Lọc hóa dầu Nghi Sơn tiếp tục gặp sự cố kỹ thuật, sẽ giảm sản lượng
Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn gặp sự cố kỹ thuật nên phải ngừng tạm thời phân xưởng để khắc phục sự cố, làm giảm một phần lượng xăng dầu so với kế hoạch.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (NSRP) đang tạm dừng phân xưởng RFCC (Residue Fluid Catalytic Cracking- cracking xúc tác tầng sôi liên tục) để khắc phục sự cố kỹ thuật rò rỉ xúc tác tại khớp nối giãn nở nhiệt áp tái sinh.
Ước tính sản lượng xăng dầu trong 10 ngày đầu tháng 1/2023 của nhà máy này giảm 20-25% so với kế hoạch, tương đương khoảng 125.000m3. Mỗi tháng cả nước tiêu thụ khoảng 1,6-1,8 triệu m3 xăng dầu các loại. Trong đó, 40% số này do Lọc dầu Nghi Sơn cung ứng.
Trước tình hình trên, để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chỉ đạo 2 thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu là Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn tăng công suất ở mức tối đa có thể.
Đồng thời, sử dụng nguồn hàng dự trữ và nguồn hàng khác (nếu có) để bù đắp tối đa lượng thiếu hụt cho các khách hàng; chỉ đạo Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn khẩn trương khắc phục sự cố, ổn định hoạt động sản xuất để cung ứng xăng dầu cho khách hàng, thị trường.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động tìm kiếm nguồn cung xăng dầu, tăng cường nhập khẩu để bù đắp lượng xăng dầu thiếu hụt từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường giai đoạn trước, trong và sau Tết Âm lịch 2023 và đến hết quý I/2023. Ngoài ra, thực hiện đúng tiến độ, tổng nguồn xăng dầu đã được Bộ Công Thương phân giao năm 2023.
Trước đó, phân giao tổng nguồn xăng dầu năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu việc phân giao cần dựa trên con số thực hiện của năm 2022 và tính toán trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đạt 6,5% trở lên, tương ứng hệ số 1,3-1,4 GDP. Điều này cho thấy con số phân giao tăng khoảng 10% so với số thực hiện của năm 2022.
Tuy nhiên, trước nhu cầu thực tế của nền kinh tế, Bộ trưởng cho rằng cần phải có phương án 2 để chủ động trong mọi tình huống, trong đó phương án này phải cao hơn phương án 1, tức là tăng 15% so với số thực hiện của năm 2022.
Trên cơ sở đóng góp ý kiến, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đưa ra 2 kịch bản dự kiến về phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023. Theo đó, kịch bản 1 có tỉ lệ tăng trưởng 10% so với năm 2022, tương đương 25 triệu 900.000m3, tấn. Kịch bản 2 tăng trưởng 15%, tương đương 26 triệu 760.000m3, tấn.