1. Bảo vật quốc gia tượng Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc có từ thế kỷ 17, vốn là tượng thờ của chùa Mật Sơn (Bố Vệ, Đông Sơn, Thanh Hóa). Tượng tái hiện chân dung hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (1595 - 1660) thời vua Lê Thần Tông.
Tượng được tạc bằng gỗ nguyên khối, cao 111 cm, tạo hình trong tư thế chân xếp bằng kiểu Kiết già toàn phần, một tay ngửa ra đặt trong lòng đùi, tay kia giơ ngang ngực kết ấn Vô Úy. Thế tay này tượng trưng cho sự phổ độ chúng sinh, đồng thời thể hiện tâm Phật của Hoàng hậu Trịnh.
Trang phục của tượng Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc là loại triều phục với ba lớp áo trong và một áo vân kiên khoác ngoài. Riêng tấm áo choàng vân kiên của tượng thể hiện kỹ thuật chạm khắc gỗ tuyệt đỉnh với mô típ lưỡng long triều phụng (đôi rồng chầu phượng) trước ngực.
Gương mặt tượng tươi sáng rạng rỡ, phúc hậu. Đầu tượng đội vương miện được chạm khắc tỉ mỉ với nhiều lớp khác nhau, phía trước có tạc tượng A Di Đà ngồi tọa thiền, là biểu tượng thường thấy trên các pho tượng Quan Âm, thể hiện sự kính ngưỡng của dân gian dành cho hoàng hậu.
Các nhà nghiên cứu đánh giá, tượng hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc là tác phẩm đẹp nhất, đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc tượng chân dung người Việt thế kỷ 17. Sau hơn 300 năm tồn tại, pho tượng vẫn còn nguyên vẹn với màu sắc và nước sơn nguyên bản từ khi mới được tạo tác.
2. Tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn chùa Hội Hạ là một Bảo vật quốc gia khác được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Tượng có niên đại từ thế kỷ 16, vốn là tượng thờ của chùa Hội Hạ (TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc).
Tượng được tạc bằng gỗ với trọng lượng khoảng khoảng 3 tấn, kết cấu gồm ba phần: phần tượng, phần đài sen và phần bệ lục giác. Phần tượng tạc Đức Quán Thế Âm trong thế ngồi thiền với 42 đôi tay ở các tư thế khác nhau. Khuôn mặt tượng từ bi, mang đậm nét chân dung người Việt.
Đài sen của tượng có ba lớp cánh sen múp tròn, họa tiết trang trí đặc trưng cho nghệ thuật thế kỷ 16. Hai bên đài sen có cặp tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ tọa trên hai đài sen nhỏ mọc lên từ bệ lục giác, được tạo hình rất tinh tế, là chi tiết rất riêng biệt của tượng so với các tác phẩm cùng thể loại.
Bệ lục giác của tượng được chạm khắc những biểu tượng về vũ trụ quan Phật giáo: Mặt của bệ tượng trưng cho mặt biển, chính giữa bệ đầu quỉ nhô lên dang hai tay đỡ bệ sen. Hình tượng này gắn liền với truyền thuyết Quan Âm Nam Hải giáo hóa quỷ Ô Ba Na Đà sống dưới biển.
Các nhà nghiên cứu đánh giá tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn chùa Hội Hạ là hiện vật nguyên gốc, độc bản mang những giá trị nghệ thuật đặc sắc, tiêu biểu cho nghệ thuật Phật giáo Việt Nam. Đây cũng là một trong những tác phẩm điêu khắc cổ đồ sộ nhất được bảo tồn ở Việt Nam đến nay.
3. Bảo vật quốc gia tiếp theo của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được giới thiệu ở đây là hai cánh cửa chạm rồng, được coi là bộ cửa đẹp nhất trong số các cánh cửa kiến trúc cổ Việt Nam. Bộ cửa này có từ thế kỷ 17, vốn là bộ cánh cửa chính của tam quan chùa Keo ở Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
Mỗi cánh của bộ cửa gỗ chùa Keo cao 2,2 mét, rộng 1,3 mét, được ghép từ bốn tấm gỗ nhỏ hơn. Khi khép lại, hai cánh cửa tạo thành một bức phù điêu hoàn chỉnh khắc họa đề tài “lưỡng long mẫu tử chầu nguyệt” rất sinh động.
Ngoài hai hình tượng rồng lớn ở trung tâm, mỗi bên cánh cửa chạm một con rồng nhỏ hơn nằm chếch về phía sau và một con nghê nằm phía dưới.
Hòa quyện vào hình tượng rồng là những những họa tiết trang trí lửa hóa long, sóng nước và vân mây sinh động. Mật độ trang trí dày đặc khiến mặt gỗ nhìn từ xa huyền ảo như gấm vóc.
Với những đường chạm khắc khéo léo và điêu luyện, hai cánh cửa chạm rồng của chùa Keo thực sự là một trong những kiệt tác chạm khắc gỗ xuất sắc nhất của Việt Nam thế kỉ 17.
Nghe ca khúc Việt nam quê hương tôi.
Quốc Lê