Loạt sao Hoa ngữ thoái vốn, hủy Phòng làm việc sau bê bối trốn thuế của Trịnh Sảng
Những diễn viên, nghệ sĩ hạng A của Trung Quốc lần lượt có những động thái được cho là nhằm tránh việc 'sờ gáy' của các cơ quan chức năng sau vụ của Trịnh Sảng. Nhiều người cho rằng, đây như một cuộc tháo chạy của giới giải trí.
Phòng làm việc riêng, công ty xuất hiện dày đặc
Hoa Nghị huynh đệ - tập đoàn giải trí tiếng tăm của Trung Quốc năm 2005 đã đánh dấu một cột mốc mới trong giới sau việc Vương Kinh Hoa “đường ai nấy đi” với đơn vị này. Theo đó, họ thành lập cho mỗi nghệ sĩ dưới quyền quản lý của mình một phòng làm việc riêng và rất nhanh chóng đã trở thành trào lưu của loạt nhân vật nổi tiếng sau đó.
Trong phòng làm việc cá nhân (studio) của mình, một nghệ sĩ sẽ đồng hành cùng đội ngũ nhân viên riêng biệt, bao gồm quản lý, phó quản lý, trợ lý và đội marketing. Nghệ sĩ càng có sức ảnh hưởng thì studio của họ càng có danh tiếng và phía công ty quản lý sẽ tận dụng nguồn lực của mình để lôi kéo tài nguyên.
Mô hình hoạt động này có nhiều lợi thế cho nghệ sĩ và công ty quản lý cũng có cơ sở để ràng buộc họ. Thế nhưng, việc một Phòng làm việc riêng nằm dưới trướng của công ty lớn cũng khiến cho bài toán cân bằng lợi ích song phương khó tìm được lời giải. Vì vậy, nhiều nghệ sĩ khi hết hạn hợp đồng với công ty quản lý đã tự đứng ra thành lập studio của mình.
Hoa Nghị huynh đệ là tập đoàn đã thành lập cho các nghệ sĩ dưới trướng những phòng làm việc riêng.
Đến năm 2010, những nghệ sĩ như Châu Tấn, Lý Băng Băng, Nhậm Tuyền, Huỳnh Hiểu Minh, Trần Khôn, Tô Hữu Bằng,... đều có phòng làm việc riêng với quy mô không quá lớn, chỉ khoảng 20 nhân viên. Rất nhanh sau đó, những Phòng làm việc này đã cho thấy khả năng thị trường hóa một cách bài bản.
Các studio của nghệ sĩ bên cạnh việc đảm nhận chức năng quản lý hoạt động nghệ thuật của nghệ sĩ, cũng trở thành nơi hỗ trợ cho họ đổ tiền vào các dự án điện ảnh, truyền hình, ký hợp đồng với các gương mặt mới và điều hành công việc kinh doanh ngoài lề. Nói cách khác, những ngôi sao đã biến phòng làm việc của mình trở thành công ty đầu tư nhỏ.
Có thể kể đến những ví dụ tiêu biểu như studio của Huỳnh Hiểu Minh từng góp vốn đầu tư vào các dự án phim ảnh như "Cẩm tú duyên hoa lệ mạo hiểm", "Chuyện phong hoa tuyết nguyệt"… Ngoài ra, nam diễn viên còn đầu tư kinh doanh chuỗi nhà hàng lẩu, nhà hàng đồ nướng, thậm chí là đại diện pháp lý của công ty công nghệ, đầu tư và thương mại.
Hai nghệ sĩ thân thiết trong showbiz Trung Quốc là Châu Tấn và Trần Khôn năm 2017 cũng cùng nhau sáng lập Công ty Quản lý Văn hóa Đông Thân Vị Lai. Các nghệ sĩ như Nghê Đại Hồng, Hải Nhất Thiên sau đó đã ký hợp đồng với đơn vị này. Năm 2020 Thư Kỳ đã gia nhập Đông Thân Vị Lai.
Trần Khôn - Châu Tấn cũng hợp tác thành lập công ty của hai người.
