Loay hoay tìm giải pháp

Dự án nâng cấp tuyến đường Sa Pả - Tả Phìn - Bản Khoang được khởi công từ tháng 1/2018, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 3/2019, tuy nhiên đến nay mới hoàn thành 50% khối lượng.

Chậm tiến độ nâng cấp tuyến đường Sa Pả - Tả Phìn - Bản Khoang:

Xin gia hạn vì chậm tiến độ

Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường Sa Pả - Tả Phìn - Bản Khoang được khởi công ngày 18/1/2018, do Ban Quản lý Dự án phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng tỉnh Lào Cai làm chủ đầu tư, sử dụng nguồn vốn ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và vốn đối ứng ngân sách tỉnh.

Tuyến đường thi công dở dang.

Tuyến đường thi công dở dang.

Dự án có tổng chiều dài 14,57 km, được chia làm 2 phân đoạn: Phân đoạn 1 (Sa Pả - Tả Phìn) dài 6,07 km, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp V miền núi; phân đoạn 2 (Tả Phìn - Bản Khoang) dài 8,5 km, theo tiêu chuẩn cấp B giao thông nông thôn. Tổng dự toán hơn 179 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là hơn 104 tỷ đồng; chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng là 15 tỷ đồng. Dự án do liên danh Công ty TNHH Anh Nguyên và Công ty TNHH MTV Công trình giao thông Sông Đà trúng thầu thi công, thời gian thi công là 15 tháng. Ngay sau khi khởi công, các đơn vị đã bắt tay vào triển khai thi công, tuy nhiên đến nay dự án đã chậm tiến độ 6 tháng, khối lượng thi công mới đạt khoảng 50%.

Tuyến đường thi công chậm tiến độ khiến việc đi lại của người dân và khách du lịch gặp rất nhiều khó khăn, bởi tình trạng trời nắng thì bụi mà mưa thì lầy, không chỉ ảnh hưởng đến du lịch mà còn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân. Ông Đỗ Minh Trí, Chủ tịch UBND xã Tả Phìn cho biết: Việc nâng cấp tuyến đường chậm tiến độ đã ít nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của xã Tả Phìn. Đặc biệt, việc lưu thông khó khăn khiến nông sản do người dân sản xuất ra khó tiêu thụ, lượng khách du lịch đến địa phương giảm.

Nhiều vướng mắc

Theo tìm hiểu của phóng viên, việc thi công tuyến đường Sa Pả - Tả Phìn - Bản Khoang bị chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân, chủ yếu do chủ đầu tư chậm đền bù, giải phóng mặt bằng và không bàn giao được mặt bằng “sạch” cho đơn vị thi công.

Theo ông Hoàng Công Phú, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sa Pa (đơn vị phụ trách đền bù giải phóng mặt bằng), vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng tại dự án này xuất phát từ tranh chấp đất đai giữa người dân 2 xã Bản Khoang và Tả Phìn. Huyện Sa Pa đã nhiều lần mời người dân, các đơn vị có liên quan đến làm việc và trực tiếp đối thoại nhưng các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Tại vị trí giáp ranh giữa xã Tả Phìn và xã Bản Khoang, các hộ của xã Tả Phìn đã canh tác ổn định nhiều năm trên diện tích đất đang tranh chấp trước khi cắm mốc 364 (cắm mốc ranh giới hành chính theo Chỉ thị số 364 ngày 6/11/1991 của Hội đồng Bộ trưởng, nay là Thủ tướng Chính phủ) giữa 2 xã. Sau khi cắm mốc 364, mốc cắm được lùi sang phía xã Tả Phìn; xã Bản Khoang và Dự án 661 đã thiết kế và cấp đất trồng rừng vào diện tích các hộ xã Tả Phìn đang canh tác ổn định, do đó xảy ra tranh chấp đất đai giữa các hộ tại khu vực giáp ranh 2 xã. UBND huyện, các ngành chức năng giải quyết nhiều lần nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, dẫn đến vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, đơn vị thi công không có mặt bằng để thi công phân đoạn 2 của dự án.

Tại dự án này, huyện Sa Pa đã ban hành quyết định thu hồi đất cho 206/339 hộ, với 70.099,8/199.147,3 m2, tỷ lệ thu hồi đất đạt 35,1% toàn tuyến; diện tích đất còn lại phải thu hồi là 129.047,5 m2 của 133 hộ, 4 tổ chức và 21 trường hợp chưa xác định được chủ sử dụng đất. Có thể thấy, tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để bàn giao cho đơn vị thi công đạt tỷ lệ rất thấp, trong khi dự án phải hoàn thành tiến độ chậm nhất vào tháng 12/2019.

