Loanh quanh những mất, những còn...

Sống ở Sài Gòn này, cứ phải đi qua những ly biệt vô tình thế này, với kẻ lẩm cẩm như tôi, quả tình đau lòng quá.

Vào thời điểm ra mắt cuốn Vọng Sài Gòn, với tham vọng được thân chinh gửi tặng những “nhân chứng sống”, những nhân vật có trong các tản văn của tuyển tập... thì hơn phân nửa trong số đó đã qua đời.

Tác giả trong cuộc gặp cuối năm với cụ Dương Văn Ngộ (89 tuổi), người viết thư tay thuê cuối cùng ở Sài Gòn. Ảnh: Anh Tú

Không ít những địa điểm được nhắc tới trong cuốn sách, chỉ trong vòng ba - bốn năm, đã biến mất khỏi bản đồ thành phố. Đến ngay cả quán cà phê, nơi phần lớn nội dung được viết nên tại đó, cũng đã lẳng lặng đóng cửa, không kèn không trống. Ciao Café - tiệm cà phê trứ danh của “Kỷ Phục Sinh” như trong một tản văn cùng tên của cuốn sách, đã không có được một cuộc ra đi rỡ ràng vinh hiển, xứng đáng với hàng thập niên làm nhân chứng bên lề đại lộ trung tâm.

Vết tích buồn cuối cùng còn lại là lượt cánh cửa lá sách sơn đỏ, nay rưng rức như một vết thương chưa khép miệng, được bọn thanh niên tận dụng triệt để vào những tháng ngày cuối cùng để làm nền chụp ảnh.

Chắc chỉ vài tháng nữa thôi sẽ có một nhà thầu mới biến nơi này thành một cái gì đó mới mẻ, và Ciao Café sẽ êm đềm xóa dấu trong tầng tầng, lớp lớp ký ức ngắn hạn của đô thị này...

Tôi, tác giả của cuốn sách hai lần lạc thời, chỉ biết lựa một buổi đại lộ thưa người, lơ ngơ đứng trước những liếp cửa lá sách khép kín, gọi là một lời cảm ơn quán cà phê đã làm nhân chứng cho quá nhiều ngày tháng làm nên Vọng Sài Gòn. Mong rằng cái gì đó mới sẽ lại sản sinh cho người khác những ký ức mới của người ta.

Còn tôi, sẽ thi thoảng tự hỏi vị quản lý có tác phong như một maitre d’hotel xa xưa với tay manchette cài kín và những tờ nhựt trình trải trên bàn buổi sáng lúc 10 giờ, những vị khách trầm ngâm, và cả bầy sẻ hay giành hạt vàng hạt mẩy trên vỉa hè với đám bồ câu... rồi tất cả đã đi đâu?

Tôi loanh quanh hoài ở khu trung tâm vào một chiều cuối năm, như vậy, với những còn và những mất, và những hỏi han tự mình.

Tiên Đen ở De La Poste

Buổi ra mắt Vọng Sài Gòn, được khuyến khích là tác giả nên có quà cáp cho độc giả để tăng phần hấp dẫn, tôi chỉ có thể nghĩ đến một loại quà quý báu nhất, cần thiết nhất cho người ta ở cái thời đại rơi rớt lãng quên này. Tôi tặng điều tôi cho là tài sản quý giá nhất của một đô thị.

Ắt nhiên, tôi vô phương tặng người ta tòa lầu, cao ốc, building, hay một tuyến tàu điện ngầm, vì những thứ đó rất mắc, nhưng lại chẳng phải điều mà tôi coi là làm nên giá trị của thị thành. Tôi định tặng người ta ký ức.

Chọn Huỳnh Tiên, cô người mẫu có dòng máu lai đen và mái tóc xoăn tít mà chúng tôi hay gọi nôm na là Tiên Đen, trao cho em một cuốn Vọng Sài Gòn cùng “trọng trách” cầm cuốn sách đi sang tòa nhà kế bên - tức tòa Bưu điện Thành phố, hãy tìm cho tôi ông già viết thư mướn, hãy thay tôi trao tặng ông cụ cuốn sách này, và như vậy, em cũng sẽ có với Sài Gòn một kỷ niệm kỳ lạ, với một trong những công dân cao quý của thành phố này, người đã hàng thập niên lặng thầm, bền bỉ, và khiêm hạ ở vị trí đó của mình.

