Loạt người mặc blouse chê sữa trái cây, khuyên dùng cô gái Hà Lan xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội
Loạt người xưng bác sĩ, dược sĩ mặc blouse xuất hiện tần suất dày đặc trên mạng xã hội thao thao chê sữa trái cây, khuyên dùng sữa cô gái Hà Lan.
Chê sữa trái cây, chỉ khuyên dùng Dutch Lady
Đó là hiện tượng lạ bất ngờ xuất hiện mấy ngày gần đây. Trên mạng xã hội Facebook, TikTok, xuất hiện một số trai thanh gái lịch xưng là “dược sĩ”, “bác sĩ” lên mạng chia sẻ thông tin, kiến thức về dinh dưỡng, đăng tải dày đặc những clip giới thiệu sản phẩm và bán chúng. Trong đó, có sản phẩm sữa, hoặc thực phẩm dinh dưỡng liên quan đến trẻ em.
Trên kênh TikTok “Bác sĩ Huy” của người tự giới thiệu là bác sĩ Lê Tiến Huy, Phó Viện Trưởng - Viện Khoa Học Công Nghệ Y Dược đăng tải clip phỏng theo gameshow “Ai là triệu phú”. Trong một câu hỏi, “bác sĩ” Huy hỏi: “Cùng 1 loại như nhau, loại sữa nào thường có đầy đủ thành phần dinh dưỡng”. Các đáp áp được đưa ra là: A. Sữa hạt, B. Sữa trắng, C. Sữa lúa mạch và D. Sữa trái cây.
“Bác sĩ Huy” cho biết “Có một số mẹ chọn phương án Sữa hạt hoặc Sữa trái cây” nhưng nhanh chóng đưa ra đáp án là B.Sữa trắng. Bác sĩ Huy có nhấn mạnh: Sữa bò, đặc biệt là sữa trắng có hàm lượng canxi gấp từ 5 đến 7 lần so với sữa trái cây. Đạm trong sữa bò là axit amin thiết yếu, caxin dễ hấp thu. “Nếu mẹ sử dụng sữa trái cây thay sữa trắng trong chế độ ăn uống của con, trước tiên cơ thể con không được cung cấp đủ đạm và canxi. Đó là thói quen không lành mạnh, con có thể không muốn ăn các thực phẩm khác và dễ ảnh hưởng đến sự phát triển sau này”.
Sau khi “dìm” sữa trái cây, ngay lập tức “bác sĩ” Lê Tiến Huy còn giới thiệu “sữa Dutch Lady và tất cả các loại sữa khác đều được”. Cùng lúc với việc giới thiệu Dutch Lady, “bác sĩ” Huy còn cầm một sản phẩm của hãng sữa này trên tay.
“Bác sĩ” Huy không phải “nhân viên y tế” duy nhất “dìm” sữa trái cây, rồi sau đó quảng cáo Dutch Lady.
Trên kênh TikTok hàng trăm ngàn like của “Dược sĩ” Phương Thảo, nữ TikToker này cho biết hiện nay, nhiều mẹ dùng sữa trái cây cho con vì ngon, dễ đổi vị nhưng nếu đặt lên bàn cân với sữa trắng thì có “sự so sánh lệch” vì thực tế sữa trái cây không thể thay thế sữa trắng.
Theo “dược sĩ” Phương Thảo, sữa trắng có đầy đủ các dưỡng chất cho sự phát triển thể chất và trí não của trẻ. Sữa trắng có lượng đạm, canxi cao gấp 5-7 lần sữa trái cây. Lời khuyên mà “dược sĩ” Phương Thảo đưa ra là cần bổ sung sữa trắng “ví dụ sữa Cô gái Hà Lan tiện lợi này”. Cùng lúc đó, trên màn hình nền của clip xuất hiện sản phẩm Dutch Lady.
Có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh?
