Loay hoay xử lý tiếng ồn từ xưởng sản xuất nhôm kính
Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng các sản phẩm nhôm kính ngày càng cao, kéo theo các xưởng sản xuất, gia công cửa nhôm, kính 'nở rộ' ngày càng nhiều trong các khu dân cư.
Một trong những cơ sở sản xuất nhôm, kính trên địa bàn TP Thanh Hóa.
Bên cạnh mặt tích cực mà ai cũng thấy như tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tăng thu cho ngân sách, thì hoạt động này không tránh khỏi ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sức khỏe, sinh hoạt của người dân do tiếng ồn tạo ra trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, chính quyền cơ sở vẫn còn loay hoay chưa có hướng xử lý vấn đề này để bảo đảm môi trường sống trong lành cho người dân.
Không kể sáng trưa, chiều, tối, cứ có đơn hàng là cơ sở sản xuất nhôm kính T. L., ở phường Đông Vệ lại rền vang tiếng máy cưa, cắt kim loại. Cứ mỗi lần cơ sở bắt đầu một ngày làm việc là người dân xung quanh lại đi đóng tất cả cánh cửa để tránh tiếng ồn đinh tai, nhức óc lọt vào nhà. Chị Lê Thị Hằng, một trong những người dân sống xung quanh, bức xúc: Cơ sở sản xuất nhôm kính T. L. bắt đầu đi vào hoạt động được 3 năm nay, cũng ngần ấy năm những gia đình xung quanh phải chịu sự “tra tấn” từ tiếng máy cưa, cắt sắt. Những ngày cuối tuần ở nhà muốn mở cửa ra ngoài hít thở không khí hay trò chuyện cùng hàng xóm, láng giềng cũng không được, bởi tiếng ồn rền xiết bên tai nên nhà cửa lúc nào cũng đóng cửa im ỉm, hàng xóm cũng trở nên xa cách. Chỉ mong sao họ chuyển cơ sở sản xuất ra xa khu dân cư càng sớm, càng tốt.
Cùng nỗi bức xúc như chị Hằng, chị Nguyễn Thị Trang, ở phường Nam Ngạn chia sẻ: Gia đình chị ở cuối con ngõ nhỏ, mỗi lần muốn ra, vào đường lớn người dân trong ngõ phải đi qua 3 hộ dân làm nhôm, kính, biển quảng cáo. Do vậy, từ sáng đến tối họ phải chịu sự tra tấn từ các loại âm thanh của máy hàn, máy cắt, sơn xì. Chưa nói đến việc, các cơ sở này toàn sản xuất các mặt hàng cồng kềnh nên có những hôm họ bày chắn cả lối đi lại của người dân. Một hai lần còn được, chứ thường xuyên thì không chịu được. Vì thế, đã có người trong ngõ lên tiếng nhắc nhở nhưng chỉ được một vài hôm, sau lại đâu vào đấy. Muốn tận hưởng cuối tuần yên tĩnh, gia đình chị lựa chọn giải pháp sơ tán về quê. Nhưng đấy là gia đình có quê gần thì về, chứ những người quê ở xa thì đành sống chung với tiếng ồn.
Chị Trang cũng bày tỏ quan điểm: Vẫn biết mỗi người một công việc, một ngành nghề kiếm sống, nhưng về lâu dài nên quy hoạch vùng sản xuất cho các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ xen ghép trong khu dân cư, có như vậy cuộc sống của người dân mới được yên bình.
“Ở thành phố tấc đất tấc vàng, lấy đâu ra đất mà quy hoạch vùng sản xuất tập trung. Giá như các hộ sản xuất có ý thức hơn trong việc giữ gìn môi trường sống cho người dân xung quanh, đó là: Sắp xếp thời gian sử dụng các loại máy móc vào một khung giờ nhất định trong ngày, buổi sáng từ 8 đến 10h; buổi chiều từ 14h30 đến 16h30 thì tốt. Có như vậy, người già và trẻ nhỏ mới có thời gian yên tĩnh để nghỉ ngơi. Chứ như hiện nay là họ làm cho được việc của họ, còn người dân sống xung quanh bị ảnh hưởng như thế nào cũng không quan tâm đến” - chị Phượng ở cùng ngõ góp thêm vào câu chuyện.
