Loay hoay chọn nghề

Hiện nay, tuy có nhiều kênh tham khảo lựa chọn nghề nghiệp khác nhau nhưng vẫn có không ít người ở Hải Dương loay hoay khi chọn nghề, khiến cho bản thân và gia đình tốn tiền, mệt mỏi mà không thu được kết quả như mong muốn.

Có được nghề nghiệp phù hợp sẽ giúp người lao động có cuộc sống ổn định, không lãng phí tiền bạc và thời gian học tập. Trong ảnh: Lao động Hải Dương sau khi làm việc ở nước ngoài tham gia tư vấn, định hướng nghề nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm - Giáo dục nghề nghiệp Hải Dương

Có được nghề nghiệp phù hợp sẽ giúp người lao động có cuộc sống ổn định, không lãng phí tiền bạc và thời gian học tập. Trong ảnh: Lao động Hải Dương sau khi làm việc ở nước ngoài tham gia tư vấn, định hướng nghề nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm - Giáo dục nghề nghiệp Hải Dương

Nguy cơ bỏ học giữa chừng

Anh Nguyễn Ngọc T. ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) tốt nghiệp THPT năm 2023. Căn cứ vào học lực của bản thân và nghe theo định hướng của gia đình, anh T. đăng ký học ngành công nghệ Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên (cơ sở Hải Dương). Tuy nhiên, điểm số của anh T. không thể đỗ vào ngành học này mà chỉ đủ vào ngành quản trị kinh doanh. Lúc này bản thân anh T. và người thân trong gia đình không xem xét lại xem ngành học đó có phù hợp không mà chỉ nghĩ đơn giản là cứ đi học đã rồi tính. Vậy là anh T. làm thủ tục học ngành quản trị kinh doanh - ngành học không hề theo sở thích hay khả năng của mình.

Kết quả là đến nay sau 1 thời gian học, anh T. cảm thấy rất mệt mỏi vì kiến thức không phù hợp với năng lực bản thân. Càng cố anh T. càng cảm thấy chán nản. Người thân của anh T. cho biết anh đang có dự định bỏ học để đi học nghề vì nếu cứ cố thì gia đình chỉ thêm tốn tiền mà lực học của anh lại ngày càng đuối. Đấy còn chưa kể với năng lực của anh T. thì không biết học xong ngành học này ra trường có thể tìm được việc làm đúng chuyên môn hay không.

Trường hợp của anh Nguyễn Văn Q., sinh năm 1997 ở xã Cẩm Chế (Thanh Hà) còn nan giải hơn nhiều. Học hết cấp 3, anh Q. quyết định học nghề cơ khí vì vào thời điểm đó nghề này khá được ưu chuộng. Tuy nhiên, do học theo thị hiếu mà không tính đến khả năng của bản thân nên tay nghề của anh Q. không cao. Cuối cùng khi ra trường anh đành phải xin đi làm công nhân may chứ không thể xin được ngành nghề áp dụng kiến thức đã học.

Sau mấy năm làm công nhân may thu nhập cũng chỉ đủ ăn mà công việc lại gò bó, anh Q. lại chán nản và nghỉ việc. Vậy là bây giờ ở tuổi 27 anh lại bắt đầu loay hoay tìm nghề mới để làm lại từ đầu, tiền bạc và công sức học tập trước đó coi như “đổ sông, đổ biển”.

Nghịch lý học đại học nhiều, vị trí việc làm ít

Học sinh được định hướng, tư vấn sẽ xác định đúng năng lực, sở thích, từ đó phát huy được năng lực bản thân trong tương lai (ảnh minh họa). Ảnh: PHƯƠNG LINH

Học sinh được định hướng, tư vấn sẽ xác định đúng năng lực, sở thích, từ đó phát huy được năng lực bản thân trong tương lai (ảnh minh họa). Ảnh: PHƯƠNG LINH

Hiện nay có nhiều kênh thông tin để mọi người có thể lựa chọn nghề nghiệp. Tuy nhiên, nó cũng đòi hỏi phải biết cân nhắc các yếu tố, không nên chỉ dựa theo nhu cầu xã hội hoặc khả năng của bản thân mà cần phải biết kết hợp cả 2 yếu tố này.

