Loạt cổ phiếu của các 'nữ tướng' ngược dòng thị trường 'bay cao'
Thị trường nhuốm đỏ liên tiếp, song, nhóm cổ phiếu doanh nghiệp của một số nữ doanh nhân vẫn tích cực tăng mạnh, đóng vai trò làm trụ đà tăng cho VN-Index
Thị trường tiếp tục ngập trong sắc đỏ với liên tiếp 2 phiên giảm điểm mạnh, tổng số điểm giảm đã lên tới hơn 30 điểm. Như vậy, so với số điểm tăng hơn 56 điểm trong chuỗi tăng dài vừa qua, chỉ trong 2 phiên, VN-Index đã nhanh chóng mất hơn nửa nỗ lực phi mạnh.
Thanh khoản đạt 26,5 tỷ đồng, giảm 25,8% so với phiên 8/3.
Nhóm trụ VN30 là đối tượng tạo sức ép chính với loạt cổ phiếu lớn lao dốc như VPB (Ngân hàng VPBank, HOSE), MBB (Ngân hàng MB, HOSE), MWG (Thế giới di động, HOSE), TCB (Ngân hàng Techcombank, HOSE), HPG (Thép Hòa Phát, HOSE),...
Trước diễn biến này, nhóm cổ phiếu vừa có xu hướng tích cực hơn, đi ngược xu hướng thị trường. Đặc biệt, loạt cổ phiếu của các "nữ tướng" bất ngờ dẫn sóng, đóng vai trò làm trụ cho chiều tăng của thị trường.
Đứng đầu là PNJ (Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, HOSE) của nữ chủ tịch Cao Thị Ngọc Dung, trong bối cảnh giá vàng liên tục tăng mạnh, tại sàn, PNJ khởi sắc với 2,6% điểm tăng trong phiên hôm qua, giá trị cổ phiếu gần tiệm cận 100.000 đồng/cp, xác lập mức đỉnh mới kể từ khi niêm yết tại sàn HOSE đến nay. Như vậy, từ đầu năm đến nay, thị giá PNJ đã tăng hơn 15%.
Theo dõi diễn biến tại sàn, chuỗi tăng tích cực xuất hiện từ đầu tháng 3.
Về kết quả kinh doanh, năm 2023, PNJ đạt doanh thu 33.482 tỷ đồng, tăng nhẹ hơn 2% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận thu về 1.971,5 tỷ đồng, tăng gần 9%. Trong đó, ghi nhận tại quý 4, doanh thu và lợi nhuận đều tăng mạnh, lần lượt là 17,5% và 34,4%.
Trước kết quả trên, PNJ cho rằng, thời gian qua, doanh nghiệp đã tích cực phát triển mạng lưới bán lẻ, tăng trưởng số lượng khách hàng và hoạt động hiệu quả từ các sáng kiến tối ưu hóa vận hành và chi phí.
Kế tiếp là FRT (FPT Retail, HOSE). Ngược dòng thị trường, bất chấp diễn biến giằng co tiêu cực, cổ phiếu nữ doanh nhân Nguyễn Bạch Diệp vẫn ghi nhận những ngày "bay cao", tăng gấp rưỡi kể từ đầu năm đến nay. Đạt thị giá cổ phiếu 154.500 đồng/cp, tăng mạnh gần 6% trong phiên hôm qua.
Diễn biến này khiến loạt tổ chức/nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu FRT bất ngờ "thắng lớn".
Điều này được cho là đến từ nhân tố quan trọng của FPT Retail - Thương hiệu nhà thuốc Long Châu. Năm 2023 vừa qua cũng là năm đầu tiên đánh dấu doanh thu của Long Châu vượt FPT Shop.
Năm 2021, Long Châu đã ghi nhận có lãi, "về đích" sớm 2 năm so với kế hoạch ban đầu. Tính đến hiện tại, Long Châu tiếp tục mở rộng khi mở mới 560 cửa hàng trong năm 2023, nâng tổng số lượng lên 1.497 nhà thuốc. Đáng chú ý, doanh thu trung bình/nhà thuốc/tháng vẫn duy trì được mức gần 1,1 tỷ đồng trong năm 2023.
Nhờ vậy, tính đến nay, thị giá FRT đã tăng gấp 15 lần sau 4 năm (thời điểm chạm đáy đầu tháng 3/2020).
Về kết quả kinh doanh, FPT Retail ghi nhận doanh thu lũy kế đạt 31.850 tỷ đồng, tăng 6% năm 2022. Nhưng do chi phí tăng, sau khi trừ các khoản chi phí, công ty lỗ 294 tỷ đồng.
Ngoài ra, mới đây, FRT đã công bố lịch họp Đại hội đồng cổ đông thường niên dự kiến vào tháng 4 tới.
Cùng lúc này, cổ phiếu EIB (Ngân hàng Eximbank, HOSE) bất ngờ tăng trở lại sau chuỗi lao dốc nhẹ trước đó.
Diễn biến này tại EIB đi ngược với xu hướng toàn nhóm ngành ngân hàng, khi từ đầu năm đến nay, nhóm ngành này liên tục duy trì xu hướng tích cực, dẫn đầu sóng tăng trưởng. Trong lúc đó, EIB ghi nhận sức bật trong tháng 1 nhưng nhanh chóng sau đó từ tháng 2 đến nay, EIB có trạng thái khá ảm đạm, thậm chí có giai đoạn giảm nhẹ.
Nhưng đến thời điểm này, khi toàn thị trường "đỏ", EIB ngược dòng tăng trở lại, đứng vị trí thứ 3 trong nhóm cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực tới chỉ số VN-Index tại 17.950 đồng/cp.
Kết quả kinh doanh cho thấy, sau khi đón tân nữ chủ tịch mới, bà Đỗ Hà Phương, EIB đã có sự hồi phục đáng kể trong quý 4/2023 với lợi nhuận tăng mạnh gấp đôi so với cùng kỳ tại 804,5 tỷ đồng.
Song, điều này chưa thể giúp EIB tăng trưởng dương cả năm. Lợi nhuận 2023 tại 2.166 tỷ đồng khiến EIB "đi lùi" 26,5% so với cùng kỳ năm 2022.