Loạt doanh nghiệp ngoại đạo 'bỏng tay' vì đầu tư chứng khoán
Không chỉ các công ty chứng khoán, rất nhiều doanh nghiệp ngoại đạo cũng thua lỗ nặng trong 9 tháng đầu năm 2022 khi mang tiền đi đầu tư chứng khoán.
CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (mã TLH) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2022 với con số đáng chú ý là thua lỗ trong hoạt động đầu tư chứng khoán.
Cụ thể, Thép Tiến Lên ghi nhận doanh thu thuần hơn 1.100 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp lại giảm 65% so với cùng kỳ, xuống 57 tỷ đồng giá vốn bán hàng tăng mạnh.
Trong kỳ, doanh thu tài chính suy giảm, trong khi chi phí tài chính tăng mạnh, càng gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp thép có trụ sở ở Bình Dương. Kết quả, Thép Tiến Lên “bốc hơi” 92% lãi ròng so với cùng kỳ, chỉ còn 8 tỷ đồng.
Công ty cho biết chi phí tài chính tăng chủ yếu do ghi nhận lãi tiền vay 25,4 tỷ đồng, tăng 9,8 tỷ đồng so với đầu năm; lỗ kinh doanh chứng khoán ghi nhận 8,58 tỷ đồng, tăng 6,03 tỷ đồng so với đầu năm…
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Thép Tiến Lên ghi nhận doanh thu thuần 3.663 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ; lãi ròng giảm 71%, về mức 122 tỷ đồng.
Kết quả kém sắc của Thép Tiến Lên còn do thua lỗ từ thị trường chứng khoán. Tính tới 30/9/2022, tổng danh mục đầu tư chứng khoán là 138 tỷ đồng, tăng thêm 31 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, công ty đang trích lập dự phòng 60,8 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ 44% tổng danh mục đầu tư chứng khoán.
Theo thuyết minh, danh mục đầu tư cổ phiếu của TLH không thay đổi so với đầu năm nhưng có gia tăng tỷ trọng. Công ty đầu tư 23,5 tỷ đồng cổ phiếu SHB, trích lập dự phòng 11 tỷ đồng; đầu tư 21,2 tỷ đồng cổ phiếu VIX, trích lập 11,98 tỷ đồng và tăng đầu tư thêm 14,1 tỷ đồng so với đầu năm;
Đầu tư 18,2 tỷ đồng vào cổ phiếu IJC, trích lập dự phòng 8,5 tỷ đồng, tức tăng đầu tư thêm 3,6 tỷ đồng so với đầu năm; đầu tư 75,3 tỷ đồng các cổ phiếu khác, trích lập dự phòng 29,3 tỷ đồng và tăng đầu tư thêm 12,8 tỷ đồng vào các cổ phiếu khác.
Trước thép Tiến Lên, nhiều doanh nghiệp “ngoại đạo” khác cũng ghi nhận lỗ trong hoạt động đầu tư chứng khoán. Điển hình như CTCP Vĩnh Hoàn (mã VHC), doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản.
Trong quý 3/2022, doanh thu của Vĩnh Hoàn đạt 3.261 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế 460 tỷ đồng, tăng 80%. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vĩnh Hoàn mang về doanh thu 10.755 tỷ đồng, tăng 69% so với kết quả thực hiện năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.815 tỷ đồng, tăng gần 180%.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, phần chứng khoán kinh doanh của Vĩnh Hoàn tăng đáng kể, từ 80 tỷ đồng lên hơn 190 tỷ đồng. Công ty đang đầu tư chủ yếu vào 3 mã cổ phiếu bất động sản. Đó là NLG của CTCP Đầu tư Nam Long, DXS của CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh và KBC của Tổng Công ty phát triển Kinh Bắc.
Tuy nhiên tại thời điểm cuối quý 3, khoản đầu tư chứng khoán của VHC ghi nhận lỗ hơn 78 tỷ đồng, giá trị hợp lý chỉ còn 112 tỷ đồng. Trong đó, NLG và DXS lỗ nặng nhất. Cũng dễ hiểu bởi từ nửa cuối tháng 8 đến nay, hai cổ phiếu này đều giảm giá sâu.