Dương Mịch cũng là cái tên nổi lên trong giới vì ngoài vai trò diễn viên, cô còn cùng hai quản lý đầu tư thành lập Công ty TNHH Văn hóa Điện ảnh và Truyền hình Gia Hành Thiên Hạ. Nhiều tên tuổi Hoa ngữ là “gà nhà” của cô như Địch Lệ Nhiệt Ba, Trương Bân Bân, Cao Vỹ Quang… và công ty cũng có những tác phẩm truyền hình ăn khách.
Ngoài ra, còn có Triệu Vy nắm giữ cổ phần trong Đường Đức Ảnh Thị hay Lưu Đào, Đặng Siêu, Tôn Lệ gián tiếp đầu tư vào Leshi Internet Information and Technology Corp - một trong những công ty video trực tuyến lớn nhất tại Trung Quốc. Những hình thức này giúp sao Hoa ngữ kiếm được bộn tiền bên cạnh hoạt động diễn xuất.
Theo nhà nghiên cứu nghệ thuật Hoàng Chuyên, năm 2016 ông chỉ ra rằng việc người nổi tiếng kiếm tiền dựa trên thị trường thứ cấp, thay vì diễn xuất đã trở thành hiện tượng trong ngành. Cũng trong thời gian này, nữ diễn viên Trịnh Sảng đã không gia hạn hợp đồng với EE Media và thông báo thành lập phòng làm việc cá nhân.
Hình thức trốn thuế hợp pháp của các ngôi sao
Nhật báo Nam Phương cho biết, bất kể so sánh thế nào thì việc lập ra các phòng làm việc riêng cũng là thủ đoạn tuyệt vời để né thuế. Đây cũng là quan điểm của Sohu, thậm chí trang này còn cho rằng những người nổi tiếng ở Trung Quốc đang dùng hình thức các studio cá nhân nhằm “trốn thuế hợp pháp”.
Luật thuế thu nhập cá nhân của Trung Quốc quy định, với mức thu nhập hàng năm vượt 960.000 nhân dân tệ thì sẽ đánh thuế 45%. Như vậy, mức cát-xê 160 triệu nhân dân tệ phải đóng 71,95 triệu nhân dân tệ tiền thuế, nhưng nếu thông qua phòng làm việc riêng nghệ sĩ có thể tiết kiệm ít nhất là 10% tức là 15,9 triệu nhân dân tệ.
Hơn nữa, nếu Phòng làm việc của các nghệ sĩ được đặt ở những khu vực thuộc danh sách được miễn thuế 5 năm của chính phủ như Khorgas (Tân Cương), Đông Dương (Chiết Giang) hay Vô Tích (Giang Tô) thì số tiền thì tiết kiệm được sẽ còn lớn hơn. Đó là lý do mà nhiều nhà sản xuất đổ xô về các thành phố nhỏ.
Vụ việc trốn thuế với mức thu nhập khủng của Trịnh Sảng khiến công chúng choáng váng và giới giải trí lao đao.
Sina cho biết số lượng những Phòng làm việc cá nhân của nghệ sĩ trong ba năm qua đã tăng lên đáng kể lên đến gần 533 studio riêng và 1.887 công ty đứng tên cá nhân. Từ đây, tiếng nói của nghệ sĩ càng lớn mạnh khiến họ hét những mức giá “trên trời” đối với các nhà sản xuất nhưng thực lực lại chưa chắc tương xứng.
Trịnh Sảng là trường hợp mới nhất khi cô nhận đến hơn 24 triệu USD cho một vai diễn trong "Thiến nữ u hồn", một số tiền khủng nếu so với thu nhập bình quân ở Trung Quốc hiện tại. Tờ Nhân dân Nhật báo làm phép phân tích để chỉ ra rằng với mức lương cơ bản là 1.500 USD/tháng, người lao động nước này phải làm việc 1.600 năm để kiếm được số tiền trên.
Mặc dù trước đó vào năm 2018, Cục Điện ảnh Trung Quốc chính thức ban hành chính sách "bình ổn thù lao" và còn có sự tham gia của ba nền tảng xem trực tuyến lớn nhất của Trung Quốc là iQIYI, Youku, Tencent cùng 6 công ty điện ảnh, truyền hình tiếng tăm để đẩy lùi nạn "hét cát-xê".
