Lộc Ninh chuyển mình từ niềm tin 'Ý Đảng, lòng dân'

Là huyện biên giới của tỉnh Bình Phước, Lộc Ninh ngày càng vươn mình lớn mạnh dần trở thành một đô thị vùng biên năng động. Trong hành trình đi lên ấy, cùng với sự quan tâm, đầu tư của tỉnh, huyện thì mỗi người dân vùng đất này cũng luôn ý thức, trách nhiệm góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh. Sự đồng lòng của người dân địa phương trong hành trình kiến tạo ấy được thể hiện rõ nét nhất nhìn từ chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trong hơn 15 năm qua.

Hàng trăm tỷ đồng huy động từ sức dân

Bắt đầu triển khai từ năm 2010, ngay sau phát động sự ủng hộ nguồn kinh phí, hiến đất, công trình, hoa màu…, chương trình xây dựng NTM ở Lộc Ninh được người dân nhiệt tình hưởng ứng. Trong 10 năm đầu tiên (2010 - 2019), tổng nguồn vận động được người dân đóng góp là gần 74 tỷ đồng. Con số nói trên vào thời điểm đó là khá lớn, bởi so với tổng mức đầu tư nguồn vốn chỉ hơn 532 tỷ đồng trong10 năm thì nhân dân đã đóng góp khoảng 15%. Đây là tỷ lệ khá cao so với mức đề ra ban đầu là 10%.

Đô thị vùng biên Lộc Ninh ngày một đổi mới

Đô thị vùng biên Lộc Ninh ngày một đổi mới

Trên tinh thần tích cực ủng hộ và đồng lòng từ người dân trong xây dựng NTM, 5 năm trở lại đây, mức đóng góp từ nhân dân ngày càng tăng. Cụ thể như năm 2023 đã có hơn 126,3 tỷ đồng nguồn vốn do nhân dân đóng góp. Ngoài tiền mặt, người dân còn hiến đất, nhà cửa, cây trồng và vật tư để phục vụ các công trình.

Nói về tinh thần đồng hành của người dân, ông Trần Thanh Quang, Bí thư Đảng ủy xã Lộc Điền, địa phương đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2022 nhìn nhận: “Để đạt chuẩn NTM nâng cao, xã Lộc Điền đã đón nhận sự chung tay, đồng lòng từ nhân dân rất lớn. Chỉ tính trong 3 năm gần nhất của chương trình này, ngoài việc đóng góp 400 triệu đồng bà con còn tự nguyện hiến đất, cây trồng, ngày công…, nếu tính ra giá trị cả tiền tỷ. Nhờ đó mà xã đã làm được 25 tuyến đường giao thông tưởng chừng rất khó thực hiện do vướng giải tỏa, đền bù trong điều kiện ngân sách hạn chế…”.

Đường làng ngõ xóm cũng ngày một thông thoáng, nhựa hóa từ chương trình NTM

Đường làng ngõ xóm cũng ngày một thông thoáng, nhựa hóa từ chương trình NTM

Chính đóng góp từ sức dân nên ngay từ ngày đầu triển khai chương trình xây dựng NTM, nhiều địa phương có điều kiện hết sức khó khăn, nhiều tiêu chí tưởng chừng không thể hoàn thành thì nay cũng đã về đích. Điển hình như Lộc Phú, một xã vùng sâu, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, cơ sở hạ tầng ban đầu yếu kém… thì cách đây 2 năm cũng đã hoàn thành chương trình xây dựng NTM. Nhờ chương trình này đời sống bà con nhân dân của xã Lộc Phú cũng trực tiếp được hưởng lợi.

Ông Điểu Khơ, người có uy tín ấp Bù Linh, xã Lộc Phú cho biết: “Trước đây, đồng bào trong ấp đa phần là hộ nghèo, đường đi lại rất khó khăn. Nhờ Nhà nước quan tâm đầu tư làm đường nhựa, bê tông xi măng, nhà văn hóa, xây nhà tình thương, hỗ trợ bò, dê giống, tạo điều kiện cho bà con tiếp cận vốn vay ưu đãi, ấp Bù Linh bây giờ đổi thay rất nhiều... Có được như hôm nay là nhờ chương trình NTM ở địa phương”.

Huyện biên giới “khoác áo mới”

Sau khoảng 15 năm triển khai chương trình xây dựng NTM, nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự tham gia đóng góp sức người, sức của từ nhân dân, đến nay thành quả đạt được của huyện biên giới Lộc Ninh hết sức ấn tượng. Hiện đã có 16/16 xã, thị trấn trong huyện đạt chuẩn NTM, trong đó có 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và thị trấn Lộc Ninh đạt chuẩn đô thị văn minh. Lộ trình dự kiến trong năm 2025 sẽ có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; phấn đấu năm 2026 tiếp tục thực hiện 2 xã nữa để đáp ứng toàn huyện có trên 50% xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Từ thành quả của xây dựng NTM, đến nay đời sống của nhân dân Lộc Ninh ngày một được nâng lên, giao thông kết nối dần hoàn thiện, các mô hình kinh tế cũng phát huy hiệu quả mang lại giá trị kinh tế cho nhiều hộ trên địa bàn. Nổi bật nhất là đến nay Lộc Ninh có 32 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3, 4 sao, từ đó đã tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Đây là kết quả có được từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, qua đó không những giúp tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà còn trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của huyện biên giới Lộc Ninh.

Cũng từ NTM, nhiều mô hình nông nghiệp ở Lộc Ninh giúp người dân nâng cao thu nhập

Cũng từ NTM, nhiều mô hình nông nghiệp ở Lộc Ninh giúp người dân nâng cao thu nhập

Chương trình xây dựng NTM ở huyện biên giới Lộc Ninh luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Bình Phước

Chương trình xây dựng NTM ở huyện biên giới Lộc Ninh luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Bình Phước

Chia sẻ về niềm vui từ chương trình xây dựng NTM, ông Hồ Quang Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Để có thành quả nói trên ngoài sự chỉ đạo, tạo điều kiện của tỉnh, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong huyện thì vai trò của người dân là rất lớn thông qua việc bà con tự nguyện đóng góp tiền, ngày công, hiến đất, vật tư, hoa màu... Từ thành công của chương trình xây dựng NTM đã giúp huyện biên giới Lộc Ninh như được khoác lên mình chiếc áo mới, khang trang, hiện đại hơn.

Đến nay, sau 53 năm giải phóng, Lộc Ninh đã “thay da đổi thịt” bằng sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và nhân dân. Trong tất cả trái ngọt gặt hái được để vùng đất Lộc Ninh phát triển như hôm nay, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM chắc chắn là một thành quả mà nhân dân của huyện biên giới này lấy làm tự hào. Đó cũng là chương trình thể hiện một cách đậm nét nhất “Ý Đảng, lòng dân”.

Nguyễn Tấn

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/171156/loc-ninh-chuyen-minh-tu-niem-tin-y-dang-long-dan