Loay hoay xử lý rác
Thời gian gần đây, trên một số tuyến phố của TP Hà Nội xuất hiện nhiều bãi rác tự phát, gây ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông, để lại hình ảnh xấu về văn minh đô thị. Đỉnh điểm của tình trạng này là vụ việc toàn bộ khu vực đường Triều Khúc và đường Tân Triều mới (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) bỗng nhiên trở thành điểm tập kết rác thải trái phép dài cả ki-lô-mét, khiến đời sống, sinh hoạt của người dân quanh đây bị đảo lộn.
Nguyên nhân gây ra khủng hoảng rác thải bắt nguồn từ việc một số người dân địa phương từng không đồng tình với phương án bồi thường giải phóng mặt bằng do ô nhiễm môi trường cho nên đã lập lán trại, chặn không cho xe chuyên dụng đưa rác vào Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (bãi rác Nam Sơn, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn) - một trong hai bãi rác lớn của TP Hà Nội, cùng với bãi rác Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây). Cũng trong thời gian này, ở TP Đà Nẵng xảy ra một vụ việc tương tự: Một số người dân đã cản trở, ngăn chặn, không cho các phương tiện vận chuyển rác vào Xí nghiệp Bãi rác Khánh Sơn (quận Liên Chiểu). Hành vi này khiến “thành phố đáng sống” phát sinh lượng rác tồn lưu lớn, gây bức xúc trong nhân dân. Trong khi đó, tại kỳ họp thứ 15 HĐND thành phố Hồ Chí Minh khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021, nhiều đại biểu đã nêu lên nhiều vấn đề cấp thiết trong công tác xử lý và thu gom rác. Cụ thể, biện pháp xử lý rác thải bằng cách chôn lấp ở bãi rác “chủ lực” Đa Phước của thành phố hiện đang gây ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng không khí, nguồn nước, làm thiệt hại hoa màu, đảo lộn đời sống sinh hoạt của người dân nhiều quận, thậm chí cả một số huyện của tỉnh Long An.
Việc lối vào các bãi rác bị người dân tự ý phong tỏa không phải mới xảy ra lần đầu. Bức xúc nêu trên bắt nguồn từ việc nhiều bãi rác trên cả nước đang quá tải, cộng với việc công nghệ xử lý đã quá cũ, gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, đời sống người dân chung quanh. Theo thống kê mới đây của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng 70 nghìn tấn rác thải sinh hoạt ở cả khu vực thành thị và nông thôn, trong đó TP Hồ Chí Minh và Hà Nội lần lượt là những địa phương có lượng rác thải sinh hoạt phát sinh nhiều nhất (8.900 và 6.500 tấn/ngày). Khoảng 75% lượng rác thải sinh hoạt của cả nước được xử lý bằng phương pháp chôn lấp ở những bãi rác vốn đang quá tải, điển hình như bãi Nam Sơn (Hà Nội) - khoảng 4.700 tấn/ngày, bãi Xuân Sơn (Hà Nội) - 1.400 tấn/ngày, bãi Khánh Sơn (Đà Nẵng) - 1.100 tấn/ngày, bãi Đa Phước (TP Hồ Chí Minh) - 5.700 tấn/ngày. Đáng lo ngại hơn, trong khi bãi rác Đa Phước đã hoàn toàn không thể tiếp nhận thêm khiến TP Hồ Chí Minh phải gấp rút xây dựng một khu thay thế, thì một số báo cáo mới đây cũng khẳng định: Các bãi rác Nam Sơn, Xuân Sơn và Khánh Sơn đều sẽ phải ngừng vận hành vào năm 2020 nếu không sớm tìm được giải pháp công nghệ xử lý rác tiên tiến hơn.
Trong khi đó, việc áp dụng công nghệ cao vào công tác thu gom, xử lý rác thải đến nay vẫn là bài toán khó. Thực tế đáng buồn là, đã có không ít nhà máy xử lý bằng phương pháp đốt rác buộc phải đóng cửa vì liên tục gặp sự cố kỹ thuật, hoặc vi phạm các quy định phòng cháy, chữa cháy. TP Hà Nội đã xây dựng một số dự án xử lý rác thải với công nghệ hiện đại, quy mô lớn như: Điện rác Sóc Sơn (công suất ước tính 4.000 tấn/ngày), Khu xử lý chất thải rắn Đồng Ké (1.500 tấn/ngày), Khu xử lý rác thải thu hồi điện Xuân Sơn (1.000 tấn/ngày),… tuy nhiên tiến độ triển khai còn quá chậm. Mặt khác việc vận động người dân phân loại rác tại nguồn cũng chưa mang lại hiệu quả rõ rệt.
Để rác thải nói chung và rác thải sinh hoạt nói riêng không còn là nỗi lo thường trực, cần có chiến lược xử lý rác rõ ràng, lâu dài, bền vững, trong đó, cần chú trọng áp dụng công nghệ xử lý tiên tiến, hiện đại, hiệu quả, hướng đến giảm tỷ lệ chôn lấp và kết hợp thu hồi năng lượng thông qua đốt rác. Đối với các dự án kêu gọi xã hội hóa đầu tư xử lý rác thải, cần có cơ chế, chính sách rõ ràng để các nhà đầu tư thấy được lộ trình thu hồi vốn và nguồn lợi thực tế. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân thực hiện nghiêm việc phân loại rác tại nguồn, hướng đến tận dụng hiệu quả nhất lượng rác tái chế làm nguyên liệu phục vụ sản xuất. Cái khó hơn cả là thay đổi suy nghĩ, coi rác thải là tài nguyên thay vì chỉ tìm cách chôn lấp, tiêu hủy như hiện nay.
Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/40979002-loay-hoay-xu-ly-rac.html