Loạt cảnh phim tiêu tốn hàng triệu USD nhưng bị cắt bỏ
Đôi khi, việc đầu tư hàng triệu USD vào một cảnh phim của nhà sản xuất giống như ném tiền qua cửa sổ. Bởi những khung hình đắt đỏ ấy có thể sẽ bị cắt bỏ khỏi bản phim cuối.
Cảnh bạch tuộc trong The Goonies (1985): Trong những lần phát hành đầu tiên, cảnh phim nhóm nhân vật nhí bị tấn công bởi một con bạch tuộc không hề xuất hiện trong The Goonies cho tới khi bộ phim được chiếu trên truyền hình. Khi The Goonies ra rạp lần đầu, cảnh quay bị đánh giá là “quá đáng sợ” và bị cắt khỏi bản chính thức. Theo tính toán của Screenrant, cảnh phim bị loại bỏ tốn hơn 550 nghìn USD để sản xuất theo quy đổi hậu lạm phát.
Điệu nhảy Jitterbug trong The Wizard of Oz (1939): Để đảm bảo thời lượng tiêu chuẩn, đạo diễn của The Wizard of Oz đã buộc phải cắt bỏ 6 phút điệu nhảy của đàn Jitterbug - sinh vật có hình dạng như những con muỗi khổng lồ, và là tay sai của The Wicked Witch khỏi bộ phim. Cảnh quay mất tới 5 tuần để hoàn thiện, và tiêu tốn khoản kinh phí tương đương 1 triệu USD tính theo thời giá hiện tại.
Cảnh ném bánh trong Dr. Strangelove (1964): Theo kịch bản ban đầu, bộ phim sẽ khép lại bằng cảnh các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới bắt đầu tranh cãi, dẫn tới một trận ném bánh lớn nhất từng được ghi hình trên màn ảnh. Cảnh phim được thực hiện trong khoảng hai tuần, với 2.000 chiếc bánh thật được sử dụng làm đạo cụ mỗi ngày. Tuy nhiên, toàn bộ số nháp quay cảnh phim này đã không được sử dụng do ảnh hưởng của vụ ám sát tổng thống John F. Kennedy. Ước tính chi phí cảnh phim rơi vào khoảng 2,108 triệu USD sau lạm phát.
Vụ xả súng ở nhà hát trong Gangster Squad (2013): Ngày 20/7/2012, một vụ xả súng có thật đã xảy ra bên trong phòng chiếu bộ phim The Dark Knight Rises tại Colorado. Ảnh hưởng từ sự việc bi thảm đã khiến nhà sản xuất Gangster Squad quyết định cắt bỏ hoàn toàn cảnh nhóm gangster dùng súng tấn công khán giả bên trong rạp chiếu phim ở bản dựng hoàn thiện. Quyết định này kéo theo sự thay đổi của nhiều tình tiết khác trong phim, và khiến khoảng 2 triệu USD “bốc hơi” khỏi túi Warner Bros..
Cảnh của Eric Stoltz trong Back to the Future (1985): Không chỉ là tác phẩm kinh điển thuộc dòng phim khoa học viễn tưởng, Back to the Future còn đi vào lịch sử vì quyết định đổi nam chính ngay trên phim trường sau 5 tuần ghi hình. Sự việc hi hữu là kết quả của xung đột giữa lãnh đạo hãng Universal với tác giả của bộ phim. Cuối cùng, lãnh đạo hãng phim đã chịu nhượng bộ và thay thế nam diễn viên Eric Stoltz bằng Michael J. Fox cho vai Marty McFly. Back to the Future được ghi hình lại từ đầu. Thay đổi khi sự đã rồi khiến Universal mất 4 triệu USD vào thời điểm đó, tương đương gần 9 triệu USD ngày nay.
