Loay hoay xây dựng sản phẩm đặc trưng cho cây cà phê
Do thị trường không ổn định, giá cả và năng suất bấp bênh, người trồng cà phê liên tục thua lỗ nên việc thực hiện Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) đối với sản phẩm cây cà phê gặp khó khăn. Nhiều địa phương trong tỉnh đang phải loay hoay tìm hướng phát triển hoặc lựa chọn sản phẩm khác để thay thế.
Nhiều địa phương đang gặp khó
Lâm Đồng là tỉnh có diện tích cà phê lớn với hơn 170.000 ha. Do đó, việc lựa chọn và nâng cao chất lượng sản phẩm cho cây cà phê theo Chương trình OCOP của Lâm Đồng có khá nhiều thuận lợi, bởi có thể liên kết sản xuất thành vùng nguyên liệu lớn nên được nhiều địa phương đăng ký thực hiện.
Nhận thấy uy tín và giá trị cây cà phê Arabica vùng Cầu Đất ngày càng được nâng cao trên thương trường trong và ngoài nước, xã Xuân Trường (TP Đà Lạt) đã đưa sản phẩm vào Đề án OCOP để quảng bá trên thị trường. Những tưởng sản phẩm này sẽ “trụ” vững trên thị trường và là sản phẩm đặc trưng của Xuân Trường nói riêng và TP Đà Lạt nói chung, nhưng chỉ sau một thời gian triển khai, xã Xuân Trường đành phải tìm một sản phẩm khác là hồng treo sấy gió để “thế” vào Đề án OCOP đã đăng ký.
Lý giải về điều này, ông Nguyễn Trọng Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Trường cho biết: Toàn xã hiện có khoảng 1.200 ha cà phê, sản lượng hằng năm đạt gần 3.000 tấn cà phê nhân. Trong đó, diện tích và tổng sản lượng có liên kết giữa các doanh nghiệp và người dân hiện nay khoảng 300 tấn, chiếm 1/10 tổng sản lượng cà phê toàn xã. Ngoài các doanh nghiệp, trên địa bàn xã Xuân Trường cũng có 4 HTX hoạt động, liên kết với nông dân trong lĩnh vực trồng và chế biến sâu cà phê. Đây là một tín hiệu rất lạc quan để địa phương bắt tay vào thực hiện Chương trình OCOP với sản phẩm chủ lực là cà phê Arabica Cầu Đất.
Tuy nhiên, vài năm nay, giá cà phê liên tục giảm sâu, nông dân không có lãi. Trước tình hình đó, nhiều nông hộ dần quay lưng, phá bỏ các liên kết để sản xuất và tiêu thụ tự do theo thị trường, còn địa phương cũng phải tìm sản phẩm khác để thay thế.
Hiện nay, không chỉ tại xã Xuân Trường mà có rất nhiều địa phương khác khi lựa chọn cây cà phê để đăng ký thực hiện Chương trình OCOP cũng đang loay hoay tìm sản phẩm phù hợp để thực hiện.
Là một trong những huyện thuần nông, với nhiều sản phẩm nông nghiệp đa dạng, khi thực hiện Chương trình OCOP, huyện Đam Rông đã rà soát thực trạng sản phẩm đặc sản, sản phẩm truyền thống, đặc trưng có lợi thế. Trong 100 sản phẩm đặc sản của toàn tỉnh thì Đam Rông đóng góp các sản phẩm nổi tiếng như: chuối Laba Đạ K’Nàng, cà phê, mắc ca, trầm hương, trà dây Đam Rông.
Ông Nguyễn Văn Chính - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đam Rông cho biết: Đam Rông là huyện có diện tích canh tác cà phê lớn, nhiều tiềm năng lợi thế trong việc phát triển chế biến sâu cà phê. Tuy nhiên, sản phẩm cà phê chế biến của địa phương vẫn chưa thực sự có thương hiệu cũng như chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Bởi, quy mô sản xuất hiện còn quá nhỏ, các chuỗi liên kết sản xuất vẫn còn sơ khai, chưa thu hút được sự tham gia đông đảo của người dân.
Thương hiệu cà phê đặc trưng - cuộc chơi của các công ty
Trong những năm qua, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đã và đang được ngành nông nghiệp, nhiều địa phương tích cực triển khai và được xem là một trong những giải pháp hiệu quả giúp khai thác tiềm năng, lợi thế, nâng tầm giá trị nông sản địa phương.
Tính đến hết năm 2019, Hội đồng OCOP tỉnh đã tổ chức đánh giá, phân hạng 47 hồ sơ sản phẩm OCOP của các huyện: Lạc Dương, Đơn Dương, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Cát Tiên và TP Đà Lạt. Kết quả, toàn tỉnh đã có 2 sản phẩm được xếp loại 5 sao; 27 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP Lâm Đồng cấp 4 sao; 18 sản phẩm đạt cấp 3 sao. Riêng sản phẩm cà phê, có 2 đơn vị đạt cấp 4 sao và 3 đơn vị đạt cấp 3 sao.
Tuy nhiên, có một thực tế là các đơn vị được chấm sao OCOP Lâm Đồng 2019 phần lớn thuộc về các công ty tư nhân, có tiềm lực kinh tế cũng như tham gia lâu dài vào thị trường chế biến.
Đối với lĩnh vực cà phê đó là các công ty: Thái Châu, Hoàng Sang, Thuần Trịnh, Daisy International, Nguyên Phúc Nông. Việc xây dựng thương hiệu, sản phẩm đặc trưng cho cây cà phê vẫn đang là cuộc chơi của các công ty, doanh nghiệp, còn các địa phương vẫn chưa thể “bắt nhịp”.
Ông Mai Văn Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Mai Hoàng Sang thừa nhận, so với các địa phương, việc triển khai xây dựng thương hiệu đặc trưng theo Chương trình OCOP thì các công ty tư nhân rất thuận lợi. Bởi, các công ty tư nhân có nền tảng kinh tế, công nghệ sản xuất vượt trội, sự tường tận và am hiểu sâu về thị trường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có nhiều điều kiện để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, các hội chợ triển lãm gian hàng, quảng bá sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Ông Phạm Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết: Hằng năm, nguồn kinh phí, công sức cũng như tâm huyết mà ngành nông nghiệp và các địa phương dành cho việc phát triển các chuỗi liên kết, sản xuất, tiêu thụ và chế biến cà phê trong tỉnh là rất lớn. Tuy nhiên, có một thực tế là việc phát triển các chuỗi cà phê này hiện nay đang gặp khó. Một số địa phương khi đăng ký thực hiện xây dựng sản phẩm đặc trưng trên cây cà phê phải loay hoay tìm hướng đi hoặc tìm sản phẩm khác để thay thế.
Theo ông Hưng, có một thực tế rằng, riêng đối với cây cà phê hiện nay chưa xây dựng được thương hiệu nông sản xứng tầm, còn đại trà, mang tính chất chung chung, chưa thật sự tạo ra điểm khác biệt so với các địa phương khác. Bên cạnh đó, có một số xã chọn sản phẩm chỉ mang tính chất “tự phát”, chưa tính đến khả năng phát triển lâu dài, cũng như cơ hội kết nối đưa sản phẩm ra thị trường lớn, cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại ở địa phương khác.