Lộc Hà: Thu gom, xử lý 40 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày
Để bảo vệ môi trường sống, bảo đảm mỹ quan cho các làng quê, gần 40 tấn rác thải sinh hoạt phát sinh mỗi ngày đã được các hợp tác xã (HTX) môi trường và người dân Lộc Hà (Hà Tĩnh) thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý kịp thời.
Là địa phương đất chật, người đông, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh lên đến 6-7 tấn/ngày nên công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác hàng ngày luôn được xã Thạch Kim quan tâm.
Theo đó, cách đây hơn 15 năm, Thạch Kim là địa phương đầu tiên của huyện Lộc Hà nói riêng, Hà Tĩnh nói chung có các tổ, đội vệ sinh môi trường (đến năm 2010 đổi thành HTX môi trường). Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng hiện nay HTX Môi trường Thạch Kim vẫn duy trì hoạt động với 9 lao động thường xuyên thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt hàng ngày.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà - công chức địa chính và môi trường xã Thạch Kim cho biết: “Để phục vụ hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn, HTX Môi trường Thạch Kim đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua 5 xe đẩy, 1 xe ba gác, 1 ô tô tải và nhiều dụng cụ khác. Ngoài việc thu gom, các xã viên cũng đã tích cực tuyên truyền, nhắc nhở bà con chủ động phân loại rác tại nhà, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi”.
Xã viên HTX Môi trường và Dịch vụ nông nghiệp Thạch Châu thu gom rác ở cổng chợ Phủ.
Tương tự, xã Thạch Châu cũng là một trong những địa phương được đánh giá cao trong công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt. Anh Hoàng Văn Lĩnh - Giám đốc HTX Môi trường và Dịch vụ nông nghiệp xã Thạch Châu cho biết: "Năm 2012, HTX chúng tôi được thành lập và đi vào hoạt động ổn định cho đến nay với 7 xã viên và có đầy đủ xe, dụng cụ để thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt. Mới đây chúng tôi đã đầu tư 550 triệu đồng mua xe chuyên dụng chở rác.
Cứ vào thứ 2 và thứ 6 hàng tuần HTX tiến hành thu gom, lượng rác thải sinh hoạt ước khoảng 20 tấn/tuần. Tất cả đều được thu gom hết, chở thẳng lên bãi rác tập trung, không qua điểm trung chuyển. Qua đó góp phần gìn giữ môi trường nông thôn luôn sạch, đẹp".
Không chỉ có ở Thạch Châu hay Thạch Kim mà công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt luôn được các địa phương quan tâm. Ngoài việc động viên, hỗ trợ để các HTX môi trường duy trì hoạt động các địa phương cũng đã chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể cùng vào cuộc để tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn người dân thu gom, phân loại, xử lý, tập kết rác thải sinh hoạt đúng quy trình, quy định.
Các xã, thị trấn cũng thường xuyên phát động các đợt tổng dọn môi trường, vệ sinh vườn hộ, thu gom rác thải nơi công cộng... để môi trường sống ngày càng xanh - sạch - đẹp.
Ngoài ra, ý thức của người dân Lộc Hà trong việc thu gom, bảo quản, xử lý rác thải sinh hoạt cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Anh Trần Hữu Hòa - chủ nhà hàng Hòa Duân (thị trấn Lộc Hà) cho biết: “Chúng tôi có 2 cơ sở kinh doanh ăn uống khá đông khách nên lượng rác thải hàng ngày rất lớn. Để giữ vệ sinh, mỹ quan, nhà hàng thường xuyên bố trí nhân viên thu gom, ghép dọn, phân loại rác kịp thời. Những loại nhôm, nhựa thì gom bán tái chế; thức ăn dư thừa gom phục vụ chăn nuôi; rác phân hủy thì ủ phân vi sinh cho hàng xóm bón ruộng; các loại rác còn lại gom để HTX môi trường đến vận chuyển đi xử lý...”
Ông Phan Tiến Dũng – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lộc Hà thông tin: Hiện nay, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trung bình trên địa bàn toàn huyện lên đến gần 40 tấn/ ngày đêm nên việc thu dọn, xử lý luôn được quan tâm. Hiện tất cả 12 xã, thị trấn trong toàn huyện đều có HTX môi trường với 88 lao động, 11 xe tải các loại, 2 xe chuyên dụng, 75 xe đẩy tay, 2 xe điện, 124 thùng đựng rác… Nhờ thu gom, vận chuyển, xử lý kịp thời, đúng quy trình nên đường sá, các khu dân cư ở Lộc Hà đều cơ bản sạch sẽ.
Cũng theo ông Phan Tiến Dũng, hiện hơn 60% hộ gia đình ở Lộc Hà đã có giỏ rác và thực hiện phân loại rác tại nguồn, rác thải hữu cơ được xử lý tại chỗ để làm phân bón; phần rác còn lại được HTX thu gom, vận chuyển đi xử lý tại bãi rác tập trung ở xã Hồng Lộc.