Loạt bước đi quan trọng hướng tới nối lại thượng đỉnh Trung - Nhật - Hàn
Các nhà ngoại giao cấp cao từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc ngày 26/9 đã đạt được thỏa thuận nỗ lực tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào 'thời điểm thuận tiện sớm nhất'.
Theo hãng tin AFP, đây được coi là một bước đi tích cực hướng tới cải thiện quan hệ giữa các bên, đặc biệt là giữa Bắc Kinh và Seoul.
Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Chung Byung-won đã thảo luận về việc nối lại hội nghị thượng đỉnh ba bên với Thứ trưởng Ngoại giao cấp cao Nhật Bản Takehiro Funakoshi và Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Nông Dung trong cuộc họp kéo dài 4 giờ ở Seoul hôm thứ Ba (ngày 26/9).
Có nhiều vấn đề cùng quan tâm
Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, dù không đưa ra thời điểm cụ thể nhưng quan chức ngoại giao 3 nước đều nhất trí rằng các Ngoại trưởng sẽ "sớm tổ chức" một cuộc gặp để hướng tới chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh cấp cao nhất.
Seoul cũng đề xuất sáu lĩnh vực trọng tâm chính cho hội nghị thượng đỉnh tiềm năng này, bao gồm hợp tác trao đổi nhân dân, khoa học công nghệ và an ninh.
Hội nghị thượng đỉnh cấp cao nhất giữa 3 bên được tổ chức lần gần đây nhất là vào tháng 12 năm 2019 tại Thành Đô, Trung Quốc, sau đó đã phải tạm dừng do căng thẳng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản về các phán quyết bồi thường lao động trong Thế chiến 2 và sự lây lan nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.
Theo Nikkei, các bên tham gia cuộc họp ngày 26/9 cho biết họ coi sự kiện này là cơ hội để nối lại sự hợp tác ba bên đã bị gián đoạn. Ba nước có quan hệ thương mại sâu rộng và chia sẻ những lo ngại về an ninh đối với Triều Tiên và vấn đề chuỗi cung ứng.
Giáo sư luật Lee Jae-min từ Đại học Quốc gia Seoul nhận định hội nghị thượng đỉnh ba bên sẽ là một nền tảng hiệu quả và thực chất để ba nước láng giềng có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ cùng nhau thảo luận về nhiều vấn đề song phương đan xen.
"Các vấn đề rất phức tạp về mặt lịch sử, văn hóa, kinh tế và quân sự. Về một số vấn đề, họ có quan điểm rất khác nhau. Nhưng ít nhất nếu họ có thể gặp nhau thì họ có thể thảo luận một số nội dung thay vì hoàn toàn không đối thoại với nhau", ông Lee Jae-min thông tin với Straits Times.
Bước đi quan trọng để cải thiện quan hệ Trung - Hàn
Hàn Quốc đang hy vọng thay đổi tình trạng quan hệ hiện tại với các nước nước láng giềng bằng cách nối lại hội nghị thượng đỉnh giữa Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida - và sau đó là đón chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Chủ tịch Tập Cận Bình được cho là đã nói với Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo trong cuộc gặp ở Hàng Châu, Trung Quốc vào cuối tuần trước rằng ông sẽ "nghiêm túc xem xét" chuyến thăm Seoul.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol gần đây cũng đã cam kết khôi phục và tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên với Nhật Bản và Trung Quốc vào cuối năm 2023.
Cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc Cho Tae-young cho biết, chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Hàn Quốc kể từ năm 2014 sẽ là một "bước ngoặt trong quan hệ Hàn-Trung". Chuyến thăm này cũng được kỳ vọng sẽ chính thức chấm dứt tranh chấp giữa hai nước về việc Hàn Quốc triển khai lá chắn chống tên lửa của Mỹ vào năm 2017.
Ngay cả khi giữa hai nước vẫn còn khác biệt, các nhà phân tích cho rằng khi được tổ chức, hội nghị thượng đỉnh ba bên vẫn sẽ là bước khởi đầu tốt đẹp trong việc cải thiện mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc.
Giáo sư khoa học chính trị Kim Jae-chun của Đại học Sogang, Hàn Quốc cho biết giờ đây việc hàn gắn quan hệ là vì lợi ích chung của các bên. Theo Nikkei, những thay đổi trong bối cảnh kinh tế có thể thúc đẩy hai bên củng cố mối quan hệ. Dữ liệu gần đây cho thấy xuất khẩu chất bán dẫn của Hàn Quốc sang Trung Quốc sụt giảm mạnh, một dấu hiệu cho thấy sự suy thoái của nền kinh tế số 2 thế giới có thể gây ra tác động lan tỏa đến lĩnh vực xuất khẩu của các nước láng giềng.
Mặc dù việc tiến hành các cuộc gặp song phương sẽ khó khăn hơn trong bầu không khí chưa chắc chắn hiện nay, Giáo sư Kim Jae-chun cho biết hội nghị thượng đỉnh ba bên sẽ là một điểm khởi đầu tốt. Nếu diễn ra tốt đẹp, cuộc thảo luận ba bên sẽ mở đường cho Hàn Quốc và Trung Quốc thúc đẩy quan hệ song phương.
Ông Kim Jae-chun nói: "Đó là một bước đi cần phải thực hiện vì không thể cứ để quan hệ mãi căng thẳng. Tôi nghĩ cách thông minh nhất là tận dụng hội nghị thượng đỉnh ba bên này để làm điều đó".