Loạt vụ dùng tem đăng kiểm giả, 'phù phép' cho xe cũ nát?
Lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện các phương tiện sử dụng tem đăng kiểm giả, trong đó có cả xe khách. Theo chuyên gia, việc này có lý do nhằm 'phù phép' cho xe cũ nát không thể qua đăng kiểm.
Theo thống kê của Cục CSGT (Bộ Công an), từ cuối năm 2022 đến nay, lực lượng CSGT trên cả nước đã phát hiện gần 40 trường hợp ô tô sử dụng tem kiểm định, sổ đăng kiểm giả… lưu thông trên các tuyến đường. Đến nay, cơ quan này đã chuyển cơ quan điều tra 20 trường hợp, xử lý hành chính 9 trường hợp và 4 vụ việc đã khởi tố.
Trong số này, không ít trường hợp vi phạm là xe chở khách, quá hạn đăng kiểm rất lâu nhưng vẫn ngang nhiên lưu thông trên đường.
Đơn cử, như trường hợp ô tô khách biển số 20B-031.1x được cơ quan chức năng phát hiện sử dụng tem kiểm định giả đang lưu thông trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.
Sự việc diễn ra tối 19/3, Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 4 (Bộ Công an) trong quá trình làm nhiệm vụ phát hiện xe sử dụng giấy chứng nhận kiểm định đã hết hạn từ tháng 9/2020.
Tiếp tục đối chiếu tem kiểm định và tem nộp phí bảo trì đường bộ, lực lượng chức năng phát hiện giấy đăng ký phương tiện hết hạn từ tháng 8/2019.
Lái xe Ngô Kim C. cho biết, phương tiện của mình bị hết hạn kiểm định từ lâu, nhưng do thời điểm hết hạn lúc dịch bệnh Covid-19 và bản thân gặp khó khăn về kinh tế nên đã tìm cách lên mạng xã hội để mua tem kiểm định giả với giá 1,5 triệu đồng nhằm tránh việc bị lực lượng chức năng xử lý…
Gần đây nhất, ngày 25/3, Cơ quan CSĐT huyện Hải Hà (Quảng Ninh) cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Phạm Văn Quảng (41 tuổi, quê Quảng Ninh) về tội “Làm giả và sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức”.
Ông Quảng được xác định là chủ ô tô khách biển số 88B đưa đón công nhân tại Khu công nghiệp Texhong Hải Hà. Qua quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện ông Quảng sử dụng giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường có hạn 16/5/2022.
Quá trình giám định và xác minh, cơ quan điều tra làm rõ 2 loại giấy tờ chứng nhận nêu trên đều bị làm giả, không có dữ liệu trong hệ thống đăng kiểm. Từ lời khai của tài xế và củng cố hồ sơ, công an xác định ông Phạm Văn Quảng có hành vi làm giả và sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức.
Vi phạm pháp luật nghiêm trọng
Trước tình trạng liên tiếp phát hiện ô tô dùng tem đăng kiểm giả lưu thông trên đường, Cục CSGT mới đây đã phát đi cảnh báo khẩn. Đại diện Cục CSGT cho biết việc dùng tem đăng kiểm giả là hành vi rất nghiêm trọng.
Theo đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT (Bộ Công an), trường hợp phương tiện gặp tai nạn giao thông trên đường mà nguyên nhân liên quan tới yếu tố kỹ thuật thì chủ xe cũng bị ảnh hưởng trách nhiệm liên đới. Đặc biệt, với các tài xế xe khách cố tình sử dụng đăng kiểm giả là hành vi coi thường tính mạng của hành khách.
Đồng tình với quan điểm này, trao đổi với VietNamNet, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng có 2 nguyên nhân khiến chủ phương tiện sử dụng tem giả.
Thứ nhất, do thời gian vừa qua xảy ra tình trạng quá tải gây ùn ứ tại các trung tâm đăng kiểm. Chủ phương tiện gặp khó khăn khi đưa xe đi kiểm định.
Nguyên nhân thứ hai, thường gặp ở những xe quá cũ nát, không thể đủ điều kiện khi đi kiểm định. Với những xe này có thể đã xuất hiện tình trạng sử dụng tem giả lẻ tẻ từ trước.
“Dịp này gặp nhiều hơn là do tình trạng đăng kiểm quá tải. Có cung ắt có cầu, là cơ hội để những đối tượng sản xuất, buôn bán tem giả trục lợi. Theo tôi đây là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm”, ông Thanh nhấn mạnh.
Theo ông Thanh, những vi phạm này có liên quan trực tiếp đến chất lượng xe. Xe không được đăng kiểm hoặc xe chất lượng kém không đủ điều kiện kiểm định nhưng vẫn cố tình lưu thông trên đường tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nguy cơ gây tai nạn giao thông hiện hữu từ những xe không đảm bảo.
“Đặc biệt với những xe cũ nát, không thể qua đăng kiểm nhưng vẫn sử dụng tem giả nhằm qua mặt lực lượng cảnh sát giao thông lưu thông trên đường rất nguy hiểm. Điều này cực kỳ nguy hiểm khi đó là những xe khách, có thể xảy ra những vụ tai nạn rất nghiêm trọng”, ông Thanh phân tích.
Trước thực trạng này, ông Thanh kiến nghị, ngay khi phát hiện những sai phạm này, lực lượng cảnh sát giao thông phải giam xe, chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền khẩn trương khởi tố vụ án hình sự với cả 3 đối tượng: Người sản xuất, người bán và người sử dụng chứ không thể xử phạt vi phạm hành chính.
"Trong đó lưu ý đặc biệt đến nhóm sử dụng (tài xế, doanh nghiệp) vì anh biết xe chất lượng kém, quá kỳ đăng kiểm mà vẫn cố tình mua tem giả để lưu thông thì cần phải xử nặng hơn”, ông Thanh đề xuất.
Có thể bị phạt tù từ 2 đến 7 năm
Điều 202, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội làm, buôn bán tem vé giả.
Cụ thể, người nào làm, buôn bán các loại tem giả, vé giả thuộc một trong các trường hợp:
Tem giả, vé giả không có mệnh giá có số lượng từ 15.000 đến dưới 30.000 đơn vị;
Tem giả, vé giả mệnh giá có tổng trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;
Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
Thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng…
Thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trong trường hợp đối tượng phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
Có tổ chức;
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
Tem giả, vé giả không có mệnh giá có số lượng 30.000 đơn vị trở lên;
Tem giả, vé giả có mệnh giá có tổng trị giá 200 triệu đồng trở lên;
Thu lợi bất chính 100 triệu đồng đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm…
Thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.