Loay hoay dẹp nạn sách lậu trên môi trường số
Sự phát triển chóng mặt của công nghệ thông tin đã giúp ngành xuất bản dễ dàng đưa những cuốn sách đến tay bạn đọc. Ngoài mẫu mã sách in được cải tiến, việc quảng bá cuốn hút thì các dạng sách nói, sách điện tử... ngày càng được ưa chuộng vì truy cập dễ dàng. Tuy vậy, không gian mạng cũng chính là nơi để nạn xâm phạm bản quyền lộng hành với mức độ ngày càng tinh vi.
Theo số liệu nghiên cứu của tổ chức Media Partners Asia, năm 2022, Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực (sau Indonesia và Philippines) về tỷ lệ vi phạm bản quyền trên không gian số. Tính theo đầu người, Việt Nam đứng thứ nhất, với khoảng 15,5 triệu người xem bất hợp pháp, làm thất thoát khoảng 348 triệu USD. Vi phạm quyền tác giả trên không gian số được thể hiện với nhiều hình thức khác nhau, và ảnh hưởng đến hầu hết các nội dung văn hóa - nghệ thuật. Trong đó, sách là một trong những lĩnh vực bị xâm phạm nặng nề.
Theo bà Phan Thị Thu Hà, Giám đốc NXB Trẻ, ở lĩnh vực xuất bản, loại hình bị xâm phạm bản quyền nhiều nhất là tác phẩm văn học và mỹ thuật. Các hành vi xâm phạm được thể hiện dưới ba hình thức nổi cộm. Một là nội dung sách giấy bị sao chép, định dạng lại dưới dạng điện tử (pdf, mp3, mp4, audio…) rồi đăng công khai, miễn phí trên các nền tảng. Hai là, kẻ xâm phạm bán sách lậu thông qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử với giá siêu rẻ. Do sách giả được bán qua sàn thương mại điện tử, nên để nhận diện sách thật - sách giả là việc rất khó đối với người mua. Chỉ khi cầm cuốn sách trên tay rồi, họ mới biết đó là sách giả. Ba là tình trạng phát sóng trực tiếp (live stream) đọc sách trên mạng xã hội, hoặc tóm tắt, đánh giá sách.
Theo thông lệ, việc quảng cáo chỉ được sử dụng khoảng 10% nội dung tác phẩm. Nhưng hiện nay, người dùng mạng xã hội thường tổ chức phát sóng trực tiếp, đọc toàn bộ nội dung cuốn sách; hoặc đánh giá, tóm tắt sách nhưng thực tế là công bố toàn bộ nội dung nhằm tăng lượng tương tác. Vấn nạn sử dụng nội dung sách để sản xuất tác phẩm phái sinh nhưng không xin phép hay trả tiền tác quyền cũng là một kiểu xâm phạm đầy nhức nhối. Đáng nói, các hình thức, phương pháp vi phạm bản quyền hết sức tinh vi và biến đổi liên tục, luôn che giấu thông tin chi tiết, thực hiện xuyên biên giới từ nước ngoài cung cấp dịch vụ vào Việt Nam.
Trong Hội thảo quốc tế “Bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng” diễn ra tại TP Hồ Chí Minh mới đây, các đơn vị làm xuất bản trong nước đã có dịp lắng nghe tình hình chống nạn xâm phạm bản quyền sách trên không gian mạng của các nước khu vực Đông Nam Á. Vài năm qua, đứng đầu về tỷ lệ vi phạm bản quyền trên không gian số là Indonesia và Philippines.
Ông Arys Hilman Nugraha, Chủ tịch Hội xuất bản Indonesia bức xúc cho biết hơn 75% thành viên Hội xuất bản Indonesia (Ikapi) đã phát hiện sách của họ bị vi phạm bản quyền trên các chợ trực tuyến. Thủ tục khiếu nại và loại bỏ sách lậu khỏi chợ không hề dễ dàng. Các khu chợ này thậm chí còn trốn tránh trách nhiệm phân phối các sản phẩm bất hợp pháp. Còn ông Atty Rowel Barba, Tổng Giám đốc Quyền Sở hữu trí tuệ của Philippines (IPOPHL) gọi những kẻ xâm phạm bản quyền sách là những tên cướp biển, không phải những kẻ chột mắt, mà là những kẻ bắt chước và sao chép tràn lan các tác phẩm của người khác một cách bất hợp pháp.
Nạn sách lậu, sách giả không đơn thuần chỉ gây ảnh hưởng đến hầu bao của các nhà xuất bản, các tác giả, đến nền kinh tế mà còn để lại những dư chấn nghiêm trọng ngoài sức tưởng tượng. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh gọi đây là “quốc nạn” và “quốc nạn” này tác động rất xấu đến sự phát triển văn hóa đọc, làm lu mờ giá trị và vẻ đẹp của sách trong đời sống tinh thần của xã hội. Một cuốn sách lậu, sách phạm pháp, ngay từ xuất thân bất hảo của nó, đã bôi đen, đã phủi sạch tất cả những ý nghĩa tốt đẹp mà sách ký thác. Trong các buổi ký tặng sách, không ít lần ông phải từ chối bạn đọc vì sách các em đem tới xin chữ ký là sách giả.