Bên cạnh khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng phân đoạn đoạn 2, tại 6 km của phân đoạn 1 có nhiều đoạn cũng chưa được giải phóng mặt bằng, đơn vị thi công đang phải thi công “xôi đỗ” và không thể hoàn thành thi công toàn phân đoạn 1 của dự án.

Ngoài ra, theo ông Hoàng Công Phú, khi lập khái toán dự án, đơn vị tư vấn tính toán kinh phí giải phóng mặt bằng ở hệ số 1, không gắn việc giải phóng, đền bù với hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, hỗ trợ các hộ bị tổn thương và giá đất tăng nên kinh phí giải phóng mặt bằng trên thực tế bị đội cao, các đơn vị liên quan không có phương án giải quyết kịp thời.

Cần đẩy nhanh tiến độ

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Tuấn Huy, Giám đốc Ban Quản lý Dự án phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê Kông mở rộng tỉnh Lào Cai cho biết: Đại diện chủ đầu tư đã có nhiều giải pháp, phối hợp với các cơ quan liên quan huyện Sa Pa nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án. Đến nay, đơn vị thi công đã mở mặt đường được gần 12 km trong tổng số 14 km toàn tuyến. Hiện tại, phương án hỗ trợ nhóm dễ bị tổn tương và phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư bổ sung cho các hộ đã được UBND huyện Sa Pa phê duyệt.

Theo đó, trong đợt này có 39 hộ, cá nhân với 220 nhân khẩu thuộc nhóm hộ dễ bị tổn thương khi thực hiện dự án được hỗ trợ 600 nghìn đồng/người/tháng trong 3 tháng, tổng kinh phí hỗ trợ là 403,92 triệu đồng; 18 hộ bị thu hồi 7.250,7 m2, được bồi thường, hỗ trợ tổng kinh phí 1,099 tỷ đồng.

Cũng theo ông Huy, vướng mắc mấu chốt của dự án là giải phóng mặt bằng tại khu vực tranh chấp giữa 2 xã Tả Phìn và Bản Khoang vẫn chưa có phương án tối ưu. Do đó, khoảng 2,2 km trong khu vực tranh chấp chưa thể thi công. Đơn vị đã xin gia hạn thời gian thực hiện dự án để phối hợp cùng các cơ quan liên quan giải quyết vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

Để giải quyết vấn đến này, ngày 1/10/2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Sa Pa và có sự tham gia của các bên liên quan đã họp, đưa ra các giải pháp: Đối với vướng mắc đoạn đường từ ngã 3 Quốc lộ 4D đến UBND xã Sa Pả chưa thi công do liên quan đến quy hoạch thôn Giàng Tra và điều chỉnh cao độ cầu 32, đề nghị chủ đầu tư sớm có phương án báo cáo UBND tỉnh cho phép hoàn thiện rãnh dọc, rải cấp phối, lu nền để đảm bảo an toàn giao thông. Đối với các hộ đã chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng, đủ điều kiện để thu hồi đất, giao chủ tịch UBND các xã tuyên truyền, vận động các hộ sớm bàn giao mặt bằng. Đối với những trường hợp chưa quy chủ, yêu cầu Trung tâm Phát triển quỹ đất cung cấp hồ sơ, sau khi quy chủ tiến hành chi trả, trường hợp không thỏa thuận được sẽ lập biên bản báo cáo Chủ tịch UBND huyện. Chủ tịch UBND xã Bản Khoang và xã Tả Phìn vận động người dân giải quyết tranh chấp về ranh giới địa chính, đất canh tác tại vị trí bị thu hồi để lập phương án đền bù đúng đối tượng theo quy định của pháp luật. Trước mắt, yêu cầu chính quyền xã vận động những hộ có dự án đi qua tạo điều kiện để đơn vị thi công hoàn thành thông tuyến kỹ thuật…

Việc đưa ra giải pháp tại cuộc họp là rất cần thiết nhưng để hiện thực hóa lại là vấn đề lớn. Còn chưa đầy 3 tháng nữa sẽ phải bàn giao công trình nhưng khối lượng thi công mới đạt hơn 50%. Có lẽ, nhà thầu sẽ phải thêm một lần xin gia hạn?

Nhóm PV kinh tế - xã hội

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/loay-hoay-tim-giai-phap-z5n20191023082913143.htm