'Lộc' rừng Trung Sơn

Khi những cơn mưa đầu mùa hạ trút xuống cũng là lúc báo hiệu mùa măng nứa bắt đầu nảy nở trên những khu rừng xanh thẳm của vùng sơn cước xã Trung Sơn, huyện Yên Lập. Bụi nứa già bật lên những mầm măng tràn đầy sức sống,...

Mỗi mùa măng về, chị Giàng Thị Dung lại cặm cụi lên rừng bẻ măng.

(baophutho.vn) - Khi những cơn mưa đầu mùa hạ trút xuống cũng là lúc báo hiệu mùa măng nứa bắt đầu nảy nở trên những khu rừng xanh thẳm của vùng sơn cước xã Trung Sơn, huyện Yên Lập. Bụi nứa già bật lên những mầm măng tràn đầy sức sống, đồng bào dân tộc Mông lại nhộn nhịp với một mùa mưu sinh - “mùa hái lộc rừng”. Vất vả băng rừng, lội suối, từ sáng sớm tinh mơ với chiếc gùi trên lưng cùng con dao quắm, hành trình “săn tìm” những ngọn măng non thấm đẫm những giọt mồ hôi mặn đắng, thường trực hiểm nguy giữa núi rừng hiểm trở.

6 giờ sáng, những tia nắng nhẹ bắt đầu xiên qua khe lá chiếu xuống căn nhà bé nhỏ, cũ kỹ sát ngay điểm trường tiểu học khu Nhồi của gia đình chị Giàng Thị Dung, cũng là lúc chị cùng hai con đang được nghỉ hè bắt đầu hành trình lên rừng bẻ măng. Với trang bị duy nhất để đảm bảo an toàn là đôi ủng và những chiếc áo dài tay tránh muỗi, vắt,…
Rời khỏi nhà chừng 30 phút, len qua lối mòn, những mỏm đá phủ đầy rêu vẫn còn ẩm ướt thì đến khu rừng với những bụi nứa rậm rạp chênh vênh trên sườn núi, kề cận bên vực thẳm bao trùm bởi những ngọn cây cổ thụ xanh thẫm hun hút tầm mắt. Những bụi nứa rừng đâm sâu vào lòng đất hút chất dinh dưỡng, nhờ đất rừng mà từng ngày lớn lên. Mùa khô những cây nứa trông xơ xác, nhưng khi mùa mưa đến, lại xanh um như được khoác một chiếc áo mới. Những búp măng từ trong lòng đất cứ thế đua nhau nhô lên khỏi mặt đất dần dần trở thành đặc sản của miền sơn cước Trung Sơn.Nhanh mắt nhận thấy ẩn dưới thảm mục khô phủ kín khóm nứa là những ngọn măng non mới mọc, hai đứa con chị Dung là cháu Lý Thị Vân học lớp 3 và Lý Thị Dợ học lớp 1 đều đang theo học tại điểm trường khu Nhồi, Trường tiểu học Trung Sơn B nhanh tay bới và bẻ ngọn măng non, bóc vỏ rồi thả vào gùi sau lưng.

