Loay hoay bài toán 'nguồn cung' thịt lợn (?!)
Mới đây nhất, người đứng đầu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã phải thừa nhận có ba nguyên nhân của việc thịt lợn trên thị trường giá vẫn neo cao mà chưa có cách nào kéo xuống được. Lý do đầu tiên là nguồn cung thịt lợn trong nước hiện vẫn còn chưa đủ phục vụ nhu cầu người dân...
Thiếu nguồn cung, muốn giảm giá thịt lợn cũng khó Khâu trung gian không phải là nguyên nhân khiến giá thịt lợn tăng cao Bộ Công Thương: Sớm vào cuộc để bình ổn giá thịt lợn Giá thịt lợn tăng trở lại do thiếu nguồn cung
Mặc dù Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu phải “kéo” bằng được giá thịt lợn xuống dưới ngưỡng 70.000 đồng/kg, thế nhưng kể cả trong bối cảnh thực hiện chính sách giãn cách xã hội, người tiêu dùng vẫn phải bấm bụng mua thịt lợn với giá cao ngất ngưởng, có lúc lên đến 200.000 đồng/kg.
Có một câu chuyện vui thị trường mang hơi hướng thời bao cấp, rằng, một bà nội trợ đôi co với người bán thịt lợn: Tivi đã bảo rằng giá thịt lợn xuống rồi sao mà vẫn bán giá cao thế? Tức vì sáng ra đã có người “át vía”, người bán thịt lợn nổi cáu và bảo bà nội trợ "thế thì lên tivi mà mua"!
Câu chuyện này một lần nữa cho thấy thực tế chưa như kỳ vọng. Những tưởng thị trường thịt lợn sau đợt khủng hoảng cuối năm 2019 đã có phần êm xuôi, nhưng dường như vẫn giậm chân tại chỗ mà chưa biết đến bao giờ mới thực sự ổn.
Mới đây nhất, người đứng đầu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã phải thừa nhận có ba nguyên nhân của việc thịt lợn trên thị trường giá vẫn neo cao mà chưa có cách nào kéo xuống được. Lý do đầu tiên là nguồn cung thịt lợn trong nước hiện vẫn còn chưa đủ phục vụ nhu cầu người dân. Lý do thứ hai là giá thành thịt lợn cao do “phải bảo đảm các biện pháp an toàn sinh học, kiểm soát các khâu”. Thứ ba, là 15 “ông lớn” trong ngành chăn nuôi thịt lợn cam kết đưa giá lợn xuất chuồng xuống 70.000 đồng/kg hiện chưa đủ sức chi phối thị trường.
Những đánh giá nói trên của Bộ trưởng Cường cho thấy góc khuất của thị trường thịt lợn vẫn nằm ở nguồn cung chứ hoàn toàn không có yếu tố “chủ mưu” của những gian nan trắc trở về lưu thông như vẫn thường được viện dẫn mỗi khi đề cập đến giá của một mặt hàng, nhất là mặt hàng thiết yếu như thịt lợn.
Nhiều người nói thiếu thịt thì cho nhập thịt để kéo giá xuống. Trên thực tế giải pháp này cũng đã được áp dụng gần đây với việc gia tăng tìm nguồn và nhập khẩu để bảo đảm con số 100.000 tấn được cho là sẽ góp phần cân đối nguồn cung. Tuy nhiên giải pháp này chưa phát huy nhiều tác dụng khi người tiêu dùng trong nước vẫn chưa mặn mà với thịt “lạnh”, mà vẫn giữ thói quen dùng thịt “nóng”.
Còn nhớ cuối năm 2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khi đó là Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, đã phê bình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc để thịt lợn khan hiếm, giá tăng. Chính phủ sau đó cũng yêu cầu Bộ này chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về việc thiếu hụt thịt lợn, giá tăng cao ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, tình hình kinh tế vĩ mô.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song diễn biến thị trường thịt lợn gần đây cho thấy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn còn đang loay hoay giải bài toán nguồn cung. Tuy Bộ trưởng Cường có đề cập đến ba lý do của việc giá thịt lợn neo cao nhưng thực ra lý do đầu và lý do thứ ba có thể gộp làm một. Một con số thống kê cho rằng, 15 doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi thịt lợn chỉ đủ sức “bao” 35% thị trường, còn lại 65% phụ thuộc vào các hộ chăn nuôi.
Nhưng cũng chính ở đây, thị trường thịt lợn lại bộc lộ một nghịch lý là cho dù hiện đang ở thời điểm “vàng” cho việc tái đàn song trên thực tế, từ lâu các hộ chăn nuôi lợn không còn mặn mà. Có những dự đoán cho thấy (và Bộ trưởng Cường cũng công nhận) rằng, phải đợi đến tận quý IV/2020, may ra các nguồn cung mới đáp ứng được nhu cầu khoảng 900.000 tấn và hy vọng giá thịt lợn xuống thấp hơn.
Nhưng, lại nhưng... có thể đến lúc đó đã trễ cho mục tiêu ổn định CPI của năm 2020 (?!)
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/loay-hoay-bai-toan-nguon-cung-thit-lon-135499.html