Theo số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2023, số học sinh tốt nghiệp THPT của Hải Dương là 21.331 người, trong đó 10.873 người học đại học, 1.249 người học cao đẳng, 1.701 người học trung cấp, 2.575 người đi du học, còn lại 4.933 người tham gia thị trường lao động và lựa chọn khác.

Cũng theo phân tích từ dữ liệu thống kê của sở cho thấy, dự báo nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, cơ sở đang sản xuất kinh doanh của Hải Dương đến năm 2025 là khoảng 80.000 người/năm. Trong đó, cần 2.200 người trình độ đại học và trên đại học, 2.000 người trình độ cao đẳng, 2.300 người trình độ trung cấp, 3.800 người sơ cấp, còn lại là lao động phổ thông 69.700 người.

Đến 2025, ước nhu cầu lao động cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại Hải Dương tăng thêm khoảng 29.000 người/năm. Trong đó, cần khoảng 900 người trình độ đại học và trên đại học, 850 người trình độ cao đẳng, 750 người trung cấp, 2.300 người sơ cấp, còn lại là lao động phổ thông.

Nhìn vào các con số này ta có thể thấy rõ một nghịch lý là số học sinh của Hải Dương sau tốt nghiệp THPT đi học đại học là rất lớn, chiếm khoảng 50%, trong khi đó nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp đối với người có trình độ đại học lại rất nhỏ so với các hệ học khác. Còn nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông chiếm tỷ lệ cao. Đây cũng là con số đáng quan tâm đối với những người có nhu cầu lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai, tránh rơi vào tình trạng học tốn tiền bạc và thời gian nhưng lại không xin được công việc phù hợp với chuyên môn.

Anh Trương Văn Hội, cán bộ quản lý tuyển dụng một công ty có vốn đầu tư 100% nước ngoài ở khu công nghiệp Phúc Điền (Cẩm Giàng) chia sẻ hiện nay, để xin việc vào các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đông công nhân, lao động rất dễ dàng. Tuy nhiên để có được vị trí việc làm tốt, thu nhập cao hơn mức bình quân chung thì người lao động cần học những ngành nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp. Ví dụ ngoài nghiệp vụ chuyên môn thì cần phải thông thạo ngôn ngữ của nước chủ đầu tư hoặc tiếng Anh. Các doanh nghiệp cũng đang có nhu cầu tuyển dụng những người có tay nghề tốt ở các lĩnh vực điện, điện tử, cơ khí, thậm chí là cả chuyên ngành AI… Những vị trí việc làm này về cơ bản sẽ có mức thu nhập cao hơn mức bình quân của người lao động trong doanh nghiệp và có nhiều cơ hội thăng tiến hơn.

Là một giáo viên dạy nghề lâu năm, chị Mai Thị Thanh Hương, giảng viên Trường Cao đẳng Du lịch và Công thương chia sẻ, nếu học sinh được định hướng, tư vấn sẽ xác định đúng năng lực, sở thích, từ đó phát huy được năng lực bản thân trong tương lai. Có thể nói, những thành quả trong nghề nghiệp của mỗi người phụ thuộc chủ yếu vào các khả năng thực có và sự nỗ lực vươn lên của chính người đó, giúp họ bước từng bước vững chắc trên đôi chân của mình.

Bên cạnh đó thì sự động viên, định hướng của người thân trong gia đình cũng rất cần thiết. “Cha mẹ hãy hỗ trợ con tìm hiểu sở thích, khả năng, cá tính, giá trị nghề nghiệp của con. Tìm hiểu những ngành nghề mà con yêu thích và có khả năng phù hợp. Cùng con xây dựng kế hoạch nghề nghiệp tương lai để con có cơ sở vững chắc trong việc chọn nghề và trở thành người thành công trong nghề nghiệp”, chị Hương cho biết thêm.

NGỌC THANH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/loay-hoay-chon-nghe-389344.html