Tôi bảo cô gái hãy rảo cẳng lên, kẻo thời gian qua nhanh và em sẽ lỡ mất. Như tôi đã lỡ mất biết bao điều, chỉ vì muộn một chuyến tàu đời.

Cô công dân mới của thành phố chưa lâu, đã “báo công” với tôi bằng hình ảnh ông già viết thư với cuốn sách của tôi trong tay, săm soi hình minh họa bìa bằng một cái kính lúp.

Tôi sẽ chẳng bao giờ được biết ông đã nói những gì, hoặc ông đã nhận ra những chi tiết quen thuộc trên chiếc bìa sách ấy hay không, hay gửi lời cảm kích nữ tác giả giấu mặt là tôi ra sao.

Điều đó chẳng còn quan trọng nữa, bây giờ, và mãi về sau, đó sẽ là ký ức của riêng em - cô người mẫu hai dòng máu, một kỷ niệm hy hữu, hay ho biết chừng nào.

Còn tôi, còn những vị độc giả có mặt buổi chiều Chúa nhật ấy, cũng chẳng ai trong số này ngờ rằng đó là lần cuối cùng chúng tôi ngồi tại khuôn viên tiệm cà phê De La Poste để nghe tiếng chuông giáo đường lúc 4g30 chiều và đàn bồ câu vụt bay lên trong ánh nắng cuối ngày...

... Bởi chỉ vài tháng sau, khi ghé thăm ông cụ trong bưu điện, tôi nhận ra người ta đã đóng cửa tiệm cà phê De La Poste rồi, những vách chắn công trình dựng quanh báo cho tôi biết tiệm cà phê có tuổi đời ngắn ngủi kia đã không còn.

Không sao cả, tôi đã lưu nó lại trong ký ức cuộc ra mắt cuốn sách đầu tay của tôi rồi, và trái tim Sài Gòn của tôi vẫn còn đủ chỗ để chứa thêm vài ký ức mới mẻ khác nữa. Rồi thì sẽ luôn có một cái gì đó mới mẻ hơn để mọc lên tại đây.

Chỉ có điều, tôi chân thành cầu mong “cái gì đó mới” ấy sẽ làm ăn hiệu quả, chứ sống ở Sài Gòn này, cứ phải đi qua những ly biệt vô tình thế này, với kẻ lẩm cẩm như tôi, quả tình đau lòng quá. Nhỡ đâu, ngày nào đó, làm sao tôi nhớ nổi tất thảy những gì đã mất.

Chúng tôi sẽ kể gì với người trẻ và người từ xa đến, khi đi ngang một bông sen giả trơ khấc trên cái đại lộ quảng trường cũng trơ khấc nắng và đá tảng, nếu không bởi một sợi dây trừu tượng mà lớp “người cũ” tuyệt vọng nắm níu tới hồn vía tám cây liễu xõa tóc quanh một mặt hồ tinh xảo như một viên bích ngọc khảm giữa trái tim thành phố?

Tôi sẽ gọi hồn những tán liễu đã có lần giãy thân rùng rùng rồi xõa tóc phủ phục trên nền công trình đỏ ngầu lòng đất bới lên còn ẩm? Nó quá khốc liệt và ngớ ngẩn, như câu chuyện về người đàn bà đứng vuốt ve tạm biệt một con gà trống bằng đồng vô tri sống nhiều năm ở Thương xá Tax, và mãi mãi tự hỏi người ta đã mang nó đi đâu.

Những “Người teo nhỏ giữa thị thành”

Nỗi ám ảnh về câu cuối cùng ở trên kia khiến tôi rảo cẳng thực hiện đúng lộ trình của cô gái lai đen ba tháng về trước, tức là từ nơi từng là Cafe De La Poste sang Bưu điện Thành phố.
Rồi một ngày, tôi biết, những lộ trình kiểu này sẽ bất thần trở mặt và giáng xuống tôi một đòn chí mạng, bởi tôi đã cố tình đi tìm kiếm nó. Đó là cái ngày quái gở mà tôi sẽ tạt vào cái tòa bưu - điện - không - phải - để - gửi - thư này, và ngơ ngác trong suốt nhiều ngày, chỉ vì một người già không còn ngồi đó nữa.

