo luận một cách nghiêm túc trong gia đình chúng tôi. Chúng tôi đơn giản rằng, tiền mừng tuổi con nhận được là của con và ba mẹ có trách nhiệm giữ giúp. Cách truyền thống là chúng tôi dồn 2 năm một lần, lập cho các con mỗi đứa một sổ tiết kiệm có ngày đáo hạn là sinh nhật của con để phân biệt, dù mẹ đứng tên. Nhưng năm nay, khi các con đều lần lượt lên 11 và 16 tuổi, lần đầu tiên vấn đề này chúng tôi đem ra hỏi các con một cách nghiêm túc. Cậu em thì đơn thuần: 'Tùy ba mẹ!', trong khi cậu anh chỉ im lặng và tủm tỉm cười.
Đêm giao thừa, khi những chùm pháo hoa trong xóm bắt đầu nối nhau lùm bùm nổ lúc gần lúc xa thì anh lớn bày tỏ: Nếu được, ba mẹ cho con giữ tiền mừng tuổi của con. Con hứa sẽ cập nhật với ba mẹ đầy đủ và sẽ không dùng tiền vào những việc lâu nay không được phép. Riêng tiền ăn sáng và ăn bữa lỡ trước các buổi học trong ngày, ba mẹ không phải cho trong vòng một tháng sau Tết.
“Ok thôi!”, chồng tôi trả lời với con như hai người đàn ông đang trò chuyện. Thực ra thì trước đó, khi thấy con “chỉ im lặng và tủm tỉm cười”, vợ chồng chúng tôi đã thống nhất năm nay để con tự quản lý những phần tiền con được mừng tuổi. Ba mẹ sẽ tăng cường theo dõi mọi hoạt động và chi tiêu của con. Vì vậy, khi con nhắc lại chuyện này, chúng tôi đã đồng ý với con kèm theo điều kiện: Chỉ cần biết con dùng tiền mừng tuổi để sử dụng vào việc vốn đã không được phép, thì xác định là con sẽ không có tiền dư trong người cho đến khi con tự làm ra nó. Được ba mẹ đồng ý, anh thanh niên nhỏ vui vẻ ra mặt.
Mọi chuyện chẳng có gì để nói cho đến ngày cậu em tổng kết Tết và con không thể nhét những tờ tiền mừng tuổi sau cùng vào bụng con heo đất của mình. Nhân ngày vía Thần tài, chúng tôi đề nghị cậu trai nhỏ “nuôi lứa heo mới” và đem toàn bộ số tiền hiện có đi mua một chỉ vàng. Nếu chưa đủ, ba mẹ bù. Cậu con không đồng ý ngay, vì con chưa có khái niệm về vàng hay chi khác ngoài những tờ tiền cụ thể trong tay. Nhưng vì heo đã quá no nên con đồng ý thay heo và khi được ba mẹ giải thích, con cũng đồng ý lấy thành quả của mỗi lứa heo mua vàng với mục đích gần nhất là lên đời cho chiếc xe đạp con đang có, hay mua được chiếc máy tính con thích khi con vào đại học…
Trong nhiều gia đình, vì nhiều lý do nên có lúc câu chuyện giữ tiền mừng tuổi của con như thế nào lại gây ức chế cho cả cha mẹ và con cái. Với con tuổi vị thành niên, cha mẹ lo lắng con sẵn tiền trong tay thì sẽ dễ dàng đua đòi, la cà cùng bạn xấu. Với con nhỏ hơn một chút, có tiền bên mình lại thêm những mối nguy rình rập cho con. Nếu ba mẹ giữ giúp con mà con không được tạo tâm lý thoải mái thì lại cau có, khó chịu… Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý, phù hợp nhất là ba mẹ hãy cùng con tổng kết số tiền mừng tuổi đã nhận được sau Tết và cùng trao đổi xem con muốn gửi ba mẹ hay tự quản; nếu tự quản thì con sẽ làm gì… Đây chính là cơ hội hay để cha mẹ chia sẻ cùng con những kế hoạch sử dụng tiền đơn giản, hay cách chia sẻ với người khó khăn hơn nếu có thể. Khi những kế hoạch này con được tham gia thảo luận, cho ý kiến và được ba mẹ tôn trọng thì cũng chính là lúc những “mầm xanh” về tính tự lập, về các sử dụng tiền sẽ được bật lên trong nếp nghĩ, nếp sống của trẻ. Và dù ít hay nhiều, thì tiền mừng tuổi cũng sẽ là khoản tiền ý nghĩa để con từng bước thực hành với những kế hoạch đó.
Với chúng tôi, chỉ vàng đầu tiên của cậu em được mua về, người đầu tiên được khoe là anh lớn, cùng lời nhắn: “Con cũng có thể dành tiền và “khởi nghiệp” như em vậy. Đó là những tài sản ý nghĩa đầu tiên của các con”. Không còn im lặng và tủm tỉm cười nữa, anh lớn nói gọn: “Dạ!”.
Hy vọng từ đây, trong con sẽ có thêm suy nghĩ khác về cách sử dụng phần tiền mừng tuổi còn lại của mình.