Loạt tập đoàn lớn Hàn Quốc muốn mở rộng đầu tư vào Việt Nam, doanh nghiệp nào sẽ hưởng lợi trực tiếp?

Trong khuôn khổ chuyến thăm Hàn Quốc chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính, loạt tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc như LG, Huyndai, Posco, Daewoo E&C,… đã đề xuất các kế hoạch mở rộng đầu tư vào Việt Nam với các dự án quy mô lớn.

Loạt tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc đã cam kết mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam với loạt dự án lớn được đề xuất.

Loạt tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc đã cam kết mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam với loạt dự án lớn được đề xuất.

Sau buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính sáng nay ngày 3/7 tại Seoul, Hàn Quốc, ông Jeong Cheol-dong, Giám đốc điều hành LG Display cho biết Tập đoàn LG đang trong quá trình mở rộng đầu tư để tăng gấp đôi công suất Nhà máy LG Innotek ở Hải Phòng, hình thành tổ hợp sản xuất khép kín tại Việt Nam.

Nhà sản xuất linh kiện điện tử LG Innotek, một thành viên của Tập đoàn LG, là nhà sản xuất chính các module máy ảnh trên điện thoại thông minh. Nhà máy ở Hải Phòng hoạt động từ năm 2020, mỗi năm sản xuất khoảng 390 triệu module máy ảnh.

Theo ông Jeong Cheol-dong, Việt Nam là địa điểm sản xuất trọng điểm toàn cầu của Tập đoàn LG, với vốn giải ngân trên 5 tỷ USD. Năm ngoái, tập đoàn này đã rót thêm 1 tỷ USD để mở rộng hoạt động sản xuất linh kiện điện tử, module máy ảnh điện thoại thông minh… của Nhà máy LG Innotek ở Hải Phòng. Sau kho hoàn thành việc mở rộng, năng lực sản xuất của nhà máy này sẽ tăng gấp đôi.

Tại Việt Nam, tổng vốn đầu tư đăng ký đầu tư của Tập đoàn LG là trên 8 tỷ USD, doanh thu năm 2023 gần 14 tỷ USD. Hãng có 3 nhà máy lớn ở Hải Phòng, đồng thời vận hành Trung tâm R&D tại Hà Nội, Đà Nẵng với hơn 1.000 nhân lực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hoan nghênh và đánh giá cao hiệu quả đầu tư, kinh doanh của Tập đoàn LG tại Việt Nam; đồng thời, đề nghị tập đoàn này tăng tỷ lệ nội địa hóa, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng, sản xuất của họ.

"Đề nghị LG xây dựng thêm các trung tâm nghiên cứu và phát triển, coi Việt Nam là cứ điểm quan trọng trong chiến lược toàn cầu về sản xuất", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Lãnh đạo Chính phủ cho biết các cơ quan đang xây dựng Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư nhằm đảm bảo ổn định, cạnh tranh và hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam. Việt Nam sẽ tạo điều kiện tối đa cung ứng đủ điện, nhân lực chất lượng và hạ tầng thông suốt cho dự án của Tập đoàn LG.

Cũng trong khuôn khổ chương trình thăm chính thức Hàn Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính, loạt tập đoàn lớn hàng đầu Hàn Quốc, gồm Huyndai, Posco, Daewoo E&C, GS Engineering & Construction Corp,… đã đề xuất các kế hoạch mở rộng đầu tư vào Việt Nam với các dự án quy mô lớn.

Một số nhà đầu tư Hàn Quốc lớn tại Khu công nghiệp Tràng Duệ 1&2. (Nguồn: VNDirect Research tổng hợp)

Một số nhà đầu tư Hàn Quốc lớn tại Khu công nghiệp Tràng Duệ 1&2. (Nguồn: VNDirect Research tổng hợp)

Theo đánh giá sơ bộ của nhiều tổ chức tài chính, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã cổ phiếu KBC - sàn HoSE) sẽ là đơn vị trực tiếp hưởng lợi từ việc Tập đoàn LG mở rộng đầu tư nói riêng, làn sóng đầu tư mới của các doanh nghiệp Hàn Quốc nói chung.

Đô thị Kinh Bắc đang triển khai Khu công nghiệp Tràng Duệ 3 có quy mô tới 687 ha, gần gấp đôi tổng diện tích của Khu công nghiệp Tràng Duệ 1 và 2. Mặc dù dự án này đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng Đô thị Kinh Bắc cho biết, đã có một số khách hàng đang chờ để thuê ngay khi nhận được phê duyệt cuối cùng vì khu công nghiệp này có vị trí địa lý thuận lợi và nằm trong Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, nơi có nhiều chính sách ưu đãi thuế hơn (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng ưu đãi) so với các khu vực có khu công nghiệp khác.

Đáng chú ý, Đô thị Kinh Bắc đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) cho thuê hơn 100 ha đất tại Khu công nghiệp Tràng Duệ 3; trong đó, một khách hàng Hàn Quốc lớn dự kiến thuê 80 ha với giá thuê 130 - 140 USD/m2, theo MBS Research.

Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính, Khu công nghiệp Tràng Duệ 3 sẽ sớm nhận được quyết định phê duyệt trong bối cảnh TP.Hải Phòng có nhu cầu “bức thiết” về đất công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu KBC của Đô thị Kinh Bắc trong vòng 12 tháng qua. (Nguồn: TradingView)

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu KBC của Đô thị Kinh Bắc trong vòng 12 tháng qua. (Nguồn: TradingView)

Trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc đến Việt Nam hồi tháng 6/2023, Đô thị Kinh Bắc đã ký 04 biên bản ghi nhớ với Tập đoàn STS, Tập đoàn tài chính JB, Đại học Quốc gia Gyeongsang, Bệnh viện Đại học Quốc gia Gyeongsang của Hàn Quốc về hợp tác đầu tư và thực thiện các dự án ở Khu công nghiệp Tràng Duệ 3 và Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải với tổng vốn đầu tư cam kết khoảng 1 tỷ USD.

Bên cạnh đó, sự thành công trong việc tạo môi trường sản xuất kinh doanh hoàn thiện cho các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Tràng Duệ 1&2 sẽ là yếu tố tích cực giúp Đô thị Kinh Bắc thu hút nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đang có ý định đầu tư mới hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh tại khu vực miền Bắc.

Với quỹ đất hơn 6.600 ha trải dài từ Bắc vào Nam, tương đương 5,09% quỹ đất khu công nghiệp cả nước, Đô thị Kinh Bắc là một trong những doanh nghiệp phát triển bất động sản khu công nghiệp hàng đầu tại Việt Nam. Hơn 90% khách hàng tại các khu công nghiệp của Đô thị Kinh Bắc là các tập đoàn đa quốc gia lớn như Canon, LG, Foxconn…

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/loat-tap-doan-lon-han-quoc-muon-mo-rong-dau-tu-vao-viet-nam--doanh-nghiep-nao-se-huong-loi-truc-tiep-123183.htm