Nhiều lễ hội lớn ở Việt Nam sẽ bị ngừng tổ chức hoặc cắt giảm quy mô để đề phòng bệnh viêm phổi cấp do virus corona lây lan.
Trước tình hình bệnh viêm phổi cấp do virus corona diễn biến khó lường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu tạm dừng các lễ hội chưa khai mạc, trường hợp đặc biệt cần có ý kiến của Thủ tướng. Bên cạnh đó, các lễ hội đã khai mạc cần giảm quy mô và yêu cầu người dân đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Với thông báo này, nhiều lễ hội lớn sau Tết hứa hẹn chịu ảnh hưởng nặng do sụt giảm lượng khách hoặc không được tổ chức. Ảnh: Getty.
Lễ hội chọi trâu xã Phù Ninh (Phú Thọ) đã phải tạm ngừng tổ chức để phòng chống dịch corona. Lễ hội này diễn ra vào mùng 8-9 tháng Giêng để tưởng nhớ vua Hùng. Sự tích xưa kể lại vua Hùng trong lần đi săn qua đây đã giúp dân làng diệt 2 con hổ đang đánh nhau. Ảnh: Phuthogov.
Lễ hội chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) nằm trong top những lễ hội đông và kéo dài nhất cả nước (từ mùng 6 Tết đến hết tháng 3 Âm lịch). Du khách đến đây để tìm về cõi Phật và hòa mình vào phong cảnh sông nước trữ tình. Tính riêng chiều mùng 5 Tết, khoảng 5.000 chiếc thuyền đã được huy động để phục vụ đưa đón khách. Do đây là lễ hội có số người tham dự khổng lồ, khả năng lây nhiễm virus corona qua đường hô hấp rất cao. Ảnh: Phạm Thắng.
Yên Tử là một trong những trung tâm Phật giáo lớn nhất Việt Nam. Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh) có số lượng người tham dự đông không kém gì lễ hội chùa Hương. Lễ hội Yên Tử bắt đầu từ mùng 10 tháng Giêng tới hết tháng 3 Âm lịch, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách hành hương. Ảnh: Đức Anh.
Hội Lim (Bắc Ninh) tổ chức từ 12-14 tháng Giêng với lượng người tham dự đông đảo. Hội Lim là cách người dân tỏ lòng thành kính với vị tổ tiên của làn điệu dân ca quan họ bằng những nghi lễ trang nghiêm và nhiều hoạt động nghệ thuật, tín ngưỡng... Tham dự hội Lim, bạn sẽ được trải nghiệm nhiều trò chơi dân gian như đấu vật, đấu cờ, đánh đu, thi nấu cơm... Điểm đặc sắc nhất của hội Lim là hát quan họ. Các liền anh, liền chị thể hiện những làn điệu quan họ trữ tình, nồng nàn trên chiếc thuyền rồng tại hồ nước sát bên cánh đồng làng Lim. Ảnh: Lê Hiếu.
Khai ấn Đền Trần (Nam Định) là lễ hội trang trọng, diễn ra từ 13-15 tháng Giêng. Nghi lễ khai ấn có ý nghĩa cầu mong đất nước yên bình, mọi người bước sang năm mới mạnh khỏe, lao động, sản xuất hăng say, học tập, công tác tốt. Lễ hội tái hiện một thời hào hùng của dân tộc, đồng thời bồi đắp tình yêu nước và ý chí chống giặc ngoại xâm, tinh thần uống nước nhớ nguồn. Tuy nhiên, năm nay, UBND TP Nam Định và Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh, UBND tỉnh Nam Định quyết định dừng tổ chức lễ hội khai ấn Đền Trần do lo ngại ảnh hưởng từ virus corona. Ảnh: Việt Hùng.
Lễ hội Cầu Ngư (Huế) được tổ chức ở làng Thái Dương Hạ, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang. Lễ hội tổ chức vào 12 tháng Giêng để tưởng nhớ công ơn của vị thành hoàng làng Trương Quý Công từng dạy người dân nghề đánh cá, buôn bán ghe mành. Trong thời gian diễn ra lễ hội, nhiều trò chơi mô tả sinh hoạt của dân đánh cá được diễn ra. Ảnh: Lê Huy Hoàng Hải.
Lễ hội đền Bà Đen (Tây Ninh) là một trong những lễ hội đông vui nhất khu vực phía nam. Lễ hội được tổ chức từ 10 tháng Giêng đến hết rằm. Quang cảnh cả nghìn người "rồng rắn" lên đền Linh Sơn Thánh Mẫu trẩy hội đã trở nên quen thuộc những năm qua. Bên cạnh những hoạt động văn hóa tâm linh, nhiều người còn tới đây để vãn cảnh.
Vẻ u buồn ở Vũ Hán những ngày đầu năm Không khí buồn bã, những con phố vắng hoe, người đi đường bịt khẩu trang kín mít là khung cảnh dễ thấy ở Vũ Hán, Trung Quốc, ngày đầu năm mới.