Từ những bức xúc của người dân, qua trò chuyện với chủ cơ sở nhôm kính T.L., ở phường Đông Vệ. Anh L. chia sẻ: “Trước kia, cơ sở sản xuất của anh ở trong ngõ, sát với các hộ dân, mỗi khi có đơn hàng nhiều, công nhân làm suốt ngày đêm, hàng xóm đến phản ánh về tiếng ồn anh cũng thấy nể nên cách đây 3 năm anh phải bỏ tiền ra thuê hơn 100m2 đất ở lâu dài nơi ít dân cư, dựng nhà mái tôn lên để sản xuất, nhưng từ năm ngoái đến năm nay, các lô đất liền kề họ bắt đầu làm nhà, dân cư cũng ở đông hơn. Cứ mỗi lần xưởng có đơn hàng sản xuất, người dân lại đến phản ánh về tiếng ồn. Nhưng giờ không biết xoay xở thế nào, vì đã ký hợp đồng thuê đất 10 năm rồi”. Còn chủ cơ sở sản xuất nhôm kính, làm biển quảng cáo rất trẻ về tuổi đời, tuổi nghề ở phường Nam Ngạn trăn trở: “Vốn liếng mới ra lập nghiệp không có nhiều để đi thuê đất rộng, đành tận dụng không gian nhỏ của gia đình để sản xuất. Mỗi lần sử dụng máy cưa, cắt nhôm biết gây ra tiếng ồn cho các hộ dân sống xung quanh nhưng vì “cần câu cơm” của cả gia đình nên vẫn phải làm”.
Chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này, nhiều lãnh đạo địa phương bộc bạch chính quyền cấp phường, xã cũng đang lúng túng với việc giải quyết phản ánh, kiến nghị của người dân về các cơ sở sản xuất nhôm, kính gây ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư. Bởi, hiện nay các cơ sở sản xuất này chủ yếu là hộ gia đình, cá nhân, công việc theo mùa vụ, thu nhập không ổn định nên họ thường làm ở nhà, hoặc thuê cửa hàng ở gần khu dân cư để tiện cho việc vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa. Vì vậy, chỉ khi nào người dân xung quanh các cơ sở sản xuất có ý kiến phản ánh thì chính quyền mới cử cán bộ đi kiểm tra, nhắc nhở. Cơ sở nào cố tình vi phạm việc lấn chiến vỉa hè thì mới lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính. Còn về việc xử lý ô nhiễm tiếng ồn thì rất khó vì chỉ các cơ quan chuyên ngành mới có thể làm được.
Một số lãnh đạo địa phương cũng đưa ra ý kiến đề xuất đối với huyện, thị xã, thành phố quy hoạch, đầu tư xây thêm các cụm công nghiệp, ưu tiên cho cơ sở sản xuất vừa và nhỏ theo đặc thù ngành nghề vào hoạt động. Bởi, hiện nay ở các khu công nghiệp mới tập trung ưu tiên cho các công ty, doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn, do vậy khi chính quyền cơ sở xuống kiểm tra, nhắc nhở họ tránh gây ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư, họ đề xuất với địa phương cho họ di dời ra chỗ xa khu dân cư, nhưng đất quy hoạch không có, địa phương rất lúng túng trong việc hướng dẫn họ di dời.
Việc xử lý các cơ sở nhôm, kính gây ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư đang là bài toán khó đối với chính quyền cơ sở, vì vậy để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường sống trong khu dân cư, chủ các cơ sở sản xuất cần phải nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật như không lấn chiếm lòng lề đường, không gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến người dân. Trước mắt, người dân mong chờ sự quản lý, nhắc nhở của cơ quan chức năng, nhằm tạo môi trường sống tốt hơn cho mọi người.