Theo đó, thù lao của các diễn viên không được vượt quá 40% tổng chi phí sản xuất, trong đó thù lao diễn viên chính không được vượt quá 70% tổng thù lao. Cũng năm 2018, Phạm Băng Băng là cái tên bị giới chức Trung Quốc điều tra khi sử dụng "hợp đồng âm dương", lợi dụng Phòng làm việc cá nhân để trốn thuế. Cô đã bị phạt đến 130 triệu USD.
Cuộc đổ xô tháo chạy của nhiều sao Hoa ngữ
Bê bối trốn thuế của “nữ hoàng thảm đỏ” Phạm Băng Băng đã khiến nhiều nghệ sĩ Hoa ngữ trước đó nằm trong danh sách nghi vấn của Tổng cục Thuế phải xin nộp thuế bù để tránh các án phạt nặng hơn. Do đó, năm 2018 cơ quan thuế của Trung Quốc đã thu được khoản thuế lên đến 1,8 tỷ USD từ những người nổi tiếng.
Cũng trong năm ấy, nhiều sao Hoa ngữ là đại diện pháp lý của các phòng làm việc riêng đã có mặt trong danh sách "Doanh nghiệp nộp thuế vượt mức 10 triệu NDT" như Trương Nghệ Hưng, Dương Mịch, Cảnh Điềm, Hoa Thần Vũ. Cùng với đó là sự giải thể của loạt công ty điện ảnh và truyền hình tại Khorgas.
Đặng Siêu, Ngụy Đại Huân và nhiều nghệ sĩ Hoa ngữ hủy bỏ văn phòng đại diện cá nhân liên kết với công ty chủ quản mà không rõ lý do cụ thể.
Dù như vậy, mô hình các phòng làm việc riêng vẫn là mảnh đất khó từ bỏ. Theo dữ liệu tra cứu trên Tianyancha, năm 2019, 2535 Phòng làm việc cá nhân và công ty đứng tên nghệ sĩ nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2018. Năm 2020 con số này là 1138, tuy giảm nhưng vẫn rất lớn.
Sự việc của nữ diễn viên Trịnh Sảng một lần nữa tiếp tục khiến các cơ quan ở Trung Quốc một lần nữa để mắt đến “thủ đoạn” của giới nghệ sĩ. Ban tuyên giáo Trung ương nước này vừa phát hành chỉ thị chấn chỉnh các hành vi tiêu cực đang tồn tại trong ngành giải trí, đặc biệt là vấn đề hét giá cát-xê, lợi dụng hợp đồng âm dương để trốn thuế.
Tờ Tân Hoa xã đặt ra nghi vấn rằng, có bao nhiêu ngôi sao trong thời điểm này sẽ ăn không ngon, ngủ không yên vì những động thái của cơ quan chức năng. Sau đó, hơn 75 nghệ sĩ nổi tiếng như Ngụy Đại Huân, Đặng Siêu, Na Anh, Ngô Tuyên Nghi, Tỉnh Bách Nhiên… bất ngờ xin thoái vốn, rút giấy phép kinh doanh và xóa sổ các phòng làm việc cá nhân.
Nhiều nghệ sĩ lo ngại bị điều tra nên đã lần lượt thoái vốn, rút cổ phần khỏi các công ty.
Gần đây nhất, Ngụy Đại Huân đã giải thể hai studio phim ảnh được thành lập vào năm 2016 và 2018. Nam diễn viên cũng xin rút vốn khỏi một số dự án bất động sản. Trong khi đó, Na Anh quyết định rút 51% cổ phần khỏi công ty quản lý. Hai nghệ sĩ có văn phòng liên kết bị đóng cửa nhiều nhất là Huỳnh Hiểu Minh 47 công ty, tiếp theo là Chương Tử Di 29 công ty.
Theo Tân Hoa xã, các nghệ sĩ nếu bị phát hiện phạm pháp lần này có thể sẽ không được khoan nhượng vì trước đó họ đã có bài học từ Phạm Băng Băng. Vậy nên luật sư Từ Hiểu Đan, làm việc tại Công ty Luật sư Tiantai, Bắc Kinh cho dù nhiều sao Hoa ngữ thoái vốn hay giải thể phòng làm việc thì vẫn có thể điều tra và trừng phạt hành vi phạm pháp tại thời điểm phạm pháp.