Loạt lãnh đạo công ty bị bán giải chấp cổ phiếu trong tuần qua

Mặc dù thị trường chứng khoán trong tuần qua đã hồi phục mạnh nhưng làn sóng bán giải chấp cổ phiếu của lãnh đạo các công ty vẫn chưa dừng lại.

Ông Vũ Tiến Dương - thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Petrosetco.

Ông Vũ Tiến Dương - thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Petrosetco.

Mới đây nhất, ông Vũ Tiến Dương - thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco, mã PET) bị bán giải chấp 66.900 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 0,55% về còn 0,48% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 17/11.

Ông Dương bị bán giải chấp khi cổ phiếu PET liên tục lao dốc và bị bán tháo. Cụ thể, từ ngày 1/4 đến 15/11, cổ phiếu PET giảm 79,5% từ 67.300 đồng về 13.800 đồng/cổ phiếu và sau đó hồi phục trong 3 phiên gần đây.

Ông Nguyễn Hồ Nam – Chủ tịch CTCP Tập đoàn Bamboo Capital (mã BCG) bị bán giải chấp gần 4,6 triệu cổ phiếu BCG trong ngày 16/11. Phía Bamboo Capital cho biết đây là một sự cố đáng tiếc, xuất phát từ việc phối hợp không kịp thời trong việc quản lý tài khoản giữa đại diện quản lý tài khoản chứng khoán với cá nhân ông Nguyễn Hồ Nam.

Cũng trong ngày 16/11, ông Nguyễn Hồ Nam đã thực hiện công bố thông tin đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu BCG trong thời gian từ ngày 21/11/2022 đến ngày 20/12/2022 để giữ nguyên tỷ lệ sở hữu tại công ty.

Hai lãnh đạo của CTCP Phát triển nhà Bà Rịa-Vũng Tàu (Hodeco, mã HDC) cũng bị bán giải chấp cổ phiếu với lý do chưa phối hợp nhịp nhàng với công ty chứng khoán. Đó là ông Đoàn Hữu Thuận - Chủ tịch HĐQT và ông Lê Viết Liên - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Ông Thuận bị bán 200.000 cổ phiếu còn ông Liên bị bán 804.600 đơn vị. Giao dịch được thực hiện trong phiên 16/11 theo phương thức giao dịch khớp lệnh trên sàn.

Hai lãnh đạo Hodeco cho biết, việc bị bán giải chấp là do công ty chứng khoán thiếu tinh thần trách nhiệm và thiện ý, hạ tỷ lệ margin về 0 một cách đột ngột, mặc dù đã liên hệ đảm bảo nộp tiền trong buổi sáng ngày 16/11/2022.

Diễn biến cổ phiếu HDC thời gian qua.

Diễn biến cổ phiếu HDC thời gian qua.

Ngay sau khi bị bán giải chấp, ông Đoàn Hữu thuận đã đăng ký mua vào 200.000 cổ phiếu HDC nhằm mục đích đảm bảo tỷ lệ nắm giữ tại công ty là 9,84%, tương ứng 10,6 triệu cổ phiếu HDC. Thời gian thực hiện giao dịch dự kiến từ ngày 22/11-21/12/2022 theo phương thức khớp lệnh và hoặc thỏa thuận.

Từ cuối tháng 8 đến nay, HDC giảm 42%, từ mức giá 54.000 đồng về 33.000 đồng. So với mức đỉnh 92.000 đồng hồi tháng 11/2021, cổ phiếu của Hodeco đã giảm 66%.

Ông Đỗ Quý Hải – Chủ tịch CTCP Đầu tư Hải Phát (mã HPX) bị Chứng khoán SmartInvest thông báo bán giải chấp 1,7 triệu cổ phiếu HPX từ ngày 17/11. Trước đó, Chứng khoán Maybank cho biết sẽ bán giải chấp 2,3 triệu cổ phiếu HPX của ông Đỗ Quý Hải từ ngày 16/11. Tổng cộng, 2 công ty chứng khoán thông báo bán giải chấp hơn 4 triệu cổ phiếu HPX của ông Hải.

Kết phiên 18/11, cổ phiếu HPX tiếp tục giảm sàn, lùi về giá 13.950 đồng. Nếu tính từ mức đỉnh 40.000 đồng ngày 26/11/2021 đến nay, cổ phiếu HPX đã giảm 62,5%.

Từ ngày 16/11, Chứng Maybank cũng cho biết sẽ bán giải chấp 1,5 triệu cổ phiếu NRC thuộc sở hữu của ông Lê Thống Nhất - Chủ tịch Tập đoàn Danh Khôi (mã NRC) và 1,7 triệu cổ phiếu NRC thuộc sở hữu của bà Nguyễn Ngọc Thủy, vợ ông Lê Thống Nhất.

NRC kết phiên 18/11 ở mức 7.400 đồng. Tính từ đầu tháng 8 đến nay, mã này đã giảm 50% giá trị. Còn so với mức đỉnh 31.000 đồng hồi tháng 11/2021 thì NRC đã “bốc hơi” 77%.

