Loạt hồ thủy điện tiệm cận mực nước chết, cảnh báo nguy cơ thiếu điện
Theo EVN, tình trạng mực nước nhiều hồ thủy điện lớn ở khu vực miền Bắc xuống thấp, nguy cơ ảnh hưởng đến việc cung cấp điện.
Theo thông báo từ tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tại nhiều hồ thủy điện lớn ở phía Bắc, mực nước đang xuống thấp gây nguy cơ cơ ảnh hưởng đến việc cung cấp điện.
Cụ thể, hồ Hòa Bình chỉ còn cách mực nước chết gần 5m, hồ Sơn La cách 8m, hồ Thác Bà chỉ còn cách chưa tới 1m. Trước tình trạng trên, EVN cảnh báo, khi mực nước các hồ thủy điện xuống thấp sẽ làm hạn chế khả năng phát điện cả về công suất phát và sản lượng điện.
Số liệu từ trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) cho thấy, trong những ngày gần đây, công suất tiêu thụ điện toàn quốc đều ghi nhận quanh ngưỡng công suất đỉnh là 42.000 MW (cao hơn gần 10% so với năm 2020).
Do đó, dẫn đến mức dự phòng nguồn điện ở khu vực phía Bắc chỉ còn ở mức thấp, nguy cơ sự cố do quá tải và ảnh hưởng đến tình hình cung cấp điện đang cận kề.
Theo các chuyên gia ngành điện, hiện tại, mức dự phòng gần như sát với mức tiêu thụ lúc đạt đỉnh, cắt giảm hay quá tải điện là điều khó tránh khỏi. Trong đó, khu vực phía Bắc hiện không có hoặc rất ít nguồn điện mới được đưa vào vận hành.
Theo thống kê của A0, công suất lắp đặt của toàn hệ thống điện là gần 70.000 MW, trong đó có khoảng 17.000 MW điện mặt trời (bao gồm điện mặt trời trang trại lớn và áp mái nhà).
Như vậy, vào thời điểm không có sự tham gia của điện mặt trời thì công suất đặt của nguồn điện chỉ còn lại khoảng 53.000 MW. Tuy nhiên, mức công suất này chỉ đảm bảo khi được đáp ứng đầy đủ các tiêu chí đầu vào và không có nhà máy nào gặp sự cố...
Vừa qua, trước nguy cơ thiếu điện, EVN đã ký hợp đồng mua bán điện với hàng loạt chủ đầu tư nhà máy thủy điện tại Lào.
Cụ thể, hợp đồng đã được ký giữa EVN với tập đoàn Phongsubthavy về việc phát triển cụm Dự án Thủy điện Nậm Yeuang, bao gồm các nhà máy thủy điện Nậm Mô 2, Nậm Tài, Nậm Sak, Nậm Sao, Nậm Chao với công suất 84 MW. Dự kiến bán điện về Việt Nam từ năm 2024-2025.
Một hợp đồng mua điện khác, dự án nhiệt điện than Nậm Phan với công suất 300 MW của tập đoàn Phongsubthavy cũng vừa được ký kết. Dự kiến bán điện về Việt Nam từ năm 2025.
Đồng thời, EVN cũng đã trao đổi hợp đồng mua bán điện với công ty Kong Sup Hydro Development Nam Neun 1 and Nam Neun 3 về việc phát triển Dự án Thủy điện Nam Neun 1 với công suất 124 MW. Dự kiến bán điện về Việt Nam năm 2024-2025. Như vậy, tính đến năm 2025, EVN sẽ mua thêm 508 MW điện từ các dự án thủy điện và nhiệt điện của Lào.
Hiện, nhiều nhà máy thủy điện tại Lào đã xuất khẩu điện năng sang Việt Nam do các chủ đầu tư Việt Nam và Lào hợp tác đầu tư như: Thủy điện Xekaman 1 (290 MW), Xekaman SanXay (32 MW), cụm thủy điện Nam Sak (265 MW),…
Để hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố về điện do nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến, EVN tiếp tục khuyến cáo người dân, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, đặc biệt vào các giờ cao điểm trưa và tối (từ 11h30 đến 15h và từ 20h đến 23h).
Đồng thời chú ý sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ (đặt ở mức 26-27 độ trở lên, sử dụng kết hợp với quạt) và chú ý không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn.