Loạt món làm từ côn trùng nổi tiếng Việt Nam

Ẩm thực Việt Nam khá đa dạng những món ăn được làm từ côn trùng. Chúng có hương vị đặc biệt nhưng kén người ăn vì bề ngoài kém bắt mắt.

Nhiều loài côn trùng có hình dáng tạo cảm giác ghê rợn như ong, châu chấu, đuông dừa... Tuy nhiên, dưới bàn tay tài tình của các đầu bếp Việt Nam, những con côn trùng này có thể trở thành món ngon khó cưỡng.

Xôi trứng kiến

Loại kiến duy nhất được dùng làm món này là kiến gai đen. Trứng của chúng giàu đạm, có khả năng tăng cường sinh lực và giảm stress. Nhiều người coi trứng kiến gai đen như loại thần dược. Do đó, giá của loại thực phẩm này cũng rất cao, khoảng 700.000-1 triệu đồng/kg.

 Xôi trứng kiến giàu chất dinh dưỡng, có giá rất cao.

Xôi trứng kiến giàu chất dinh dưỡng, có giá rất cao.

Nhiều nguồn bán trứng kiến trên mạng nhưng theo giới sành ăn, loại ngon nhất phải nhập từ Bắc Kạn. Khi chế biến, đầu bếp sẽ sử dụng trứng kiến, nấm giã nhỏ, thịt băm, mộc nhĩ, đảo trên chảo dầu. Gia vị được nêm nếm sao cho làm dậy vị béo ngậy của trứng kiến.

Sau đó, hỗn hợp này được đổ lên đĩa xôi nếp và rắc thêm hành phi. Sự kết hợp giữa vị béo của trứng kiến, hương thơm từ xôi, hành tạo nên một món ăn "đỉnh cao". Nhiều chuyên gia y tế khuyến cáo người bị gout không nên ăn món này vì trứng kiến có hàm lượng đạm cao.

Côn trùng chiên Mộc Châu

Mộc Châu (Sơn La) là điểm du lịch phổ biến với nhiều đặc sản hấp dẫn. Bên cạnh những món thịt trâu, bê... du khách cũng nên thử đặc sản côn trùng chiên. Gọi chung như vậy bởi các hàng quán tại Mộc Châu thường phục vụ đủ món côn trùng, từ châu chấu, bọ xít, ve sầu non...

Dù đa số được chế biến theo kiểu chiên, mỗi loại côn trùng lại có một mùi vị đặc trưng. Các món côn trùng thường được luộc bằng nước măng chua, nước mắm... Sau đó, người địa phương sẽ rắc thêm lá chanh xắt nhỏ lên trên. Riêng bọ xít, đầu bếp phải loại bỏ đuôi để tránh mùi hôi.

Điểm chung của châu chấu, bọ xít hay ve sầu là đều có vỏ ngoài giòn tan sau khi chiên. Tuy nhiên, khi cắn, hương thơm béo ngậy sẽ lan tỏa trong miệng thực khách.

Đuông dừa ngâm nước mắm

Đuông dừa là ấu trùng sâu của bọ kiến dương. Chúng có hại với cây dừa nhưng lại mang vị ngon khó cưỡng. Do đó, loại côn trùng này rất được người miền Tây ưa chuộng.

Khi tham quan đồng bằng sông Cửu Long, du khách sẽ có cơ hội ăn đuông dừa sống ngâm nước mắm. Đúng như tên gọi, với món này, bạn sẽ phải ăn những con đuông dừa còn đang ngọ nguậy trong bát mắm cay. Nhiều người từng ăn miêu tả cảm giác cắn con đuông dừa giống như quả trứng gà đang tan trong miệng.

 Đuông dừa ngọ nguậy trong bát nước mắm khiến nhiều người sợ hãi khi ăn. Ảnh: The Food Ranger.

Đuông dừa ngọ nguậy trong bát nước mắm khiến nhiều người sợ hãi khi ăn. Ảnh: The Food Ranger.

Ngoài ra, du khách cũng có lựa chọn đỡ "kinh dị" hơn là đuông dừa nướng. Ở Bình Định, người dân còn nghĩ ra món đuông dừa chiên hấp dẫn không kém.

Cà cuống

Loại côn trùng này từng là nguyên liệu không thể thiếu trong những bát bánh cuốn Thanh Trì xưa. Tuy nhiên, theo thời gian, cà cuống gần như biến mất. Hiện tại, không còn nhiều hàng bánh cuốn sử dụng cà cuống.

 Cà cuống hiếm xuất hiện trong những bát bánh cuốn như thời xưa. Ảnh: Thái Nguyễn.

Cà cuống hiếm xuất hiện trong những bát bánh cuốn như thời xưa. Ảnh: Thái Nguyễn.

Nếu muốn thử, bạn có thể ghé thăm hàng bánh cuốn trên phố Tô Hiến Thành, Hà Nội. Mỗi con cà cuống được bán với giá khoảng 60.000 đồng. Điểm đặc biệt nhất của cà cuống là bọng tinh dầu. Hương thơm quyến rũ của tinh dầu cà cuống khiến bát nước chấm bánh cuốn như nâng lên tầng cao mới.

Muối kiến vàng

Loại muối đặc biệt này rất phổ biến ở Phú Yên. Người dân phải vào rừng để tìm những tổ kiến vàng trên cây. Sau đó, họ chặt nhánh cây xuống và nhanh chóng cho vào bao để kiến không thoát ra.

Kiến được rang sạch để loại bỏ tạp chất. Các nguyên liệu như muối, ớt được cho vào giã cùng kiến đã rang để tăng hương vị. Loại muối kiến có thể dùng để chấm với nhiều món, phổ biến nhất là bò một nắng. Ngoài Phú Yên, Gia Lai cũng rất nổi tiếng với loại muối này.

Anh Tú

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/loat-mon-lam-tu-con-trung-noi-tieng-viet-nam-post1127815.html