CTCP Hóa An (mã DHA) báo lãi ròng giảm gần 12% so với nền thấp cùng kỳ năm ngoái dù doanh thu thuần tăng 37,5% so với cùng kỳ. Nguyên nhân giảm lãi của DHA phần nhiều xuất phát từ việc phải trích lập dự phòng khoản mục đầu tư vào cổ phiếu HPG.
Thời điểm 30/9, giá trị khoản chứng khoán kinh doanh của DHA ở mức 88,5 tỷ đồng, tăng 2,1 tỷ đồng so với cuối quý trước. Trong quý 3, DHA đã mua thêm 100.000 cổ phiếu HPG, qua đó nâng sở hữu lên 2,64 triệu đơn vị (tương đương 80,3 tỷ đồng) trong khi đầu năm mới chỉ nắm 300.000 cổ phiếu.
CTCP Hóa An hoạt động trong lĩnh vực: Khai thác và chế biến khoáng sản; sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu vật liệu xây dựng; đầu tư kinh doanh hạ tầng, nhà ở, bến bãi...
CTCP Đầu tư CMC (mã CMC) báo lỗ hơn 240 triệu đồng trong quý 3 do khoản dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư tăng đột biến 98% lên gần 9 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm 1,5 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/9, hầu hết các khoản đầu tư cổ phiếu của CMC đều đang lỗ, ước tính trung bình giảm khoảng 30%. Riêng khoản đầu tư vào cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát, CMC phải trích lập hơn 5,2 tỷ đồng, tương đương mức giảm 36%.
CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (mã NDN) cũng ghi nhận lỗ sau thuế 28,8 tỷ đồng trong quý 3/2022 với giải trình do thị trường chứng khoán có nhiều biến động tiêu cực nên hoạt động đầu tư tài chính không hiệu quả.
Tại thời điểm cuối quý 3, tổng số tiền đầu tư vào chứng khoán của Nhà Đà Nẵng với giá gốc là 398 tỷ đồng, trong khi giá trị hợp lý là 275 tỷ đồng. Công ty đã trích lập dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán 123 tỷ đồng, trong đó, mã SHB của Ngân hàng SHB có mức trích dự phòng cao nhất với 52,6 tỷ đồng, mã VHM của Vinhomes trích 45 tỷ đồng, mã TCB của Techcombank trích 16 tỷ đồng...
Trong 9 tháng đầu năm 2022, công ty đã thoái vốn tại một số mã cổ phiếu như DGC của Hóa chất Đức Giang, EIB của Eximbank, FLC của Tập đoàn FLC, KBC của Kinh Bắc, MBB của MBBank, NVL của Novaland...
CTCP Licogi 14 (L14) lãi ròng trở lại trong quý 3/2022 với lợi nhuận sau thuế 8,1 tỷ đồng, sau khi lần đầu tiên báo lỗ ròng 238 tỷ đồng vào quý 2. Tuy nhiên lũy kế 9 tháng, Licogi 14 vẫn lỗ ròng 15,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 39 tỷ đồng. Nguyên nhân phần lớn do các chi phí tăng cao, đặc biệt là chi phí tài chính (chủ yếu là dự phòng giảm giá các khoản đầu tư).
Thời điểm 30/9, danh mục chứng khoán kinh doanh của Licogi 14 có giá gốc hơn 105,3 tỷ đồng, không thay đổi so với cuối quý 2. Công ty đang phải trích lập dự phòng giảm giá 68,7 tỷ đồng, tương đương danh mục tạm lỗ 65,3%. Công ty không thuyết minh cụ thể nhưng nhiều khả năng danh mục cổ phiếu nắm giữ không thay đổi sau quý 3.
Ghi nhận trên báo cáo tài chính bán niên soát xét, thời điểm cuối quý 2, Licogi 14 nắm giữ hơn 1,3 triệu cổ phiếu CEO của C.E.O Group và 217.300 cổ phiếu DIG của DIC Corp với giá gốc lần lượt là 86,3 tỷ đồng và 19 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, 2 cổ phiếu này đã giảm miệt mài tới 80-90%.