Loay hoay trên 'mỏ vàng' du lịch
Được đánh giá là địa phương có nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, di tích có giá trị nhưng ngành du lịch tỉnh Quảng Trị vẫn chưa phát triển
Đảo Cồn Cỏ cách đất liền tỉnh Quảng Trị khoảng 17 hải lý với diện tích 2,3 km2. Từ năm 2017, tỉnh đã mở tuyến du lịch ra đảo bằng 2 tàu cao tốc vỏ nhôm nên chỉ cần hơn 1 giờ đã có thể tới hòn đảo này.
Chưa tận dụng được lợi thế
Là đảo hình thành bởi hoạt động kiến tạo núi lửa cách đây trên 4 vạn năm, Cồn Cỏ có giá trị về địa chất và sinh thái cảnh quan như một bảo tàng thiên nhiên với các thềm đá bazan độc đáo dọc bờ biển, các bãi tắm nhỏ hoang sơ được tạo thành từ vụn san hô, sò, điệp, cát... Vùng biển nơi đây rất trong, nhiệt độ ổn định, rừng tự nhiên chiếm gần 74% diện tích đảo và còn nguyên vẹn. Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị kỳ vọng trong tương lai gần, Cồn Cỏ cùng với Cửa Tùng, Cửa Việt sẽ hình thành tam giác du lịch biển đảo trọng điểm của địa phương và vùng Bắc Trung Bộ, dần trở thành khu du lịch biển quốc gia.
Tuy nhiên, theo ông Trương Khắc Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Cồn Cỏ, mặc dù địa phương đã nhiều lần tổ chức các chương trình xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch nhưng chưa có nhà đầu tư nào tìm đến. Vì vậy, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch Cồn Cỏ chỉ phục vụ dân sinh, chưa có bến tàu, nhà chờ, cơ sở lưu trú, khu vui chơi, tắm biển có tầm vóc để thu hút khách.
Theo GS-TS Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông, tiềm năng du lịch của tỉnh Quảng Trị rất lớn, đặc biệt là du lịch lịch sử, tâm linh, nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Quảng Trị nên hoạch định ngay sách lược để phát triển du lịch, biến lĩnh vực này thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Trong báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Trị, ông Đỗ Văn Bình, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Quảng Trị, thẳng thắn nhìn nhận sự thuận lợi về vị trí địa lý của địa phương này nhưng đồng thời cũng là một khó khăn trong việc cạnh tranh với những trung tâm phát triển du lịch lớn ở khu vực, nhất là trong lĩnh vực lưu trú. Khoảng cách địa lý tương đối gần các trung tâm du lịch Huế, Quảng Bình, Đà Nẵng song vì bị chiến tranh tàn phá nặng nề, điểm xuất phát thấp, thị trường du lịch hẹp, tiềm năng du lịch tuy đa dạng nhưng tính nổi bật, khác biệt không cao, chưa có điều kiện để đầu tư hình thành các khu du lịch có thương hiệu, điểm nhấn... nên lượng khách du lịch sử dụng dịch vụ lưu trú của Quảng Trị còn thấp.
Kỳ vọng vào những dự án lớn
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Trị, cho biết gần đây có nhiều tập đoàn, công ty du lịch lớn đến khảo sát và xây dựng kế hoạch đầu tư với số vốn đăng ký lên đến hàng ngàn tỉ đồng cùng các dự án nghỉ dưỡng lớn ven biển. Trong đó, dự án khu đô thị sinh thái biển AE Resort Cửa Tùng với diện tích khoảng 36 ha, tổng mức đầu tư ban đầu 492,6 tỉ đồng, dự kiến đến năm 2021 sẽ hoàn thành. Đây là một trong những dự án trọng điểm được xem là nguồn động lực mới để đánh thức "nữ hoàng" bãi tắm xứ Đông Dương nức tiếng một thời.
Cách đó không xa, dự án khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng biển Mũi Trèo - Rú Bàu (xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Linh) do Công ty CP Pacific Quảng Trị đầu tư có tổng diện tích gần 200 ha với nhiều hạng mục phục vụ du lịch nghỉ dưỡng, dã ngoại, khu vui chơi giải trí, hội họp có đầy đủ hệ sinh thái rừng và biển với tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỉ đồng. Tỉnh Quảng Trị kỳ vọng trong tương lai nơi đây sẽ trở thành khu du lịch nghỉ dưỡng, giáo dục kỹ năng với nhiều sản phẩm du lịch phong phú, đáp ứng nhu cầu nhiều "gu" của du khách.
"Khu kinh tế Đông Nam hiện có 15 dự án phát triển du lịch đăng ký đầu tư. Nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng biển khác cũng đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương đầu tư. Các dự án du lịch này khi hoạt động sẽ tạo ra các sản phẩm du lịch, dịch vụ vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng biển hấp dẫn thu hút du khách trong nước và quốc tế, góp phần to lớn tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. UBND tỉnh Quảng Trị hy vọng ngành du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương" - ông Chiến phân tích.
Chưa tiếp cận du khách Nga, Đông Bắc Á
Theo Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Trị, đến nay toàn tỉnh có 185 khách sạn, nhà nghỉ với 5.358 giường. Trong năm 2019, trong khoảng 2 triệu lượt khách đến Quảng Trị, chỉ có trên 800.000 lượt lưu trú tại khách sạn chuyên ngành, tổng doanh thu kinh doanh du lịch xã hội ước đạt 1.782 tỉ đồng.
Hiện địa phương này chưa tiếp cận, thu hút được dòng khách từ các nước Đông Bắc Á, Nga. Trong khi đó, lượng khách du lịch nội địa gắn liền với sản phẩm du lịch hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội, về nguồn đang cạnh tranh gay gắt với các địa phương khác. Mặt khác, các cựu chiến binh hiện nay tuổi đã cao, sức khỏe yếu nên cũng ít trở về thăm lại chiến trường xưa. Do vậy, thị trường khách du lịch của Quảng Trị tăng trưởng còn hạn chế, ảnh hưởng nhiều đến việc thu hút các nhà đầu tư.