Loạt cơ chế đặc thù cho các dự án đường sắt tỷ đô

Cơ chế đặc thù để đầu tư hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM được kỳ vọng sẽ tạo bứt phá cho các dự án động lực quốc gia.

Dự thảo nghị quyết của Quốc hội do Bộ Xây dựng trình thí điểm một số chính sách, cơ chế đặc thù, đặc biệt để đầu tư phát triển hệ thống đường sắt, nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn” về thể chế, hiện thực hóa mục tiêu đầu tư hoàn thành mạng lưới đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị theo quy hoạch.

Hàng triệu tỷ đồng ngân sách dành cho đường sắt

Một trong những mục tiêu quan trọng của nghị quyết này là ban hành thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để áp dụng chung cho một số dự án đường sắt cấp bách đặc biệt như tuyến Hà Nội – Đồng Đăng, Hải Phòng – Hạ Long – Móng Cái và Thủ Thiêm – Long Thành. Đồng thời, giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện; tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư, rút ngắn tối đa trình tự, thủ tục, thời gian chuẩn bị đầu tư, tiến độ thực hiện.

Với tinh thần chỉ luật hóa các thủ tục liên quan để huy động mọi nguồn lực hợp pháp nhằm rút ngắn tối đa trình tự, thời gian chuẩn bị, tránh lãng phí trong đầu tư, nghị quyết khi đi vào thực hiện, sẽ cần khoảng 2,26 triệu tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện các dự án đường sắt quốc gia.

Để giải bài toán đầu tư hệ thống đường sắt đô thị của Hà Nội và TP.HCM sẽ cần tới 3,24 triệu tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho hai thành phố khoảng 509.602 tỷ đồng, Hà Nội bố trí ngân sách khoảng 1,17 triệu tỷ đồng, TP.HCM 1,56 triệu tỷ đồng.

Bộ Xây dựng cũng đề xuất các cơ chế chính sách về huy động vốn liên quan. Theo đó, nguồn lực thực hiện các dự án đường sắt liên quan sẽ đến từ nguồn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài cũng như nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương hàng năm (nếu có). Những nguồn này, theo dự thảo nghị quyết, sẽ do Thủ tướng quyết định.

Giá trị đất đai dọc tuyến đường sắt quốc gia và các khu đô thị phụ cận ga đường sắt sẽ được khai thác tối ưu phục vụ quốc gia và địa phương. Ảnh minh họa: Hoàng Anh.

Giá trị đất đai dọc tuyến đường sắt quốc gia và các khu đô thị phụ cận ga đường sắt sẽ được khai thác tối ưu phục vụ quốc gia và địa phương. Ảnh minh họa: Hoàng Anh.

Bên cạnh đó, dự án đường sắt đô thị sẽ được huy động nguồn lực từ ngân sách địa phương trên cơ sở cân đối của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Theo Bộ Xây dựng, các dự án đường sắt có kỹ thuật phức tạp, công nghệ hiện đại, chưa có/chưa đầy đủ hệ thống đơn giá, định mức, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Đồng thời, quá trình triển khai các dự án đường sắt thời gian qua gặp nhiều vướng mắc về đơn giá, định mức gây khó khăn cho lập, thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư, dự toán các gói thầu.

Vì vậy, dự thảo nghị quyết đã đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù như các dự án được áp dụng hệ thống định mức, giá xây dựng công trình, suất vốn đầu tư, dữ liệu về chi phí, vận hành và bảo trì do các tổ chức trong nước, nước ngoài công bố hoặc của dự án tương tự và được quy đổi về thời điểm tính toán.

Dự án được phép xác định chi phí theo suất vốn đầu tư của dự án tương tự trên thế giới và được quy đổi về thời điểm tính toán, áp dụng các khoản mục chi phí như các dự án đường sắt có tính chất, điều kiện triển khai tương tự trên thế giới.

Tối ưu nguồn lực từ quỹ đất tương lai

Một trong những nguồn lực đóng góp vào quá trình thực hiện các dự án đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị là khai thác hiệu quả quỹ đất dọc tuyến và giá trị tăng thêm từ đất vùng phụ cận ga đường sắt quốc gia.

Đồng thời, đây cũng hứa hẹn là nguồn lực tác động tích cực trở lại với địa phương – thông qua việc phân cấp, trao quyền chủ động quy hoạch, triển khai các dự án cho UBND cấp tỉnh.

Dự thảo nghị quyết đề cập tới việc phát triển khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất vùng phụ cận ga đường sắt quốc gia, phát triển đô thị theo mô hình TOD đối với đường sắt đô thị để tạo thêm nguồn vốn đầu tư trở lại cho phát triển đường sắt.

Để đơn giản hóa thủ tục điều chỉnh quy hoạch khi phát triển đô thị theo mô hình TOD, Bộ Xây dựng đề xuất trao quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định các chỉ tiêu kỹ thuật, chỉ tiêu sử dụng đất nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng đất.

Đáng chú ý, việc phân cấp, phân quyền cho địa phương được phát huy mạnh mẽ nhằm khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất vùng phụ cận ga đường sắt quốc gia.

Theo đó, UBND cấp tỉnh được trao quyền trong lập, điều chỉnh quy hoạch vùng phụ cận ga đường sắt để xác định vị trí, ranh giới, diện tích đất thu hồi.

Trong vùng phụ cận ga đường sắt, UBND cấp tỉnh được điều chỉnh chức năng sử dụng các khu đất trong vùng phụ cận ga đường sắt để khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất.

Đối với số tiền thu được từ khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt sau khi trừ đi các chi phí có liên quan theo quy định, chính quyền địa phương cấp tỉnh được giữ lại 50% và nộp 50% vào ngân sách trung ương để cân đối ngân sách nhà nước đầu tư cho dự án.

Liên quan tới phát triển đô thị theo mô hình TOD đối với đường sắt đô thị, Bộ Xây dựng đề xuất UBND tỉnh được điều chỉnh chức năng sử dụng các khu đất trong khu vực TOD để khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất, phát triển các tuyến đường sắt đô thị, phát triển đô thị trong khu vực TOD.

Việc điều chỉnh các nội dung trên phải đảm bảo nguyên tắc không vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực TOD.

Căn cứ quy hoạch khu vực TOD được phê duyệt, tỉnh được quyết định việc chuyển nhượng chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch giữa các dự án, công trình trong khu vực TOD.

Dự kiến, dự thảo nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt đầu tư phát triển hệ thống đường sắt sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Theo dự thảo nghị quyết, các doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt theo Danh mục do Thủ tướng quyết định được bảo đảm đầu ra theo cơ chế đặt hàng khi đáp ứng các tiêu chí theo quy định của Chính phủ. Đồng thời, tổng thầu, nhà thầu phải ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ mà trong nước có thể sản xuất, cung cấp.

Trước đó, tại phiên họp thứ 16 của Ban chỉ đạo các dự án trọng điểm ngành giao thông, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Tập đoàn Hòa Phát chịu trách nhiệm sản xuất đường ray, Tập đoàn Trường Hải (Thaco) đảm nhận chế tạo toa tàu, Tập đoàn Vingroup triển khai hệ thống tàu điện ngầm từ nội đô TP.HCM đến Cần Giờ.

Thái Bình

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/loat-co-che-dac-thu-cho-cac-du-an-duong-sat-ty-do-d39975.html