Chị Thanh Vân, một người mẹ có 2 con và rất thường xuyên cho con sử dụng sữa, các sản phẩm liên quan đến sữa khác bức xúc khi xem clip này. Chị Thanh Vân phân tích: “Con tôi đã 13 tuổi, nghĩa là tôi có 13 năm tìm hiểu về sữa và các sản phẩm liên quan đến sữa. Tôi nhận thấy TikToker Lê Tiến Huy đã so sánh nhầm đối tượng. Khi so sánh, người ta phải so sánh sản phẩm cùng chủng loại, đằng này anh Lê Tiến Huy lại đánh trái khái niệm, so sánh sữa với thực phẩm dinh dưỡng, hai sản phẩm vốn có mục đích tiêu dùng hoàn toàn khác nhau”.
Theo chị Vân, sữa là các sản phẩm có nguồn dinh dưỡng cao như chất béo, protein, đường, vitamin, khoáng chất và nước, hỗ trợ tích cực cho quá trình phát triển của trẻ em. Còn thức uống dinh dưỡng trái cây thường được gia đình chị dùng để giải khát, bổ sung chất xơ, chứ không phải có mục tiêu phát triển cơ thể, trí não.
“Hai sản phẩm có hai mục đích tiêu dùng khác nhau thì không thể mang ra so sánh được”, chị Thanh Vân bức xúc.
Và theo chị Vân, những clip “chia sẻ kiến thức” kể trên các “bác sĩ” Lê Tiến Huy hay “dược sĩ” Phương Thảo còn khiến chị suy nghĩ hơn vì “dìm” một dòng sản phẩm để đề cao Dutch Lady.
Vi phạm Luật An toàn thực phẩm
Trước đó, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã lên tiếng cảnh báo tình trạng mạng xã hội xuất hiện một số clip có hình ảnh nhân vật tự xưng là nhân viên y tế tại các bệnh viện lớn, lương y, tư vấn bệnh, quảng cáo thực phẩm.
Trên trang web của Cục An toàn thực phẩm ngày 9/01/2020 có đăng nội dung ghi rõ: Hiện nay, trên một số trang website, trang mạng xã hội đang sử dụng hình ảnh, danh nghĩa của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo cho các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe gây hiểu lầm cho người sử dụng. Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm. Như vậy, việc làm trên là không phù hợp với quy định của pháp luật.
Thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 09/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động quảng cáo thực phẩm, đặc biệt thực phẩm bảo vệ sức khỏe, hạn chế tình trạng quảng cáo quá mức, quảng cáo chưa được thẩm định nội dung, cung cấp thông tin sai lệch về sản phẩm thực phẩm đến với người tiêu dùng và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp ngày 20/12/2019 của Ban chỉ đạo liên ngành TƯ về an toàn thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm trân trọng đề nghị các Bệnh viện, các cơ sở khám, chữa bệnh trong ngành Y tế thông báo đến toàn thể các nhân viên về tình trạng trên và rà soát, kiểm tra, xử lý kịp thời nếu có vi phạm quy định.
Như vậy, bất kỳ bác sỹ, lương y, nhân viên y tế nào tham gia quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe là vi phạm quy định của pháp luật hiện hành.
Sữa trái cây là cách gọi tắt của người tiêu dùng với dòng sản phẩm thức uống dinh dưỡng sữa trái cây. Ở thị trường Việt Nam, các Công ty sữa như Vinamilk, TH True Milk, Nutifood, Công ty Sữa Quốc tế, Hanoi Milk … đều có dòng sản phẩm được gọi tắt là Sữa trái cây này.
Và điều đáng nói ở đây là trong các hãng sữa lớn, chỉ có Dutch Lady Việt Nam là không có dòng sản phẩm là Sữa trái cây. Liệu đây có phải lý do để các bác sĩ, dược sĩ quảng cáo sữa tươi cho Dutch Lady chê sữa trái cây?
Và liệu có một chiến dịch truyền thông bẩn và hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong ngành sữa ở đây không? Mong rằng các cơ quan chức năng: Bộ Y tế, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia vào cuộc để làm rõ.