Các giao dịch bán giải chấp của ông Đỗ Quý Hải và vợ chồng ông Lê Thống Nhất hiện vẫn chưa có kết quả. Nếu giá thị trường của tài sản đảm bảo thay đổi hoặc chủ tài khoản bổ sung tài sản đảm bảo đủ tỷ lệ theo quy định về việc cho vay giao dịch ký quỹ thì việc bán giải chấp có thể không diễn ra.

Cổ phiếu Phát Đạt vẫn chất sàn

Trong làn sóng bán giải chấp tuần qua, mã PDR của Bất động sản Phát Đạt DIG của Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp)vẫn chịu áp lực mạnh nhất.

Tại DIC Corp, bà Hà Thị Thanh Châu (em dâu ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT DIC Corp) vừa bị bán giải chấp 15.000 cổ phiếu DIG để giảm sở hữu từ 354.151 cổ phiếu về 339.151 cổ phiếu, tương ứng 0,055% vốn điều lệ. Giao dịch được thực hiện từ ngày 14/11 và ngày 16/11 theo phương thức khớp lệnh.

Trước đó, ngày 14/11, Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho biết sẽ bán giải chấp 1,6 triệu cổ phiếu DIG của bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó chủ tịch HĐQT, đồng thời là con gái ông Nguyễn Thiện Tuấn. Thời điểm dự kiến bán giải chấp kể từ ngày 15/11/2022 đến khi đảm bảo đủ tỷ lệ theo quy định về giao dịch ký quỹ.

Cách đó không lâu, tại ngày 7/11, ngày 9/11 và ngày 10/11, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền cũng đã bị bán giải chấp thêm hơn 5,8 triệu cổ phiếu để giảm sở hữu từ 4,36% về còn 3,39% vốn điều lệ.

Ông Nguyễn Hùng Cường, Phó chủ tịch HĐQT, đồng thời là con trai ông Nguyễn Thiện Tuấn cũng bị bán giải chấp hơn 6,4 triệu cổ phiếu DIG để giảm sở hữu từ 10,06% về còn 9% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 7/11 và ngày 9/11.

Trước đó, từ ngày 27/10 đến 28/10, ông Nguyễn Thiện Tuấn và ông Nguyễn Hùng Cường cũng đã bị bán giải chấp hơn 4,4 triệu cổ phiếu DIG.

Ngoài ra, hơn 9,4 triệu cổ phiếu DIG do ông Nguyễn Thiện Tuấn sở hữu cũng đã bị công ty chứng khoán bán giải chấp trong 4 phiên 4/11, 7/11, 8/11 và 9/11. Sau giao dịch này, số lượng cổ phiếu DIG mà Chủ tịch DIC Corp còn nắm giữ là hơn 49 triệu đơn vị, tỷ lệ sở hữu giảm từ 9,59% xuống còn 8,04%.

Như vậy, tính tới ngày 11/11, ông Nguyễn Thiện Tuấn và 2 người con đã bị bán giải chấp 26,1 triệu cổ phiếu DIG, tương ứng 4,29% vốn điều lệ.

Ông Nguyễn Thiện Tuấn và 2 người con.

Ông Nguyễn Thiện Tuấn và 2 người con.

Tại Bất động sản Phát Đạt, đã có 6 công ty chứng khoán liên tục bán giải chấp cổ phiếu PDR của Chủ tịch Phát Đạt - ông Nguyễn Văn Đạt. Trong khi đó, mã PDR đã liên tục giảm sàn trong trạng thái mất thanh khoản.

Mới đây nhất, ngày 14/11, MBS đã tiến hành đặt lệnh bán giải chấp 516.500 cổ phiếu PDR thuộc sở hữu của ông Đạt. Tuy nhiên không có cổ phiếu nào khớp lệnh. Sang tới phiên 15/11, MBS tiếp tục đặt lệnh bán giải chấp 556.300 cổ phiếu PDR cũng thuộc sở hữu của ông Đạt, song kết quả tương tự lặp lại là "ế hàng".

Trước đó, 5 công ty chứng khoán khác cũng liên tục “call margin” với Chủ tịch Phát Đạt, với tổng số lượng gần 11 triệu đơn vị. Tuy nhiên do không có dòng tiền vào “giải cứu” nên PDR liên tục trong tình trạng “trắng bên mua” từ đầu phiên, lượng chất sàn ngày càng lớn.

Kết phiên 18/11, PDR đánh dấu kỷ lục giảm sàn 11 phiên liên tiếp, trôi về mức giá 18.350 đồng/cổ phiếu. Như vậy, thị giá của PDR đã "bốc hơi" 56% so với đầu tháng 11 và 73% tính từ đầu năm đến nay.

Giải trình mới nhất về cổ phiếu giảm sàn, Bất động sản Phát Đạt cho biết là do yếu tố tâm lý thận trọng của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nguyên do còn tới từ nhà đầu tư cổ phiếu PDR có vay ký quỹ bị ép bán chủ động từ những công ty chứng khoán để nhanh chóng thu hồi vốn vay.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/loat-lanh-dao-cong-ty-bi-ban-giai-chap-co-phieu-trong-tuan-qua-post14460.html