Hai cháu nhỏ Lý Thị Vân và Lý Thị Dợ đã thuần thục leo rừng cùng mẹ.
Tuổi thiếu nhi, ngày hè là khoảng thời gian được vui chơi, nô đùa thế nhưng ở vùng sơn cước này, ngay từ nhỏ các em đã biết phụ giúp gia đình những công việc nhà, chăn nuôi... Nhìn đôi chân nhỏ bé sải bước lên núi, đôi tay thoăn thoắt bẻ măng, quần áo lấm lem bùn đất, những giọt mồ hôi lăn dài trên má mới thấy được sự chăm chỉ, chịu khó ngay từ thuở bé của người Mông ở đây.
Chăm chỉ, vất vả là vậy nhưng cuộc sống đồng bào vẫn còn nhiều khó khăn, phải lo từng bữa cơm qua ngày chứ chưa thể dư giả, có của ăn của để. Cuộc sống chủ yếu dựa vào rừng, đa số các gia đình chỉ trông chờ vào 1-2ha rừng quế với chu kỳ thu hoạch từ 5-7 năm, đàn ông thì đi lao động xa, phụ nữ ở nhà ngoài chăn nuôi số lượng ít gia súc, gia cầm thì mùa măng hàng năm luôn là thời gian được các gia đình ngóng chờ nhất để cải thiện cuộc sống gia đình.Nếu như măng nứa trước đây bán với giá rất rẻ, thu nhập mang lại không đáng kể thì nay có giá gấp 4, 5 lần do người tiêu dùng miền xuôi rất chuộng bởi măng được mọc tự nhiên, không sử dụng các loại hóa chất để bảo quản.Vừa bẻ, vừa bóc măng chị Giàng Thị Dung chia sẻ: “Măng nứa Trung Sơn mọc tự nhiên trong rừng, thời điểm thu hoạch nhiều măng nhất là khoảng tháng bảy, tháng tám. Nhà nào đông người đi bẻ mỗi ngày có thể thu về cả tạ măng tươi. Nhưng cũng vất vả lắm, mỗi chuyến vào rừng hái măng, nhiều khi gặp mưa trơn trượt, bụi gai, gốc nứa cứa làm chân tay bị cào xước, chảy máu. Càng vào rừng sâu, ẩm ướt, vắt càng nhiều, bám vào chân người hút máu. Gùi măng nặng nên hôm nào đi về đến nhà thì người cũng mệt rã rời”.12 giờ trưa, 2 gùi măng đã đầy, ba mẹ con chị Dung lại xuống núi, về nhà. Cái nắng của ngày hè oi ả như làm cho đôi vai của chị Dung và đứa con lớn Lý Thị Vân như nặng hơn. Đường lên đã khó, đường xuống còn vất vả hơn nhiều. Dốc dựng đứng, nên từng bước đi của ba mẹ con cũng phải chậm dãi và cẩn thận hơn. Đường về đi ngang qua con suối, cũng là lúc ba mẹ con tranh thủ nghỉ ngơi và rửa sạch măng khỏi bùn đất, ráo nước để mang về nhà. Về đến hiên nhà mặt ai trông cũng mệt nhoài sau chuyến đi rừng, đứa út Lý Thị Dợ nhanh tay dọn mâm cơm đạm bạc vài miếng thịt rang, rau muống, dưa cà để ba mẹ con cùng bà nội lót dạ qua trưa. Để mẻ măng được ngon nhất, cơm xong bát đũa chưa kịp rửa, 2 đứa con chị Dung lại bắc nồi luộc, rồi ngâm nước để măng bảo quản được lâu ngày hơn.

Măng tươi được cho vào nồi luộc ngay khi xuống núi.Trước đây, khi cuộc sống còn nhiều khó khăn, măng rừng là món ăn phổ biến trong bữa cơm hàng ngày của người dân nơi đây mùa giáp hạt. Giờ măng nứa đã trở thành đặc sản được nhiều người ưa chuộng. Đây cũng là mặt hàng được trao đổi mua bán trên thị trường mang lại thu nhập thời vụ cho người dân miền núi mỗi khi vào mùa. Nếu như trước đây chủ yếu là những thương lái ở Yên Bái, thị trấn Yên Lập lên thu mua, với lý do giao thông cách trở nên họ thường “ép” giá, nhưng nay người Mông không chỉ bán măng tươi mà họ đã biết cách làm măng khô giúp giá trị kinh tế của măng nứa Trung Sơn được nâng cao hơn rất nhiều. Vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán, giá măng khô có thể lên đến 350 nghìn đồng/kg và thường xuyên trong tình trạng cháy hàng. Không thể làm giàu và phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt bởi những nhọc nhằn, hiểm nguy nhưng măng nứa vẫn là món quà quý, “lộc” rừng trao tặng cho người dân Trung Sơn mỗi năm…

Đức Hoàng

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/202108/%E2%80%9Cloc%E2%80%9D-rung-trung-son-178796