Loạt tỉnh thành cấm biển để phòng chống siêu bão số 3
Để phòng, chống siêu bão số 3, nhiều tỉnh thành đã thực hiện nghiêm lệnh cấm biển từ ngày 6.9.
Quảng Ninh cấm biển từ 11 giờ ngày 6.9
Thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, để phòng, chống siêu bão số 3, địa phương này đã chỉ đạo cấm biển từ 11 giờ ngày mai 6.9; đồng thời sẽ hoàn thành việc kêu gọi hơn 5.000 tàu thuyền về nơi tránh trú.
Địa phương này huy động khoảng 3.000 người thuộc các lực lượng công an, quân đội, biên phòng, đoàn viên thanh niên… tham gia ứng phó siêu bão số 3. Toàn bộ chủ phương tiện và ngư dân hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã nhận được thông tin về siêu bão số 3; trên 4.000 phương tiện với gần 6.000 người đã về bờ để tránh trú bão.
UBND tỉnh yêu cầu đình hoãn các cuộc họp không thật cấp bách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó với bão, lũ dẫn đến thiệt hại về người và thiệt hại lớn về tài sản.
Theo dõi chặt chẽ và thông tin về diễn biến của bão, tuyên truyền về ảnh hưởng của bão để nhân dân biết, phối hợp với chính quyền thực hiện các biện pháp chủ động phòng tránh; thông báo cho các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn.
Thái Bình cấm biển từ 5 giờ ngày 6.9
Để chủ động ứng phó với bão số 3, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành thực hiện nghiêm các công điện đã ban hành trước đó; đồng thời nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi, dừng các hoạt động khai thác, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và các hoạt động khác ở khu vực cửa sông, ven biển, ngoài khơi từ 5 giờ sáng ngày 6.9.
Bằng mọi biện pháp kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn các tàu, thuyền vào nơi tránh, trú an toàn, sắp xếp không để xảy ra va chạm và chìm tàu tại nơi neo đậu. Di dời các hộ dân sinh sống trong nhà yếu, khu vực nguy hiểm, lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy sản, hải sản các vùng bãi thấp ven sông, ven biển vào nơi an toàn; đóng các cửa khẩu, băng két qua đê biển, đê cửa sông. Các công việc này phải hoàn thành trước 18 giờ chiều ngày 6.9.
Thanh Hóa dự kiến cấm biển từ 12 giờ ngày 6.9
Trong cuộc họp trực tuyến triển khai công tác ứng phó với siêu bão Yagi chiều 5.9, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang yêu cầu, các sở, ngành, địa phương dừng hoạt động hội họp không cần thiết tập trung cho công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó với tác động của bão.
Các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh chủ động bám sát cơ sở, địa phương, đơn vị được phân công để triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai có thể xảy ra.
Tỉnh Thanh Hóa dự kiến sẽ ban hành lệnh cấm biển từ 12 giờ ngày 6.9 để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện.
Nghệ An cấm biển từ 5 giờ ngày 6.9
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Chủ tịch UBND - Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, các thị xã: Cửa Lò, Hoàng Mai; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan khẩn trương thực hiện cấm các loại tàu thuyền và phương tiện vận tải ra khơi kể từ 5 giờ ngày 6.9. Các tàu thuyền đang hoạt động trên biển phải về bờ neo đậu để bảo đảm an toàn trước 16 giờ ngày 6.9.
Các địa phương ven biển và các đơn vị liên quan sử dụng mọi phương tiện, bằng mọi biện pháp thông báo cho tàu thuyền trên biển biết diễn biến của bão, hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại nơi tránh trú (bao gồm cả tàu du lịch, tàu vận tải); tổ chức di dời, neo đậu lồng bè nuôi trồng thủy sản, nhà nổi đảm bảo an toàn; thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh).
Nam Định cấm biển từ 6 giờ ngày 6.9
Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo cấm các phương tiện ra khơi; cấm các hoạt động vui chơi trên biển, tắm biển từ 6 giờ ngày 6.9 đến khi có tin bão cuối cùng; đồng thời kiểm đếm, kêu gọi chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển, chủ các cơ sở nuôi trồng thủy sản, nhân dân vùng cửa sông, ven biển, chòi canh vào nơi tránh trú an toàn, hoàn thành xong trước 11 giờ ngày 6.9.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, sở, ngành, các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bão với tinh thần chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng của người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của người dân và Nhà nước.