“Hầu hết các trường hợp, các em lỡ mua nhầm sách giả, sách lậu chỉ biết buồn bã và lủi thủi ra về. Tôi không biết điều gì đang diễn ra đằng sau vẻ mặt ngây thơ đang đẫm nước mắt kia, nhưng tôi chắc chắn tâm hồn trong trẻo non tơ của các em sẽ hụt hẫng, đổ vỡ giống như những gì đang diễn ra trong tôi. Niềm tin vào sự tốt đẹp, vào xã hội, vào thế giới người lớn chắc chắn sẽ bị thui chột đi trong lòng các em sau những chuyện như vậy. Rõ ràng, thiệt hại mà những kẻ làm sách giả, sách lậu gây ra cho đời sống tinh thần của độc giả, đặc biệt là độc giả nhỏ tuổi, còn lớn hơn và nguy hiểm hơn nhiều so với những thiệt hại về kinh tế. Nhìn xa hơn, nạn sách giả, sách lậu còn làm xấu hình ảnh của đất nước” - nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đánh giá.
Sở dĩ “quốc nạn” này vẫn hoành hành công khai và ngày càng thách thức cơ quan quản lý bởi sự vụ lợi, tham lam của kẻ xâm phạm. Trong khi đó, không ít tổ chức, cá nhân “tiếp tay” cho kẻ xấu vì họ còn thói quen “xài chùa”, ham rẻ hoặc vẫn chưa ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ về quyền tác giả, quyền liên quan. Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho hay, ngoài những nguyên nhân trên thì một số chủ sở hữu quyền còn mang nặng tâm lý “vô phúc đáo tụng đình” nên chưa mạnh dạn áp dụng các biện pháp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Tâm lý ái ngại này cũng bắt nguồn từ chế tài xử lý hành vi xâm phạm bản quyền chưa đủ sức răn đe, thậm chí một số cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm còn có biểu hiện né tránh trách nhiệm.
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, thừa nhận: “Thực tế, chúng ta đã có hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh về bảo vệ bản quyền với các quy định bảo vệ bản quyền tại Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản dưới luật liên quan. Việt Nam cũng xây dựng hệ thống thiết chế quản lý và bảo hộ bản quyền cả ở trung ương và địa phương. Việt Nam có nhiều hiệp hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp tham gia vào hỗ trợ doanh nghiệp và tác giả bảo vệ bản quyền như: Hội Xuất bản Việt Nam, Hiệp hội quyền sao chép, Trung tâm bản quyền tác giả văn học, Trung tâm bản quyền số... Dẫu vậy, tình trạng vi phạm bản quyền ở Việt Nam còn khá phức tạp. Các giải pháp của các cơ quan chính phủ, của các Hội và của chính doanh nghiệp, chủ sở hữu tác phẩm, tác giả đang gặp rất nhiều khó khăn do những thách thức mới của công nghệ, đặc biệt là công nghệ số với sự phát triển các hình thức truyền thông và thương mại điện tử trên không gian mạng”.
Lấy độc trị độc được coi là giải pháp hữu hiệu để bảo vệ bản quyền sách trong kỷ nguyên số hóa. Nghĩa là phải dùng chính công nghệ để ngăn chặn hành vi xâm phạm bản quyền trên không gian mạng. Thông qua việc sử dụng các giải pháp kỹ thuật như DRM, watermarking, công nghệ blockchain… theo dõi hoạt động trực tuyến và ưu tiên các dịch vụ đăng ký, ngành xuất bản có thể tăng cường sự bảo vệ cho bản quyền sách, đảm bảo quyền tác giả, bảo vệ thông tin quan trọng khỏi rủi ro mất mát hoặc xâm nhập không mong muốn.
Bên cạnh đó, việc nâng cao ý thức lẫn kiến thức pháp luật cho cộng đồng là điều cấp thiết không kém việc siết chặt hành lang pháp lý, nâng cao giám sát, tăng mức xử phạt. Các nhà xuất bản, hiệp hội liên quan có thể dùng chính nền tảng mạng xã hội để tuyên truyền, nâng cao hiểu biết cho người dân. Mỗi đơn vị cần xây dựng nhiều kênh thông tin để độc giả có ý thức có thể báo cáo về các trang bán sách giả, những trang web, các hội nhóm trên mạng xã hội bán, chia sẻ sách giả, sách điện tử vi phạm bản quyền đến cơ quan chức năng.
Kinh nghiệm của Indonesia trong việc thành lập Đội đặc nhiệm xử lý vi phạm bản quyền đối với các sản phẩm kinh tế sáng tạo cũng rất đáng để nước ta học hỏi, áp dụng. Lực lượng đặc nhiệm này bao gồm nhiều bộ, ngành liên quan để việc phát hiện và quy trình xử lý trường hợp xâm phạm bản quyền sách trở nên dễ dàng và nhanh gọn hơn.