Loạt tín hiệu xích lại quan trọng từ Nhật Bản và Hàn Quốc
Theo Nikkei Asia, bộ trưởng tài chính hai nước đang nối lại đối thoại về vấn đề tài chính khi quan hệ song phương tan băng.
Nhật Bản và Hàn Quốc đặt mục tiêu nối lại thỏa thuận hoán đổi tiền tệ sau 8 năm gián đoạn để tăng cường hợp tác kinh tế. Động thái này diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương tan băng.
Nhật Bản cũng đã quyết định tái đưa Hàn Quốc vào danh sách các đối tác thương mại ưu tiên. Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Yasutoshi Nishimura ngày 27/6 cho biết quyết định sẽ có hiệu lực vào ngày 21 tháng 7 và động thái này hứa hẹn sẽ giúp các thủ tục xuất khẩu sang Hàn Quốc được suôn sẻ hơn.
"Chúng tôi cũng đã nhất trí về một khuôn khổ tiếp theo để tiếp tục đối thoại về chính sách và các hành động thích hợp", ông Nishimura nói.
Liên tiếp các thông điệp hợp tác
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cũng đang có lịch trình gặp người đồng cấp Hàn Quốc Choo Kyung-ho hôm thứ Năm tuần này tại Tokyo. Hai bên đang hướng đến hoàn tất một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ mới trong "cuộc đối thoại tài chính" đầu tiên diễn ra giữa hai nước láng giềng châu Á kể từ năm 2016.
Từ tháng 5, ông Suzuki và ông Cho đã đồng ý nối lại các cuộc đối thoại tài chính, trước đó đã bị đình trệ do quan hệ giữa Tokyo và Seoul lạnh nhạt vì các vấn đề thời chiến.
Ông Suzuki thông tin với các phóng viên hôm thứ Ba rằng cuộc đối thoại sẽ bao gồm nội dung về hợp tác thông qua Nhóm G7 và Nhóm G20, đầu tư cơ sở hạ tầng và hợp tác tài chính.
"Chúng tôi sẽ tham gia trao đổi ý kiến rộng rãi về nhiều chủ đề khác nhau," ông Suzuki nói. Các quan chức cấp cao giám sát ngân sách, thuế và các chương trình nghị sự chính sách khác trong nước cũng sẽ tham dự cuộc đối thoại.
Seoul và Tokyo lần đầu tiên ký kết một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ vào năm 2001 sau cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á vào cuối những năm 1990. Hiệp định này đã hết hạn vào năm 2015 khi quan hệ trở nên xấu đi.
Các quan chức Nhật Bản và Hàn Quốc đang thảo luận chi tiết để nối lại thỏa thuận. Theo thỏa thuận hoán đổi tiền tệ ban đầu, hai bên có thể cho vay ngoại tệ trong trường hợp khẩn cấp. Nhưng một số chuyên gia cho rằng nhu cầu này hiện tại không còn cần thiết.
Dự trữ ngoại tệ của Hàn Quốc đạt tổng cộng 421 tỷ USD vào cuối tháng 5, cao hơn 10 lần so với thời kỳ khủng hoảng tiền tệ châu Á. Ngay cả trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, thỏa thuận hoán đổi tiền tệ cũng chưa được kích hoạt.
Mặc dù vậy, việc Nhật Bản và Hàn Quốc sẵn sàng nối lại thỏa thuận này là một động thái mang tính biểu tượng nhằm làm nổi bật mối quan hệ đang được cải thiện của họ trên các mặt trận kinh tế và tài chính.
Mục tiêu lớn hơn trong liên minh 3 bên
Rhee Chang-yong, thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, cho biết chính phủ quyết định nối lại thỏa thuận hoán đổi tiền tệ không nhất thiết vì tỷ giá hối đoái ổn định, mà vì mục đích rộng lớn hơn là thúc đẩy trao đổi kinh tế giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã nỗ lực cải thiện quan hệ với Nhật Bản kể từ khi nhậm chức vào năm ngoái.
Sau khi Hàn Quốc công bố kế hoạch giải quyết vấn đề lao động thời chiến, ông Yoon đã đến thăm Tokyo vào tháng 3 để dự hội nghị thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí với tiến trình ngoại giao con thoi và ông Kishida đã đến thăm Seoul vào tháng Năm.
Cả hai nhà lãnh đạo đều đồng thuận rằng các hoạt động cải thiện quan hệ đang đi đúng hướng. Tiến bộ trên mặt trận an ninh cũng đang được thực hiện rất tốt.
Những động thái trên cũng diễn ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc đang chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh ba bên với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Tờ Yomiuri cho biết cuộc họp đó có thể được tổ chức vào cuối tháng 8.
Dù vậy, vẫn còn phải xem liệu mối quan hệ được cải thiện có dẫn đến sự di chuyển lớn hơn của hàng hóa và nhân lực giữa hai nước hay không.
Theo báo cáo của Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản, trong 5 tháng đầu năm, 2,58 triệu người từ Hàn Quốc đã đến thăm Nhật Bản, bằng 80% so với cùng kỳ năm 2019 - trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
Thặng dư thương mại của Nhật Bản với Hàn Quốc đã phục hồi lên khoảng 2,7 nghìn tỷ Yên (18,8 tỷ USD) vào năm ngoái sau khi giảm xuống dưới 2 nghìn tỷ Yên vào năm 2019 và 2020. Năm 2019, Tokyo đã thắt chặt các hạn chế thương mại với Seoul do tranh chấp liên quan đến lao động thời chiến và người tiêu dùng Hàn Quốc thì giảm sử dụng các sản phẩm của Nhật Bản.