Mang trong lòng cái dự cảm u sầu và hết sức không hợp thời đó, tôi khó nhọc len qua một khối mùi hương aldehyde gắt gỏng sỗ sàng của quầy dầu thơm nội địa, được gia dặm thêm bởi cái giờ trưa nhiệt đới, cộng với khối hơi người nhễ nhại. Sự nghiêm cẩn của một “sở dây thép” đã biến mất từ lâu, mùi hăng hăng của mớ đồ sơn mài thứ cấp và nước hoa “lưu niệm” kia đã khiến tòa nhà trở nên khá giống không khí bên trong một khu mỹ nghệ mây tre của chợ Bến Thành.

Lách qua các đoàn du khách ngơ ngác túa lụa mồ hôi, băng qua gian đồ lưu niệm, tôi tìm thấy hình vóc nhỏ thó với mái đầu bạc quen thuộc của “người thơ ký nhân dân” - thầy Hai Ngộ, người viết thư mướn có lẽ là cuối cùng của nhiều niên kỷ đã lãng quên.

Ông cụ thậm chí lần này bé nhỏ hơn tôi nhớ. Người già teo nhỏ lại theo năm tháng, người ta bảo vậy. Ông Ngộ, trước mắt tôi, đang ngót lại như một cây xương rồng già. Rồi ông sẽ tiếp tục còn thu nhỏ nữa, cho tới khi biến mất hoàn toàn, ngay giữa tòa nhà Sở Bưu chính đã gắn liền với ông từ năm 48 của thế kỷ trước.

Chỉ vậy thôi, rồi bọc vòng qua quầy lưu niệm và rời bước khỏi tòa nhà. Như thể sợ manh động tiếp cận, và sinh thể cũ kỹ và quá đỗi mong manh kia sẽ tan thành bụi ngay trên dãy ghế dài đã lên nước bóng của Nhà Dây thép.

Cùng một buổi chiều, ông anh có cặp ria Clark Gable kéo chiếc xe bán chè sơn đỏ trứ danh nép vào một mái hiên mặt tiền. Từ hồi tiệm cà phê thời thượng mướn lại tòa nhà anh vẫn dựa xe chè nổi tiếng “chảnh” của khu Đa Kao, xe “chè Đa Kao” nổi tiếng buộc phải dời qua vài căn và trú nhờ ngách cửa hông căn nhà gần đó.

Không chỉ là danh tiếng của những ly chè thập cẩm đúng điệu với đá bào, mà chính cái tính cách vừa ngông vừa tửng của ông anh đã khiến người ta lũ lượt xếp hàng quanh xe chè, vừa ngắm kiểu múc chè “ngầu đời”, vừa rình những đoạn đối đáp hết sức bất cần của cha nội chủ gánh với khách hàng. Có lần hai danh hài Trấn Thành và Chí Tài ghé ăn chè, ổng hất hàm hỏi: “Hai anh đây là Trấn Thành, Chí Tài đó heng? Mà ai là Trấn Thành, ai là Chí Tài?”.

Có vẻ cái mái hiên tá túc che trên đầu khiến vẻ ngang tàng kia có mòi thu rút lại. Hay cũng bởi xe chè vắng khách, ông “Chè Chảnh” ngồi một mình từ phía sau xe chè ngó ngơ ra đường. Chỉ có bộ ria là vẫn hết sức ciné.

Vị khách cuối buổi chiều tấp vào, ổng uể oải đứng lên, châm điếu thuốc cắm trễ bên khóe mép, như thể một nghệ sĩ uể oải đội mão lên đầu, chuẩn bị lớp diễn đã quen tới kỳ thuần thục. “Ăn gì?” - “Gì cũng được” - “Ăn lạp xưởng hông?” Nếu ngày xưa, câu nói ấy ắt đã kích hoạt cả tràng cười của thực khách vây quanh. Chiều nay lọt thỏm vô lòng vị khán giả trơ trọi ngồi nép bên xe chè.

Cứ như thể cả hai chúng tôi đang cùng thu rút lại, nhỏ dần, ngay giữa lòng khu Đa Kao sầm uất.

Như thể người ta sẽ tìm thấy xe chè vô chủ và ly chè ăn dở mồ côi nơi góc phố không người.
Và ai đó sẽ tự hỏi chúng tôi đã đi đâu, tự lúc nào, và mãi mãi sẽ chẳng bao giờ có câu trả lời.

Trác Thúy Miêu

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/loanh-quanh-nhung-mat-nhung-con-22201.html