Loạt doanh nghiệp ngành bia công bố kết quả kinh doanh tụt dốc
Các doanh nghiệp ngành bia đều chứng kiến kết quả kinh doanh tụt dốc do ảnh hưởng từ kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông cũng như xu hướng giảm tiêu thụ của người dùng.
Lợi nhuận giảm
Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) công bố kết quả kinh doanh quý 4/2023 với doanh thu thuần đạt hơn 8.500 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022.
Cùng với sụt giảm doanh thu, Sabeco đã giảm 51% chi phí tài chính và 17% chi phí bán hàng. Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp và các khoản chi phí khác vẫn tăng so với cùng kỳ. Mặc dù vậy, lãi sau thuế của Sabeco vẫn chỉ đạt 970 tỷ đồng, giảm 10%.
Lũy kế cả năm 2023, doanh thu thuần của Bia Sài Gòn đạt hơn 30.400 tỷ đồng, giảm tới 13% so với năm 2022. Trong đó, doanh thu bán bia giảm 12%, đạt gần 27.000 tỷ đồng. Lãi ròng theo đó giảm 23%, chỉ đạt hơn 4.200 tỷ đồng.
Năm 2023, Sabeco đặt mục tiêu doanh thu 40.272 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 5.775 tỷ đồng. Như vậy, Sabeco chỉ đạt lần lượt 75% và gần 73% kế hoạch đã đề ra.
Hai công ty con của Sabeco là Bia Sài Gòn - Hà Nội (BSH) và Bia Sài Gòn - Miền Trung (SMB) cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Lợi nhuận BSH giảm 26% trong năm 2023, còn với SMB là 17% xuống mức thấp nhất bốn năm.
Cùng với Sabeco, Habeco cũng vừa ghi nhận một năm kinh doanh đi lùi. Doanh nghiệp ghi nhận 7.700 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 8% so với năm 2022. Lãi ròng ghi nhận giảm hơn 29%, chỉ đạt 355 tỷ đồng.
Tương tự, hai công ty con Bia Hà Nội - Hải Dương (HAD) và Bia Hà Nội - Thanh Hóa (THB) cũng có lợi nhuận đi lùi khoảng một nửa so với năm 2022.
Vì sao lợi nhuận các doanh nghiệp đồng loạt giảm?
Đại diện Habeco cho biết, nguyên nhân khiến doanh thu năm nay đi xuống chủ yếu do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường bia và xu hướng tiêu dùng của người dân giảm trong bối cảnh kinh tế - xã hội còn nhiều biến động. Ngoài ra, việc tăng cường kiểm soát nồng độ cồn vào những tháng cuối năm 2023 cũng khiến doanh thu công ty bị ảnh hưởng.
Năm qua, Habeco đã mạnh tay cắt giảm chi phí quảng cáo, khuyến mại, hỗ trợ, xuống chỉ còn 579 tỷ đồng so với mức 700 tỷ đồng của năm 2022. Đây là loại chi phí 'tốn kém' nhất của Habeco, chiếm tỷ trọng 48% trong cơ cấu chi phí bán hàng năm 2022 và trước đó là 54% năm 2022.
Lý giải về kết quả sa sút, ban lãnh đạo Sabeco cho biết doanh thu thuần năm vừa qua sụt giảm do sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường bia, cầu tiêu dùng giảm, cùng với việc thực hiện chặt chẽ của Nghị định 100 về kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Lợi nhuận cũng bị ảnh hưởng bởi chi phí đầu vào và chi phí quản lý cao hơn, phần lãi trong liên doanh, liên kết thấp hơn, mặc dù được bù đắp một phần bởi doanh thu tài chính.
Trong năm 2023, Sabeco chỉ chi hơn 2.800 tỷ đồng cho quảng cáo và khuyến mãi, giảm hơn 250 tỷ đồng so với năm 2022.
Các doanh nghiệp cho biết, việc thực hiện chặt chẽ Nghị định 100 về kiểm soát nồng độ cồn là một trong những nguyên nhân chính khiến doanh thu suy giảm, làm hao mòn lợi nhuận. Theo nhận định của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), ngành bia sau thời gian dài chịu tác động của các biện pháp giãn cách xã hội, đã phải đối mặt thêm Nghị định 100 với chế tài rất nặng, khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp này ảnh hưởng nặng.
Điều này cho thấy các động thái quản lý nhằm giảm tác hại bia, rượu của Nhà nước đang phát huy tác dụng lớn. Thời gian gần đây, lực lượng chức năng thực hiện nhiều đợt cao điểm ra quân để kiểm tra nồng độ cồn. Riêng TP HCM, Công an thành phố đã đến tận hẻm ngõ và thực hiện kiểm tra thường xuyên.
Để kích cầu và ứng phó với tình trạng cạnh tranh gay gắt, các hãng phải đẩy mạnh khuyến mãi, chiết khấu. Dù doanh thu đi lùi, Bia Hà Nội vẫn chi hơn 140 tỷ đồng cho chiết khấu thương mại, tăng 13% so với năm trước. Con số này với Bia Sài Gòn giảm bớt nhưng vẫn ở mức cao, khoảng 234 tỷ đồng.
Không chỉ ở đầu ra, ngành bia còn đối mặt với thế khó ở giá cả nguyên liệu đầu vào tăng mạnh. Sắp tới, nếu Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, trong đó có nội dung thay đổi phương pháp tính và điều chỉnh thuế suất với rượu và bia, được triển khai, tình hình của các doanh nghiệp càng gặp khó.
Trong báo cáo gần đây, Chứng khoán Funan cho rằng rủi ro quan trọng của ngành bia là sức cầu chưa có tín hiệu cải thiện bởi người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt với những mặt hàng không thiết yếu như bia, rượu. Riêng với Sabeco, SSI Research dự báo sản lượng tiêu thụ phục hồi nhẹ 3% trong năm 2024, do giá bán trung bình ở mức cao và Nghị định 100 tiếp tục giữ lượng tiêu thụ chưa thể trở về như trước dịch.