Loay hoay với rác thải rắn sinh hoạt

Các loại rác thải khó phân hủy như bao nilon và chai thủy tinh đang trở thành vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và cuộc sống của người dân.

Loay hoay nhiều năm

Theo hướng dẫn kỹ thuật của Bộ (TN&MT), rác thải rắn sinh hoạt được phân loại thành ba nhóm là nhóm có khả năng tái chế, nhóm tái sử dụng và nhóm không thể tái chế.

Rác thải sinh hoạt lẫn lộn thường gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, dù đã có nơi thu gom, tập kết chất thải rắn sinh hoạt nhưng tình trạng rác thải này bị vứt bỏ bừa bãi xuất hiện ở khắp nơi.

Chỉ cần dạo quanh vài cung đường, tuyến phố tại Hà Nội, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những bãi rác tự phát tràn lan các loại chất thải rắn sinh hoạt. Thậm chí, tại các điểm tập kết, thu gom rác thải, chất thải rắn sinh hoạt cũng vương vãi bừa bãi, tạo ra cảnh nhếch nhác và ô nhiễm môi trường. Hình ảnh các túi rác xếp chồng lên nhau, những chai lọ, bao nilon lăn lóc trên vỉa hè hay trong các khu dân cư không còn xa lạ với người dân Thủ đô.

Trong các loại chất thải rắn sinh hoạt, bao nilon và chai thủy tinh đang là vấn đề nhức nhối nhất. Những loại rác thải này thường bị bỏ sót tại các điểm tập kết rác hoặc vứt bừa bãi ra ngoài môi trường, không chỉ gây ô nhiễm lâu dài do khó phân hủy mà còn trở thành những chiếc bẫy, sẵn sàng gây sát thương cho bất cứ ai giẫm phải.

Thu gom rác thải trên phố cổ Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Thu gom rác thải trên phố cổ Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Trẻ em chơi đùa gần các bãi rác tự phát này có nguy cơ cao bị thương do giẫm phải mảnh thủy tinh vỡ hay các vật sắc nhọn khác. Còn bao nilon, với khả năng tồn tại hàng trăm năm trong môi trường, đang góp phần không nhỏ vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng tại nhiều khu vực.

Ngoài ra, rác thải cồng kềnh cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Dù đã có nơi thu gom, tập kết riêng nhưng nhiều nơi vẫn bị vứt bỏ ra môi trường, vừa gây ô nhiễm, vừa mất mỹ quan. Những chiếc ghế sofa cũ, tủ gỗ hỏng hay các thiết bị điện tử không còn sử dụng được thường bị bỏ lại bên lề đường, tạo ra những điểm nhấn xấu xí cho cảnh quan đô thị. Những loại rác thải này không chỉ làm mất vẻ đẹp của TP mà còn là nguồn gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Một trong những điểm nổi bật của tình trạng rác thải rắn sinh hoạt vứt bỏ bừa bãi là sự xuất hiện tràn lan của các bãi rác tự phát. Tại nhiều khu vực, những bãi rác này không chỉ xuất hiện trong các con ngõ nhỏ mà còn lan ra cả những khu vực công cộng như công viên, ven hồ hay các khu đất trống. Những bãi rác tự phát này không chỉ làm xấu đi hình ảnh của TP mà còn là nơi sinh sống của các loài côn trùng, chuột bọ, góp phần làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Lối thoát nào cho rác thải rắn sinh hoạt?

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng rác thải rắn sinh hoạt vứt bỏ bừa bãi không chỉ nằm ở ý thức của một bộ phận người dân mà còn ở sự buông lỏng quản lý, giám sát của chính quyền và lực lượng chức năng địa phương. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất vẫn là câu chuyện ý thức.

Hiện nay, một bộ phận người dân thiếu ý thức trong việc vứt rác đúng nơi quy định, thường xuyên sử dụng bao nilon, chai thủy tinh mà không phân loại. Thói quen này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn làm gia tăng khối lượng rác thải khó xử lý. Do đó, giải pháp bền vững và lâu dài nhất vẫn là câu chuyện tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức người dân.

