Lọc máu thải độc, phòng ngừa đột quỵ: Sự thật hay chiêu trò?
Quảng phòng ngừa nguy cơ tai biến, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, liệu pháp lọc máu Nhật Bản đang thu hút nhiều sự quan tâm của nhiều người. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế chưa có bằng chứng khoa học về liệu pháp này.
Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 200.000 ca bệnh đột quỵ.
Đột quỵ não là căn nguyên gây tử vong, tàn phế hàng đầu nhưng tỷ lệ rất ít trường hợp đột quỵ ở Việt Nam đến bệnh viện trong 6 giờ đầu là khoảng thời gian “vàng” để cứu sống người bệnh.
Có cung ắt có cầu, hiện nay có nhiều phương pháp được quảng cáo là phòng ngừa đột quỵ, trong đó có công nghệ lọc máu Nhật Bản, được quảng cáo là loại bỏ các độc tố trong máu, nhất là mỡ máu xấu, phòng ngừa đột quỵ.
Với vai có nhu cầu tìm hiểu về phương pháp này, phóng viên liên hệ với đơn vị cung cấp dịch vụ và được một tư vấn viên giải đáp rằng lọc máu công nghệ cao Nhật Bản sử dụng hệ thống hiện đại có thể giúp người bệnh loại bỏ mỡ máu xấu trực tiếp mà không cần dùng thuốc. Ngoài lọc thành phần mỡ máu xấu, còn lọc các thành phần gây viêm trong máu.
Nếu đang có bệnh lý mỡ máu thì đó là phương pháp phòng ngừa cục máu đông, xơ vừa phòng ngừa đột quỵ, tai biến và các bệnh lý tim mạch.
Khi được hỏi về chi phí, tư vấn này cho rằng, chi phí 120 triệu/lần lọc máu, nhưng hiện đang có chương trình giảm giá nên chỉ còn 96 triệu đồng.
Chương trình lọc máu này gần như không chống chỉ định cho bất cứ đối tượng nào do đó không cần phải trải qua bước tầm soát hay xét nghiệm máu. Trước khi lọc máu chỉ cần qua thăm khám lâm sàng, bác sĩ tư vấn là tiến hành luôn. Lọc xong có thể về ngay, không cần nghỉ dưỡng.
Để tăng thêm phần tin tưởng cho khách, tư vấn nhấn mạnh rằng đây là phương pháp thường niên của người Nhật, giúp loại bỏ tạp chất, nâng cao sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật.
Với người có bệnh lý về huyết áp cao, tim mạch, xơ vữa hay mỡ máu thì càng được khuyến khích nên dùng phương pháp lọc máu tiên tiến của Nhật Bản này. Chương trình lọc máu này được chứng minh độ an toàn, và hiệu quả tại Nhật bản hơn 30 năm.
Trước những lời quảng cáo có cánh nêu trên, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Nghiên cứu và Điều trị kỹ thuật cao, Viện Y sinh Nhiệt đới, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga cho biết, lọc mỡ máu qua cách thức lọc máy không có tác dụng trong phòng ngừa đột quỵ.
Về lâu dài, bệnh nhân bị mỡ máu cần dùng thuốc, thay đổi chế độ ăn, sinh hoạt khoa học. Lọc máu có thể giải quyết tạm thời, nhưng nếu ăn uống, chuyển hóa lại về nhịp cũ thì hoàn toàn không có ý nghĩa.
Hơn nữa, việc thực hiện lọc mỡ máu là một kỹ thuật chuyên sâu, cần các điều kiện kỹ thuật cao, thiết bị hiện đại, chuyên dụng. Bác sĩ thực hiện phải có chuyên ngành lọc máu ngoài cơ thể, được đào tạo chuyên sâu về hồi sức cấp cứu mới có thể thực hiện được.
Còn theo Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP.HCM, mỡ máu cao có thể dẫn đến đột quỵ hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Nếu chỉ mỡ máu cao nhưng người bệnh được phát hiện, điều trị kiểm soát nguy cơ kèm theo sẽ ít khả năng dẫn đến đột quỵ. Hiện nay, không có chỉ định lọc mỡ máu để điều trị dự phòng đột quỵ.
Chuyên gia cũng chỉ ra nguy cơ có thể xảy ra trong quá trình lọc máu, ví như người bệnh đang có dị tật, dị dạng mạch máu não, phình mạch máu não không được điều trị túi phình mà đi lọc máu, sẽ làm gia tăng xuất huyết não cho bệnh nhân, rất nguy hiểm.
Hoặc người bệnh có tình trạng hẹp động mạch nội sọ, thiếu máu lên não, khi lọc máu sẽ làm chậm đi vòng tuần hoàn máu của bệnh nhân, gây thiếu máu não, dân tới nguy cơ cao xảy ra đột quỵ trong khi lọc máu.
Tại Việt Nam, theo quy định của Bộ Y tế, bệnh nhân có chỉ định lọc máu khi chỉ số mỡ máu cao trên 11mmol/L kèm theo viêm tụy. Do vậy không phải cứ chỉ số cholesterol cao là lọc máu. Vì vậy, người dân không nên tin vào các quảng cáo, hay lạm dụng lọc mỡ máu sẽ rất nguy hiểm.