Loạt biệt thự sai phạm ở Măng Đen: Qua tay nhiều người

Có tới 26/39 trường hợp chưa có quyết định giao đất, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng đã xây dựng biệt thự ở thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông, Kon Tum). Nhiều trường hợp đã sang tay nhiều chủ, đưa vào sử dụng. Sai phạm diễn ra qua nhiều thời kỳ lãnh đạo, việc xử lý hiện tại rất khó khăn.

Từ chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư của huyện

Thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông, Kon Tum) vốn nổi tiếng cả nước bởi thiên nhiên hoang sơ, khí hậu trong lành, được ví như “Đà Lạt 2”. Đây là địa điểm lý tưởng để nghỉ dưỡng, “tái tạo” năng lượng. Cũng bởi vậy mà giá đất ở đây đã tăng đột biến so với những địa phương lân cận. Lô đất trung tâm thị trấn Măng Đen hiện có giá hàng tỷ đồng, riêng những lô biệt thự (từ 800 đến 1.000m2) có giá cao nhất lên đến 40 tỷ đồng. Cơn sốt đất kéo theo nhiều hệ lụy, không ít giao dịch mua bán, sang nhượng khi chưa đầy đủ thủ tục pháp lý. Nhiều cán bộ huyện Kon Plông từng bị xử lý vì các sai phạm liên quan tới đất đai.

Mới đây (ngày 5/7), Phòng TN&MT huyện Kon Plông thông báo thu hồi 39 trường hợp giới thiệu địa điểm đất xây dựng biệt thự cho các hộ gia đình, cá nhân không có giá trị pháp lý ở thị trấn Măng Đen. Việc này diễn ra sau khi Sở TN&MT tỉnh Kon Tum có Kết luận thanh tra số 09/KL (KLTT 09, ngày 13/6/2023) về việc quản lý, sử dụng đất đai trong các lĩnh vực thu hút đầu tư (ngoài ngân sách nhà nước) trên địa bàn huyện Kon Plông. Theo KLTT, qua rà soát, trên địa bàn huyện này có 39 trường hợp do Phòng TN&MT huyện Kon Plông ban hành thông báo giới thiệu địa điểm xây dựng biệt thự chưa hoàn tất các thủ tục, trái quy định pháp luật, không có giá trị pháp lý. Hiện UBND huyện đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND thị trấn Măng Đen khắc phục các nội dung theo kết luận trên.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, trong số 39 trường hợp trên, có 26 trường hợp chưa có quyết định giao đất, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng đã xây dựng công trình trên đất. Phòng TN&MT huyện đề nghị các đơn vị liên quan tự giác tháo dỡ các công trình xây dựng vi phạm, hoàn trả hiện trạng. Liên quan tới việc thu hồi này, có nhiều đơn kiến nghị, phản đối, giải thích lý do dẫn tới sai phạm.

Một trong số đó là ông T.Q.T (trú Bạc Liêu), có hai lô đất ở thị trấn Măng Đen. Nếu có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mỗi lô đất của ông T hiện nay giá bèo cũng 30 tỷ đồng. Trong đơn gửi các cấp có thẩm quyền ở huyện Kon Plông, ông T cho biết, ngày 26/7/2007, HĐND huyện Kon Plông thông báo và ban hành Nghị quyết số 07 về việc thông qua phương án ban hành quy chế quản lý xây dựng nhà ở biệt thự trên địa bàn huyện Kon Plông. Căn cứ quyết định này, ông T cũng như nhiều hộ gia đình, cá nhân khác đã nhận được thông báo giới thiệu địa điểm đất xây dựng nhà ở biệt thự của Phòng TN&MT huyện và được sự vận động của cấp chính quyền để thực hiện phương án xúc tiến, ưu đãi đầu tư nhà ở biệt thự trên địa bàn huyện.

Lô đất thông báo giới thiệu địa điểm đất xây dựng biệt thự

Lô đất thông báo giới thiệu địa điểm đất xây dựng biệt thự

“Trước sự khuyến khích và đồng ý của các cấp chính quyền huyện, chúng tôi đã tiến hành sử dụng đất, xây dựng công trình trên đất hoàn toàn công khai, minh bạch”, đơn của ông T nêu. Theo ông T, KLTT 09 chỉ rõ 39 trường hợp thông báo trên trái quy định pháp luật và chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan dẫn đến hành vi vi phạm, ở đây KLTT chỉ rõ có lỗi của cơ quan có thẩm quyền lúc bấy giờ, là nguyên nhân chính dẫn tới việc 39 trường hợp thông báo giới thiệu bị thu hồi. Thế nhưng, cơ quan chức năng lại yêu cầu ông T phải tháo dỡ công trình và di dời khỏi đất, gây thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của gia đình và rất nhiều hộ sử dụng đất tại đây.