TS Bùi Thị Thanh Hương - Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, giáo dục đóng một vai trò quan trọng đó là bắt đầu là câu chuyện của giáo dục và kết thúc sẽ tạo nên câu chuyện của văn hóa và khi văn hóa đã có sẽ tạo nên văn hóa của thói quen và nhận thức. Khi đã trở thành nhận thức thì giống như ở Nhật Bản sẽ là rác của mình không phải để người khác dọn. Nhà nước và các ngành khác không phải tốn tiền của và sức lực cho cái việc không chỉn chu và gọn gàng của từng cá nhân.

Trong khi đó, nhìn nhận vấn đề từ góc nhìn chính sách, PGS, TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ TN&MT cho rằng, hạn chế lớn nhất hiện nay là chất thải hầu hết chưa được phân loại tại nguồn. Một số địa phương đã triển khai thí điểm chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Tuy nhiên việc phân loại chưa được nhân rộng, hiệu quả chưa cao, mang tính riêng lẻ. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự chung tay của cả cộng đồng.

Trước hết, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý chất thải, tăng cường chế tài xử phạt đối với các hành vi xả rác bừa bãi. Đồng thời, cần đầu tư nâng cấp hệ thống thu gom và xử lý rác thải, xây dựng các nhà máy xử lý rác hiện đại.

Một trong những giải pháp được nói đến nhiều nhất trong thời gian qua chính là câu chuyện chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn.

Các chuyên gia cho rằng, phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ là một giải pháp bền vững để giảm thiểu lượng rác thải nói chung và rác thải rắn sinh hoạt nói riêng. Muốn thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, chúng ta cần khuyến khích các DN sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, giảm thiểu bao bì, tái chế và tái sử dụng sản phẩm là những hướng đi cần được ưu tiên. Đặc biệt, để giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa, cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn.

Việc cấm sử dụng túi nilon khó phân hủy, khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường và áp dụng thuế đối với sản phẩm nhựa là những biện pháp cần được xem xét.

Tuy nhiên, nếu chỉ có DN tham gia chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn để giảm thiểu rác thải sẽ là không đủ mà cần có sự tham gia của cộng đồng. Mỗi người dân cần tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, phân loại rác tại nguồn và khuyến khích những người xung quanh cùng làm.

Ngoài ra, việc đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ tầng để nâng cao hiệu quả thu gom và xử lý rác thải, đồng thời đào tạo và nâng cao trách nhiệm cho đội ngũ nhân viên vệ sinh môi trường sẽ giúp giảm thiểu tình trạng rác thải rắn sinh hoạt vứt bỏ bừa bãi.

Theo các chuyên gia, những công nghệ hiện đại hiện nay như hệ thống thu gom rác thông minh, xử lý rác thải thành năng lượng có thể được áp dụng để giải quyết vấn đề rác thải rắn sinh hoạt.

Chuyên gia môi trường Nguyễn Quang Huân cho rằng, chúng ta không nên áp dụng những loại công nghệ xử lý rác quá cũ, đặc biệt là những công nghệ đốt rác, vì công nghệ cũ chưa xử lý được các loại khí thải ra từ quá trình đốt rác, dẫn tới ô nhiễm môi trường. Hiện nay với những công nghệ mới đã hoàn toàn có thể các vấn đề về môi trường trong quá trình xử lý rác.

Vấn đề rác thải rắn sinh hoạt không chỉ là trách nhiệm của chính quyền mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân. Chúng ta cần c hung tay để bảo vệ môi trường, từ việc nâng cao ý thức cá nhân, tuân thủ quy định vứt rác đúng nơi quy định, đến việc tham gia vào các hoạt động cộng đồng. Chỉ khi có sự đồng lòng và hợp tác từ mọi phía, vấn đề rác thải rắn sinh hoạt mới có thể được giải quyết triệt để, đem lại một môi trường sống trong lành, sạch đẹp cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Tại Nhật Bản, việc phân loại rác thải đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của người dân. Các loại rác thải được phân loại chi tiết từ giấy, nhựa, kim loại đến rác thải hữu cơ và được thu gom theo lịch trình cố định. Cơ quan chức năng Nhật Bản cũng áp dụng các biện pháp xử phạt nghiêm khắc đối với hành vi vứt rác không đúng quy định. Mô hình này không chỉ giúp giảm thiểu lượng rác thải mà còn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân.

Nguyễn Quý

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/loay-hoay-voi-rac-thai-ran-sinh-hoat.html