Mùa cắt lộc nhung hươu ở Hương Sơn thường bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 3 (âm lịch) nhưng rộ nhất là vào tháng 2. Những ngày này, từ làng trên xóm dưới không khó bắt gặp các thương lái cùng khách thập phương đến tham quan, trải nghiệm cắt nhung hươu đầu năm.
Đây là một con hươu của gia đình ông Nguyễn Hữu Mạnh ở thôn Cây Tắt, xã Sơn Tây, sở hữu cặp nhung nặng hơn 1,8 kg. “Riêng cặp nhung này nhiều người đến xem đều tấm tắc khen bởi có hình bàn tay phật, hỏi mua với giá 21,6 triệu đồng. Tính ra, mỗi lạng nhung hiện có giá từ 1,1 - 1,2 triệu đồng, cao hơn 2 giá so với thời điểm này năm trước. Mùa này tôi có 4 cặp nhung tương đương như thế” - ông Mạnh phấn khởi nói.
Ngoài nuôi hươu lấy lộc, ông Mạnh còn làm nghề dịch vụ cắt nhung hươu cho người dân trong xã. Ông Mạnh chia sẻ, dịp này đang vào mùa “hái lộc” nên thị trường mua bán khá nhộn nhịp. Hơn 10 ngày nay, ông cùng 2 người đi cắt nhung thuê, đồng thời mua nhung tươi về bán cho các khách hàng ở các tỉnh phía Nam.
Ngày “hái lộc” cũng là ngày vui nhất của các hộ dân chăn nuôi hươu vì sau những ngày chăm sóc, giờ là lúc thu về thành quả lao động. Điều vui hơn cả là giá nhung năm nay khá cao, nhờ vậy mà người chăn nuôi có thêm thu nhập.
Gia đình anh Phan Xuân Cảnh ở thôn Hoàng Nam, xã Sơn Tây cũng vừa có khách ở Nghệ An đặt cọc mua 5 cặp nhung trị giá 60 triệu đồng. Ít hôm nữa, những cặp nhung hươu này sẽ được cắt theo yêu cầu của khách. “Nuôi hươu chỉ là nghề “tay trái” nhưng mỗi năm đàn hươu 10 con cũng thu về cho gia đình gần 200 triệu đồng từ bán lộc nhung và hươu giống.” - anh Cảnh chia sẻ.
Theo khảo sát tại các xã ở Hương Sơn, năm nay, thị trường lộc nhung nhộn nhịp hơn. Ngay từ dịp trước tết Nguyên đán, khách hàng đã tìm mua khá đông. Theo người dân, thị trường tiêu thụ có nhiều khởi sắc là do sản phẩm nhung hươu được người dân, nhất là các cơ sở chế biến sản phẩm OCOP từ nhung hươu quảng bá rộng rãi trên các trang mạng xã hội, xúc tiến thương mại điện tử, giúp nhiều người biết đến sản phẩm địa phương.
Như gia đình anh Nguyễn Văn Thảo ở thôn 4 - xã Sơn Giang, sau khi giới thiệu nhung hươu trên Facebook, nhiều khách hàng ở Hà Nội đã tìm đến để xem “hàng”. Nhờ lựa chọn con giống tốt, chăm sóc kỹ lưỡng, đàn hươu 7 con của gia đình anh cho những cặp nhung đẹp, chất lượng, bán được giá cao.
Theo anh Thảo, dù chỉ mới đầu mùa nhưng gia đình đã thu về hơn 50 triệu đồng từ bán lộc nhung. Nếu so với năm trước thì giá nhung năm nay tăng hơn 5%. Ngoài ra, gia đình anh cũng đã bán được thêm 1 con hươu giống 25 triệu đồng.
Mỗi năm, đàn hươu sao Hương Sơn cho thu hoạch 2 lần lộc. Tính từ khi những lộc nhung hồng tơ nhô lên đẩy bung mảnh sừng do vết cắt cũ tạo nên đến khi thu hoạch khoảng 45 - 60 ngày. Để chất lượng nhung hươu đảm bảo, trước thu hoạch khoảng 1 tháng, người dân thường bổ sung lượng thức ăn tinh bột như ngô, lạc, khoai cho đàn hươu.
Nghề nuôi hươu đã đưa lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân huyện Hương Sơn, vì vậy, trong những năm gần đây, tổng lượng đàn hươu của huyện cũng tăng lên. Đến nay, toàn huyện có hơn 38.000 con hươu, chủ yếu tập trung tại xã Quang Diệm, Sơn Giang, Sơn Trung, Sơn Tây, Sơn Hàm… Những năm gần đây, sản lượng nhung hươu của huyện dao động từ 15 - 16 tấn, trị giá hơn 170 tỷ đồng.
Nhung hươu Hương Sơn đã khẳng định thương hiệu và ngày càng được khách hàng ưa chuộng. Không chỉ có công dụng bồi bổ sức khỏe, nhung hươu còn dùng để chữa nhiều bệnh lý, làm chậm lão hóa. Việc thị trường tiêu thụ ngày càng rộng mở, giá cả tăng lên đã giúp người chăn nuôi hươu phấn khởi, yên tâm đầu tư sản xuất. Đây cũng chính là cơ sở để huyện tiếp tục thực hiện các chính sách khuyến khích mở rộng chăn nuôi, đầu tư công nghệ chế biến nhung hươu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nông thôn.
Ông Phan Xuân Đức - Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn
Hữu Trung