Trong khi đó, anh D.M.S (trú thị trấn Măng Đen) chia sẻ, năm 2003 cùng gia đình lên thôn Măng Đen sinh sống. Khoảng năm 2008, nhận thấy huyện có chính sách thu hút đầu tư xây dựng, anh S có mua lại thửa đất 1.100m2 từ một chủ cũ với giá khoảng 1 tỷ đồng. Sau đó, anh S đóng thuế 32 triệu đồng và được chính quyền cấp giấy phép xây dựng. Đến năm 2020, anh S chính thức xây dựng và hiện tại căn nhà đã hoàn thiện khoảng 80%.

“Sau khi nhận văn bản thu hồi đất, tôi cảm thấy vô cùng hoang mang vì đã đầu tư tiền tỷ vào dự án nhưng đang đứng trước nguy cơ mất trắng. Mong muốn của tôi là chính quyền phải chỉ ra điểm sai, tại sao sai vì trước đây đã tiến hành cắm mốc thửa đất cho từng hộ dân và cấp giấy phép xây dựng”, ông S bày tỏ.

Đã sang tay nhiều người

Liên quan tới việc thu hồi trên, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Thành Diễn - Trưởng phòng TN&MT huyện Kon Plông cho biết, việc thu hồi, xử lý đối với 26 biệt thự (trong tổng số 39 trường hợp) xây dựng trái quy định của pháp luật gặp nhiều khó khăn, do yếu tố lịch sử để lại qua các thời kỳ. Hồi xưa huyện này còn hoang sơ, những cán bộ lên đây quyết tâm xây dựng để nơi này phát triển. Theo ông Diễn, việc xử lý phải có thời gian vì các chủ sở hữu đất này đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau, như Hà Nội (6 trường hợp), TPHCM (12 trường hợp), Kon Tum (11 trường hợp)... Diện tích mỗi lô biệt thự 800-1.500m2, nhiều căn đã hoàn thiện, đưa vào sử dụng.

Những năm gần đây, UBND huyện Kon Plông “mạnh tay” trong xử lý các vụ việc vi phạm về đất đai. Ngày 22/7 vừa qua, Chủ tịch UBND huyện này đã ra quyết định xử phạt 19 triệu đồng đối với bà Đ.T.V (trú thị trấn Măng Đen) do đã chiếm và sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép với diện tích hơn 117m2. Bà V đã dựng nhà gỗ, sàn gỗ, nhà vệ sinh… UBND huyện yêu cầu bà V phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

Ông Diễn cho rằng, việc ra thông báo giới thiệu vị trí biệt thự trong khoảng thời gian từ 2007 đến 2011. Hiện không có quy định nào cho phép “bổ sung giấy tờ” cho các trường hợp trên. Theo quy định, đất ở đô thị bây giờ phải được định giá và đưa ra đấu giá.

“Trong năm 2024 huyện sẽ cố gắng giải quyết cơ bản, phần nào không khắc phục được đơn vị sẽ tham mưu cấp trên, đề xuất, xin hướng xử lý tiếp theo”, ông Diễn nói.

Chia sẻ với phóng viên, ông Diễn xác nhận, có việc “sang tay” giữa chủ sở hữu với nhiều người khác; trong số 5 lá đơn kiến nghị gửi Phòng TN&MT huyện có tới 3 trường hợp không phải là chủ cũ. Tuy nhiên, theo vị này, việc “sang tay” như vậy không đảm bảo quy định pháp luật. Do đó, Phòng TN&MT huyện sẽ có những bước xử lý trước mắt, phối hợp với các hộ “gốc” để tổng hợp, nghiên cứu các quy định xử lý phù hợp.

 Thị trấn Măng Đen nơi thiên nhiên còn hoang sơ, trong lành

Thị trấn Măng Đen nơi thiên nhiên còn hoang sơ, trong lành

Về thông tin các hộ đã đóng thuế 30 triệu đồng cho mỗi lô biệt thự, ông Diễn cho hay: “Cái này, trước mắt phòng sẽ có những bước khắc phục đầu tiên. Sau đó tổng hợp những trường hợp nào nộp thuế sẽ có những cơ quan chuyên môn vào cuộc”.

Ông Diễn thông tin, phải mời được những người liên quan làm việc để đảm bảo theo quy định, cũng như đảm bảo lợi ích, tâm huyết ngày xưa họ đã lên với Măng Đen, vì không có những trường hợp như thế thì cũng không có Măng Đen bây giờ. “Hồi đó xây dựng các biệt thự là cả một gia tài chứ không ít. Trước mắt phòng sẽ làm việc để xác định xem trước đây họ triển khai các bước như thế nào, xem nguyện vọng của họ ra sao. Trên cơ sở buổi làm việc, phòng sẽ có báo cáo, tổng hợp để có hướng báo UBND huyện có phương án xử lý tiếp theo”, ông Diễn nói.

Nhóm PV Tây Nguyên

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/loat-biet-thu-sai-pham-o-mang-den-qua-tay-nhieu-nguoi-post1659750.tpo