Loạt câu hỏi đặt ra quanh vụ tòa nhà sập ở Bangkok trong động đất
Nhiều câu hỏi đặt ra quanh vụ tòa nhà sập ở Bangkok vốn thuộc Văn phòng Kiểm toán Nhà nước, khi rung chấn động đất tác động rộng khắp Bangkok nhưng chỉ có tòa nhà này bị sụp đổ hoàn toàn.
Tại Thái Lan, sau thảm họa động đất, bên cạnh theo dõi số phận của các nạn nhân còn chưa được cứu, sự chú ý của người dân còn đổ dồn về việc tòa nhà của Văn phòng Kiểm toán Nhà nước cao 30 tầng ở quận Chatuchak bị sập. Đến sáng 1-4 Thái Lan ghi nhận 19 người thiệt mạng (phần lớn tại tòa nhà sập) và 75 người vẫn mất tích bên dưới đống đổ nát tòa nhà sập ở Bangkok.
Tòa nhà bị sập trong lúc đang được xây dựng dang dở. Chính phủ Thái Lan đã mở cuộc điều tra về nguyên nhân vụ sập.
Tại sao chỉ tòa nhà này bị sập?
Theo Bangkok Post, sức mạnh động đất từ Myanmar có thể cảm nhận rõ rệt ở Bangkok - thành phố của những tòa nhà chọc trời cao chót vót. Mặc dù trận động đất gây ra tác động rộng khắp Bangkok, chỉ có một công trình là tòa nhà Văn phòng Kiểm toán Nhà nước bị sụp đổ hoàn toàn.

Tòa nhà thuộc Văn phòng Kiểm toán Nhà nước bị sập hoàn toàn trong trận động đất trưa 28-3. Ảnh: BANGKOK POST
Bangkok Post đặt câu hỏi: Tại sao tòa nhà cụ thể này lại sụp đổ theo cách thảm khốc như vậy, trong khi những tòa nhà khác vẫn đứng vững sau trận động đất?
Bên phụ trách xây dựng tòa nhà sập ở Bangkok (có giá trị hơn hai tỉ baht - khoảng 1.506 tỉ đồng) là liên doanh giữa công ty xây dựng Italian-Thai Development Plc và một công ty con của Tổng công ty Kỹ thuật Đường sắt Trung Quốc số 10 (CREC).
Câu hỏi cần được trả lời là: Tại sao tòa nhà do chính phủ sở hữu lại bị sụp đổ, trong khi các công trình khác mà nhiều công trình trong số đó đã cũ hơn, cao hơn hoặc đang được xây dựng – vẫn chịu được cơn chấn động với thiệt hại tối thiểu?
Tòa nhà sập ở Bangkok thuộc về Văn phòng Tổng kiểm toán (AGO), chính là cơ quan chịu trách nhiệm giám sát các thực thể chính phủ. Bangkok Post đặt câu hỏi liệu có bất thường nào trong quá trình xây dựng bị bỏ qua không? Các tiêu chuẩn về an toàn và chất lượng có được thực thi đúng không?
Các cuộc khảo sát sơ bộ của các chuyên gia cho thấy vật liệu xây dựng kém chất lượng đã được sử dụng trong quá trình xây dựng tòa nhà sập ở Bangkok. Theo thông tin từ Reuters, một số quan chức Bộ Công nghiệp Thái Lan nói rằng các cuộc kiểm tra ban đầu cho thấy một số mẫu thép thu thập được từ hiện trường tòa nhà bị sập không đạt tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, để tới mức độ tòa nhà bị sập thì có thể do nhiều yếu tố. Chỉ có một cuộc điều tra kỹ lưỡng mới có thể cho biết nguyên nhân chính xác và các bên chịu trách nhiệm cho thảm kịch này.
Thái Lan vốn đã yêu cầu các cao ốc phải chống được động đất
Bangkok Post lưu ý rằng Thái Lan đã yêu cầu các tòa nhà phải có khả năng chịu được động đất trong một thời gian khá dài.

Nhà cao tầng ở Bangkok đứng vững dù không tránh được bị hư hại trong trận động đất trưa 28-3. Ảnh: BANGKOK POST
Từ năm 1997, các tòa nhà cao trên 15 m tại 10 tỉnh có xảy ra hoạt động địa chấn - bao gồm Chiang Mai, Chiang Rai và Kanchanaburi - được yêu cầu phải tuân thủ các tiêu chuẩn thiết kế chống động đất.
Quy định này đã được mở rộng để bao gồm Bangkok và các tỉnh lân cận vào năm 2008 do đất mềm xung quanh khu vực thủ đô, làm khuếch đại sóng địa chấn. Vào năm 2021, quy định đã được mở rộng hơn nữa bao gồm 40 tỉnh.
Mặc dù các quy định không nêu rõ cường độ động đất mà các tòa nhà phải chịu được, nhưng hầu hết các tòa nhà trong nước đều được xây dựng để có thể chịu được trận động đất có cường độ 7,0-7,5 độ Richter.
Một nội dung nữa mà các nhà điều tra phải tìm hiểu là phải xác định xem tòa nhà bị sập ở Bangkok có tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn động đất mới nhất hay không. Nếu các tòa nhà cũ có thể sống sót sau trận động đất mà không bị hư hại, tại sao tòa nhà của Văn phòng Kiểm toán Nhà nước lại bị sập? Có phải do lỗi thiết kế, giám sát xây dựng kém hay do thiếu sự thực thi theo quy định?