Loạt thách thức chờ đón ông Biden sau tháng đầu 'trăng mật'
Tháng đầu tiên lên nắm quyền tại Nhà Trắng được coi là thời gian 'trăng mật' đối với ông Joe Biden. Tân Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ phải đối mặt vô số thách thức lớn hơn phía trước.
Một tháng kể từ khi tuyên thệ nhậm ngày 20/1, Tổng thống Biden đang trên đà đảm bảo một gói giải cứu nền kinh tế còn lớn hơn trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009. Ông cũng đã xóa sổ các chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump từ biến đổi khí hậu đến cấm đi lại, trong khi tỷ lệ phân phối vắc-xin ngừa Covid-19 hàng ngày của Mỹ tăng 55%.
Theo Reuters, một tháng vừa qua có phần dễ dàng. Nhiều chính khách Dân chủ và Cộng hòa nhận định, chiến lược của Nhà Trắng, bao gồm tránh các cuộc đấu đá chính trị bất phân thắng bại, tập trung vào các chính sách thu hút đông đảo cử tri và hầu như phớt lờ các cuộc công kích của phe Cộng hòa, sẽ ngày càng khó khăn trong những tháng tới, ngay cả khi thêm hàng triệu người dân được chủng ngừa và nền kinh tế phục hồi.
Jim Manley, người từng là trợ lý hàng đầu cho cựu lãnh đạo phe đa số Dân chủ tại Thượng viện Harry Reid nói, chính quyền Biden đã vấp phải một số vấn đề ngay trong các chính sách đang theo đuổi. Ông Biden đã sử dụng quyền lãnh đạo chính phủ để thực hiện nhiều thay đổi, nhưng các thách thức phía trước bao gồm cả việc thúc đẩy các luật đang gây chia rẽ trong nội bộ Dân chủ, ví dụ như giảm nợ cho sinh viên, tăng thuế và kiềm chế ngành năng lượng.
Tiếp đó là những cuộc đấu tranh chính sách dai dẳng, đã định hình nền chính trị Mỹ suốt một thế hệ, bao gồm ai có thể trở thành công dân Mỹ, việc bỏ phiếu dễ dàng đến mức nào, liệu chính phủ có nên trả tiền cho chăm sóc sức khỏe người dân và ai được phép mang theo súng. Trong khi, Nhà Trắng vẫn đang phải cân nhắc nhiều vấn đề phức tạp khác, từ áp thuế thương mại đến chính sách Trung Quốc hay giám sát công nghệ.
Chia rẽ trong nội bộ đảng Dân chủ
Đảng của ông Biden đang nỗ lực để thông qua gói kích thích kinh tế bất chấp việc có được sự ủng hộ của phe Cộng hòa hay không trước hạn chót then chốt vào giữa tháng 3, khi chính sách bảo hiểm thất nghiệp mở rộng hết hạn.
Dự luật chỉ cần đa số phiếu tán thành nhưng điều đó đòi hỏi mọi thành viên Dân chủ phải đứng về phía Nhà Trắng. Song, ngày càng có nhiều nghi ngờ rằng dự luật sẽ bao gồm cả điều khoản nâng mức lương tối thiểu liên bang lên 15USD, điều khiến các chính khách Dân chủ theo quan điểm tự do thất vọng.
Những rạn nứt đó có thể thấy rõ khi một số nhà lập pháp Dân chủ, bao gồm cả Hạ nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez đến từ New York và Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren thuộc bang Massachusetts chỉ trích Tổng thống Biden sau khi ông tuyên bố với đài CNN ngày 16/2 rằng, ông không đồng ý với các thành viên trong đảng muốn xóa khoản nợ 50.000USD cho sinh viên.
Một dự luật nhập cư toàn diện do Nhà Trắng hậu thuẫn, được công bố ngày 18/2 dự kiến sẽ khó qua được cửa ải Thượng viện. Dick Durbin, chính khách giữ vị trí thứ 2 trong đảng Dân chủ nằm trong số những người đề xuất một nỗ lực ít tham vọng hơn, tập trung vào những người nhập cư đến Mỹ khi còn nhỏ.
Trong khi đó, các chính khách Cộng hòa đang cải tổ sau nhiệm kỳ của ông Trump, theo Paul Shumaker, một chiến lược gia Cộng hòa đứng sau chiến dịch tái tái tranh cử đầy cam go của Thượng nghị sĩ Thom Tillis ở Bắc Carolina. Ông Shumaker lưu ý, Tổng thống Biden có thể đoàn kết họ bằng cách thuyết phục về thuế và chi tiêu, trong khi hành động quá ít về những vấn đề này sẽ khiến một phần nhóm ủng hộ ông trong đảng Dân chủ thất vọng.
Thách thức trong việc giành ủng hộ của phe Cộng hòa
Các trợ lý của Nhà Trắng cho biết, chương trình nghị sự chính sách họ dự định thúc đẩy trong những tháng tới đã thu hút sự quan tâm của cử tri thuộc cả hai đảng. Họ tin, các nghị sĩ Cộng hòa trong quốc hội cuối cùng có thể phải ủng hộ chương trình nghị sự đó vì cử tri của mình.
Kết quả thăm dò dư luận ban đầu về sự tín nhiệm của cử tri với ông Biden hé lộ đó sẽ là thách thức. Theo khảo sát tiến hành hồi giữa tháng 2 của Reuters/Ipsos, khoảng 56% người Mỹ hài lòng với màn thể hiện của tân tổng thống, nhưng tỉ lệ này ở các cử tri Cộng hòa chỉ là 20%.
Niềm hy vọng của Nhà Trắng về sự ủng hộ lưỡng đảng nằm ở một kế hoạch cơ sở hạ tầng, vẫn đang trong giai đoạn thai nghén và dự kiến sẽ vượt quá quy mô, phạm vi và chi phí của dự luật kích thích kinh tế trị giá gần 1.900 tỷ USD.
Kế hoạch này gần như chắc chắn sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách cũng như đòi hỏi việc tăng thuế, những biện pháp dự kiến sẽ làm dấy lên sự phản đối. Theo một số nguồn thạo tin, kế hoạch nhiều khả năng cũng gắn với các biện pháp nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và đề xuất của ông Biden về các khoản trợ cấp cho đại học.
Quá trình chắp nối các mảnh ghép chính sách trên sẽ rất cam go nếu Tổng thống Biden không có trong tay đủ đội ngũ trợ lý cấp cao như mong muốn, kể cả Neera Tanden, người ông đề cử làm giám đốc ngân sách. Việc phê chuẩn bổ nhiệm Tanden đang vấp phải sự phản đối của Thượng nghị sĩ Dân chủ Joe Manchin, quan chức cũng không tán thành việc đưa mức lương tối thiểu vào dự luật giải cứu kinh tế.
Tuy nhiên, kỳ vọng của phe cánh tả đối với Tổng thống Biden vẫn cao khi chính quyền của ông tỏ ra "táo bạo và mạnh mẽ" lúc khởi đầu.