Loay hoay, trở tay không kịp khi bị hỏi về giấy phép xây dựng
Nhiều chủ đầu tư điện mặt trời phía Nam gặp lúng túng khi bị hỏi về các quy định cấp giấy phép xây dựng, trong khi quá trình triển khai dự án doanh nghiệp lại thiếu những hướng dẫn quy định cụ thể.
Những ngày gần đây nhiều chủ đầu tư dự án điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) ở phía Nam phản ánh việc công ty điện lực tạm ngưng trả tiền mua điện. Vấn đề mấu chốt dẫn đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tạm ngừng thanh toán tiền điện là yêu cầu các chủ đầu tư phải cung cấp hồ sơ an toàn công trình xây dựng và hồ sơ an toàn phòng chống cháy nổ. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất khiến các chủ đầu tư bức xúc đó là việc quy định giấy phép xây dựng mà có sở xây dựng đang yêu cầu các dự án phải có.
Một doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời ở phía Nam cho biết việc EVN tạm dừng thanh toán tiền điện chủ yếu rơi vào các dự án lắp năm 2020. Thời điểm đó, doanh nghiệp đã liên hệ sở xây dựng các tỉnh để hoàn thiện các thủ tục lắp đặt nhưng đều được thông báo chưa có hướng dẫn nên chưa có căn cứ để cấp.
Vị này cũng xác nhận khi nhiều doanh nghiệp bị EVN từ chối thanh toán tiền, chờ hoàn thiện thủ tục thì các doanh nghiệp đã xin giấy phép xây dựng. Song nhiều sở xây dựng tiếp tục từ chối vì không thể tạo ra "quy trình ngược" là cấp giấy phép cho công trình đã tồn tại.
Một lãnh đạo doanh nghiệp khác cho rằng bản chất của việc dừng thanh toán tiền điện đột ngột là bởi các bên quá thận trọng, sợ trách nhiệm khi thanh tra, kiểm tra dự án thường xuyên, còn thực tế các cơ quan quản lý cũng hiểu các vướng mắc này không phải do doanh nghiệp cố tình không tuân thủ.
Các bộ ngành ban hành các quy định cần sớm tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư, không thể "đẩy" hết cho các địa phương trong khi mỗi địa phương một quy định. Nếu bắt buộc phải có giấy phép thì cần phải có hướng dẫn rõ ràng các thủ tục, cơ quan nào cấp giấy phép.
"Doanh nghiệp đã liên hệ, nhưng ngành xây dựng trả lời rằng không có cơ sở để cấp giấy phép xây dựng đối với hệ thống đã lắp trên mái nhà xưởng mà công trình bên dưới đã có giấy phép xây dựng", vị lãnh đạo nói.
Trao đổi với báo chí, đại diện EVN cho biết, việc yêu cầu cung cấp hồ sơ để đảm bảo nhà đầu tư thực hiện theo hướng dẫn tại Văn bản 7088 của Bộ Công Thương. Những chủ đầu tư chưa đáp ứng đầy đủ các thủ tục liên quan là những trường hợp được ngành điện đưa vào diện "thiếu hồ sơ".
Do vậy trong thời gian chờ các chủ đầu tư bổ sung giấy tờ và thủ tục liên quan, EVN thực hiện theo quy định tại điều 5 trong chính hợp đồng mua bán điện mẫu (áp dụng cho các dự án điện mặt trời mái nhà): vẫn ghi nhận sản lượng lên lưới nhưng ngừng thanh toán để chủ đầu tư thực hiện đúng các nghĩa vụ được pháp luật quy định.
Khi triển khai các dự án điện mặt trời áp mái, chủ đầu tư phải tuân thủ đầy đủ các quy định của ngành điện cũng như quy định chuyên ngành khác. Khi ký hợp đồng mua bán điện, các chủ đầu tư đã phải ký cam kết với ngành điện về việc phải hoàn thành đầy đủ các giấy tờ pháp lý liên quan. Cam kết tự chịu trách nhiệm về công trình xây dựng phù hợp với tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn, quy định của pháp luật hiện hành, mái nhà của công trình xây dựng phù hợp với công năng, mục đích sử dụng của công trình xây dựng... để được ký hợp đồng mua bán điện.
Nói thêm, một chuyên gia chính sách cho biết, EVN và các đơn vị thành viên được ủy quyền, chịu trách nhiệm kiểm tra, theo dõi hoạt động vận hành các nhà máy điện mặt trời (bao gồm cả ĐMTMN và điện mặt trời nối lưới).
Đồng thời, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động liên quan đến điện mặt trời tại địa phương. Phía nhà đầu tư phải đảm bảo thiết kế, thi công lắp đặt, vận hành theo đúng quy chuẩn kỹ thuật, quy định về chất lượng điện năng, an toàn điện, xây dựng, môi trường và phòng chống cháy nổ.
“EVN và các đơn vị điện lực địa phương có quyền từ chối thanh toán khi chủ đầu tư không tuân thủ điều khoản quy định nêu trên”, vị chuyên gia nói.
Đại diện của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, một trong những vướng mắc hiện nay là do tính chất dự án ĐMTMN có quy mô nhỏ nên các quy định về xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường... sẽ do địa phương quản lý và mỗi địa phương lại đưa ra yêu cầu riêng trong các quy định này.
Tại Quyết định 13 của Thủ tướng đã quy định rõ cam kết giữa các bên, việc mua bán điện là trách nhiệm giữa EVN và nhà đầu tư. Ngành điện yêu cầu cung cấp hồ sơ an toàn công trình xây dựng, nhưng ngành xây dựng trả lời rằng: Không có cơ sở để cấp giấy phép xây dựng đối với hệ thống đã lắp trên mái nhà xưởng mà công trình bên dưới đã có giấy phép xây dựng.
Tuy nhiên, xây dựng xong rồi thì không xin cấp phép được nữa, bây giờ họ phải khắc phục. Việc khắc phục này đều có hướng dẫn. Chẳng hạn như: Phạt vi phạm hành chính, kiểm định công trình và hoàn thiện bổ sung các giấy tờ. Trách nhiệm xử lý thuộc về địa phương. Những việc vi phạm quy định cần phạt nghiêm khắc để tăng tính răn đe. Về vấn đề này, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết sẽ sẵn sàng hỗ trợ khi nhà đầu tư liên hệ.