Lộc Hà phát huy tiềm năng phát triển 3 sản phẩm nông nghiệp chủ lực
Phát huy các tiềm năng, lợi thế trong sản xuất, nông dân Lộc Hà (Hà Tĩnh) đã kiên trì khắc phục khó khăn để phát triển 3 sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo hướng hàng hóa. Qua đó, góp phần tạo động lực cho sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Vì lạc phát triển chậm do ảnh hưởng từ các đợt mưa rét kéo dài trước đây nên những ngày này, chị Trần Thị Tơi ở thôn Nam Sơn, xã Thịnh Lộc đang tập trung ra đồng làm cỏ, vun luống, bón thúc, phòng trừ sâu bệnh. Xung quanh đồng lạc của chị Tơi, người dân xã Thịnh Lộc nói riêng và huyện Lộc Hà nói chung cũng gấp rút chăm sóc, bảo vệ loại cây trồng cạn này với quyết tâm hướng tới một vụ mùa thắng lợi.
Chị Trần Thị Tơi cho biết: “Do được hỗ trợ về KHKT, có định hướng sản xuất, có lịch thời vụ sát đúng từ chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn nên năm nào gia đình tôi cũng làm gần 1 mẫu lạc. Ngoài ưu tiên mở rộng diện tích thì nhiều năm nay gia đình tôi đã từ bỏ các loại giống lạc bản địa cũ (lạc cúc, lạc sen) để làm lạc lai L14 nên cho năng suất đạt 3 tạ/sào. Sau khi lạc được phơi khô khén thì bán với giá từ 20 - 22 triệu đồng/tấn”.
Hòa chung trong không khí lao động sản xuất đó, các trang trại chăn nuôi, hơn 11.000 con lợn đang được vỗ béo, nuôi lớn từng ngày. Cùng với đó là hàng trăm hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ở thị trấn Lộc Hà, Hộ Độ, Mai Phụ… cũng đang này đêm bám ao, bám hồ để tận thu tôm vụ đông và lấy nước, thả giống, chăm sóc, ngăn ngừa dịch bệnh cho tôm vụ xuân hè.
Anh Trần Văn Minh ở TDP Xuân Hòa (thị trấn Lộc Hà) cho biết: “Thay đổi tư duy nuôi trồng, năm 2019, tôi đã mạnh dạn đầu tư 700 triệu đồng xây 20 bể xi măng, làm nhà màng để nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh. Được đầu tư sâu nên mật độ nuôi đã được tăng lên, hạn chế được rủi ro, tiết kiệm chi phí sản xuất. Do đó, hầu như năm nào tôi cũng có lãi; riêng vụ đông vừa thu được gần 7 tấn loại 50 con/kg, bán với mức giá 200 – 220 nghìn đồng/kg, lãi hơn 700 triệu đồng”.
Bà con nông dân ở Lộc Hà vẫn chưa quên cảnh làm ăn tự cung, tự cấp, quy mô nhỏ lẻ, hiệu quả thấp trước đây. Dù có nhiều lợi thế trong sản xuất nhưng do tư duy làm ăn, thiếu định hướng cơ bản nên cách đây 10 năm, nông dân Lộc Hà vẫn chủ yếu sử dụng giống lạc cúc, lạc sen; nhà nào cũng nuôi lợn nhưng chỉ được 1 - 3 con, thức ăn phải tận dụng, an toàn dịch bệnh chưa được chú trọng nên hiệu quả thấp; tôm thẻ chân trắng chỉ được nuôi quảng canh trong ao đất nên thu nhập bấp bênh...
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà Võ Tá Bình chia sẻ: Trước đây, trong bối cảnh sản xuất chưa phát triển, thiếu điểm nhấn nên huyện Lộc Hà đã quyết định lựa chọn lạc, lợn và tôm để xây dựng trở thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tạo đột phá trong sản xuất. Để thực hiện tốt, ngoài tận dụng tốt các tiềm năng, lợi thế thì các cấp, ngành, địa phương đã tập trung vào cuộc tuyên truyền, động viên Nhân dân thay đổi tư duy sản xuất gắn với tạo điều kiện về đất đai và nguồn vốn, cho đi tham quan học hỏi, giúp đỡ liên doanh, liên kết…
"Đặc biệt, theo từng giai đoạn, huyện Lộc Hà đã ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nói chung và các sản phẩm chủ lực nói riêng. Đáng chú ý có: Nghị quyết số 70/NQ-HĐND ngày 22/12/2015 của HĐND huyện Lộc Hà về ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết số 124/ NQ-HĐND ngày 29/12/2020 của HĐND huyện Lộc Hà về việc ban hành tạm thời một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 và một số chính sách hỗ trợ khác” - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà Võ Tá Bình cho biết thêm.
Bên cạnh kiên trì thực hiện chủ trương của huyện, bà con nông dân ở Lộc Hà cũng đã thay đổi tư duy làm ăn từ nông hộ, nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp sang sản xuất tập trung có quy mô lớn, sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường.
Những thói quen, tập tục sản xuất lạc hậu đã dần được loại bỏ để tiếp thu những kiến thức KHKT mới, những cách làm hay, những mô hình hiệu quả để nâng cao giá trị sản xuất. Ngoài ra, bà con cũng đã dám mạnh dạn đầu tư kinh phí, công sức để cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, mở rộng đối tượng nuôi, tăng quy mô sản xuất, đưa KHKT vào thực tiễn…
Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Lộc Hà Phan Văn Thanh cho biết: "Trong nhiều năm qua, chúng tôi luôn đồng hành, hỗ trợ bà con nông dân trong phát triển sản xuất, nhất là về 3 sản phẩm nông nghiệp chủ lực đã lựa chọn.
Theo đó, cùng với triển khai ứng dụng tiến bộ KHKT, hỗ trợ kiến thức sản xuất hiện đại, hướng dẫn giúp bà con sản xuất an toàn…, chúng tôi cũng đã tập trung khảo nghiệm, thí điểm để đưa các loại cây giống, con giống cho năng suất cao, phù hợp điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng vào nuôi, trồng. Đáng chú ý có giống lạc 14, V79, TK10; lợn siêu nạc; giống tôm thẻ chân trắng CP, Thông Thuận, Nam Mỹ Đỏ…".
Với sự vào cuộc đồng bộ và hiệu quả đó, 3 sản phẩm chủ lực của Lộc Hà đã dần khẳng định được vai trò, vị thế, ý nghĩa. Hiện nay, diện tích lạc được duy trì 1.200 - 1.300 ha, năng suất bình quân đạt 27 tạ/ha, sản lượng đạt từ 3.200 - 3.300 tấn; diện tích nuôi tôm ổn định hơn 100 ha (trong đó 70 ha nuôi thâm canh), sản lượng 328 tấn/năm, 35% sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu; đàn lợn duy trì khoảng 11.000 con (trong đó có 6 trang trại nuôi liên kết chiếm 63% tổng đàn, 36% sản phẩm được doanh nghiệp liên kết bao tiêu), hứa hẹn cho sản lượng thịt hơi xuất chuồng cả năm (3 lứa) khoảng 2.262 tấn.
Qua đó, góp phần quan trọng để đưa tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp Lộc Hà năm 2021 lên gần 1.078 tỷ đồng (chiếm 20,6% tổng giá trị các ngành sản xuất); trong đó 3 sản phẩm chủ lực này chiếm gần 250 tỷ đồng (chiếm khoảng 23% giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp toàn huyện).