Loay hoay bảo quản thủy hải sản

Câu chuyện 930 tấn mực khô ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, không xuất được sang Trung Quốc do kém chất lượng, một lần nữa đặt ra câu hỏi về khâu bảo quản thủy sản sau khi đánh bắt của các ngư dân.

Trong 930 tấn mực khô tồn đọng, có khoảng 800 tấn trên tàu ngư dân và 130 tấn trong kho của thương lái, chủ yếu là mực xà, mực ma có nhiều ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Đây là loại mực có đuôi màu đen sậm và ăn không ngon, mềm như mực nang, mực ống... đánh bắt gần bờ. Theo ông Phan Bá Linh (xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), đây là lần đầu tiên mực khô không được thương lái thu mua.

“Lâu nay, mực xà chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, tuy nhiên gần đây phía Trung Quốc yêu cầu chuyển sang chính ngạch và truy xuất nguồn gốc khiến mực xà không bán được. Nếu tình trạng này không sớm giải quyết thì chắc chắn đời sống của hàng trăm hộ ngư dân sẽ gặp khó khăn, khó vươn khơi bám biển”, ông Linh nói và cho biết hiện ông còn tồn hơn 23 tấn mực chưa bán được.

Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân khiến mực khô không bán được vì khâu bảo quản sau khi đánh bắt (ướp đá, cấp đông, phơi khô, sử dụng muối hoặc bảo quản bằng muối kết hợp đá..) chưa đạt yêu cầu.

Hiện đa số ngư dân Quảng Nam đều áp dụng phương pháp bảo quản theo kiểu truyền thống sau đánh bắt là bảo quản cá trong những hầm đá xay, vách bằng ván gỗ. Theo ông Trần Công Mậu (ngư dân thôn Tân An, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình), thông thường các tàu cá được chia thành 4-6 hầm nhỏ ngăn bằng ván gỗ và vách được cách nhiệt bằng tấm xốp.

Nắp hầm bằng gỗ ốp tấm cao su giữ nhiệt. Với cách bảo quản này chất lượng hầm bảo quản đóng vai trò rất quan trọng trong việc giữ cho đá không bị tan chảy và giữ độ lạnh ổn định trong suốt quá trình khai thác. Tuy nhiên, hầm bảo quản chỉ giữ được đá 10-15 ngày, khi đá tan chảy sẽ làm thủy sản phân hủy.

Gần đây một số công nghệ bảo quản mới như bảo quản trong hầm PU (cách nhiệt bằng vật liệu xốp polyurethane), nhưng ngư dân Quảng Nam còn khá dè dặt sử dụng do kinh phí đầu tư cao. Ông Trần Công Mậu cho rằng nếu điều kiện bảo quản tốt, giá trị khai thác một chuyến đi biển sẽ tăng, nhưng không thể đầu tư cho các hầm bảo quản theo công nghệ mới vì chi phí lớn. Mỗi tàu đóng hầm 10-12m3, tương đương khoảng 12 tấn cá, giá 200 - 300 triệu đồng.

Theo ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam, để thủy hải sản có thể tiếp cận được với thị trường ngoài nước, một trong những yêu cầu đầu tiên là khâu bảo quản phải đảm bảo chất lượng. Nếu theo cách truyền thống thì tỷ lệ bảo quản là 100kg đá ướp được 60kg cá, nhưng với công nghệ mới như PU thì 100kg đá lạnh có thể bảo quản lên tới 95kg cá nên giá trị kinh tế cao hơn hẳn.

Do đó, ngư dân không chỉ đầu tư hầm bảo quản bằng công nghệ PU, mà nên áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới khác, như máy dò ngang, radar hàng hải, hệ thống tời thủy lực để thu lưới, thu câu... Về vụ tồn 930 tấn mực khô, tỉnh Quảng Nam đã làm văn bản gửi Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương và kêu gọi doanh nghiệp hai nước gặp nhau để sớm ký kết việc xuất khẩu mực theo cơ chế mới.

NGỌC PHÚC

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/loay-hoay-bao-quan-thuy-hai-san-69780.html