Cái kết thay thế của Little Shop of Horrors (1986): Việc tiếp tục chỉnh sửa, quay lại, quay bù một số cảnh sau buổi chiếu thử một bộ phim là điều không còn xa lạ. Tuy nhiên, với Little Shop of Horrors, khán giả của hai lần chiếu thử đều yêu thích mọi thứ trong bộ phim, trừ… cái kết cây hoa ăn thịt nuốt trọn nam chính và người yêu của anh trước khi sinh sôi nảy nở khắp thế giới. Kết quả, 5 triệu USD (khoảng 20% kinh phí sản xuất tại thời điểm giữa thập niên 1980), công sức của gần 70 nghệ sĩ rối, một năm làm kỹ xảo điện ảnh và 5 tuần ghi hình kết tinh trong 12 phút phim đã bị cắt bỏ khỏi bản chiếu rạp.
Phần giới thiệu của Superman Returns (2006): Cảnh mở đầu Superman Returns dài 6 phút, không có thoại. Trong cảnh phim, siêu anh hùng lái chiếc phi thuyền pha lê trở về hành tinh Krypton, trước khi con tàu gặp trục trặc, trôi dạt và rơi xuống nông trại nhà Kent. Cảnh phim tất nhiên không vượt qua vòng kiểm duyệt của Warner Bros. và đã bị cắt khỏi phiên bản ra rạp của Superman Returns. Năm 2011, chuyến hồi hương của Siêu Nhân có cơ hội xuất hiện xong bộ đĩa Superman Anthology dưới hình thức nội dung tặng kèm tiêu tốn 12 triệu USD để sản xuất.
Toàn bộ nội dung The Man Who Killed Don Quixote: Năm 2000, đoàn phim The Man Who Killed Don Quixote đã tới một địa điểm nằm ở phía bắc Madrid, Tây Ban Nha để ghi hình. Tuy nhiên, phim không thể thu tiếng vì tiếng ồn đến từ khu vực quân sự ngay bên cạnh. Lũ lớn cũng cuốn bay trang thiết bị của đoàn phim và thay đổi hoàn toàn khung cảnh... Tới năm 2018, The Man Who Killed Don Quixote cuối cùng cũng có cơ hội ra rạp, nhưng đó đã là một bộ phim hoàn toàn khác (ảnh).
Các cảnh của dị nhân Rogue trong X-Men: Days of Future Past (2014): Dù đã trả cho nữ diễn viên Anna Paquin số tiền 2,8 triệu USD để góp mặt trong phần phim thứ hai của chuỗi X-Men mới, nhưng 20th Century Fox buộc phải cắt bỏ phần lớn các cảnh phim của nữ diễn viên. Nguyên do không chỉ đến từ vấn đề thời lượng – tổng thời lượng nhân vật Rogue của Paquin xuất hiện trong phim chỉ khoảng 20 phút – mà còn nằm ở nội dung quá rối của tác phẩm. Theo tính toán tương đối, cảnh phim bị cắt khỏi bản chính thức của phim có giá trị lên tới 22,6 triệu USD.
Toàn bộ hồi thứ ba của World War Z (2013): Cái kết ban đầu của World War Z rất u ám - chiếc máy bay chở nhân vật của Brad Pitt hạ cánh xuống lãnh thổ Nga, nơi gia đình họ bị chia cắt, và chịu số phận bi thương. Điều khó hiểu hơn cả, là nhà đầu tư chấp nhận cái kết ấy trong một phim bom tấn hè, rót vốn sản xuất, và sau cùng tiếp tục bỏ tiền thuê biên kịch viết lại toàn bộ cái kết. Quyết định “sửa sai” vào phút chót đã tiêu tốn 25 triệu USD của Paramount Pictures.
Một phần ba tổng thời lượng của Cleopatra (1963): Cleopatra là bộ phim thành công nhất phòng vé Bắc Mỹ năm 1963. Tuy nhiên, quá trình sản xuất phim đã gặp rất nhiều trắc trở: phim trường phải di chuyển từ Anh sang Italy, tai nạn phim trường đã khiến Elizabeth Taylor suýt mất mạng và phải làm phẫu thuật mở khí quản. Trong phòng dựng, bản phim ban đầu dài 6 tiếng đã bị ép thời lượng xuống còn 3 tiếng, đồng nghĩa với việc một nửa số cảnh quay không được sử dụng. Kết quả, doanh thu phòng vé 57,8 triệu USD của Cleopatra khi ấy vẫn chưa đủ đề bộ phim hòa vốn.