Lộc Trời mở công ty con bán phế liệu
Lộc Trời vừa thành lập CTCP Vật tư Nông nghiệp Lộc Trời có vốn điều lệ 55 tỷ đồng. Trong đó, tập đoàn nông nghiệp này góp 41,25 tỷ đồng, chiếm 75% vốn điều lệ.
CTCP Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) vừa công bố nghị quyết HĐQT về việc góp vốn thành lập CTCP Vật tư Nông nghiệp Lộc Trời.
Theo đó, Lộc Trời và 3 công ty con là CTCP Nông sản Lộc Trời, Công ty TNHH Dịch vụ Nông nghiệp Lộc Trời và Viện nghiên cứu Nông nghiệp Lộc Trời sẽ cùng góp vốn thành lập CTCP Vật tư Nông nghiệp Lộc Trời.
Doanh nghiệp mới này có vốn điều lệ 55 tỷ đồng. Trong đó, Lộc Trời góp 41,25 tỷ đồng, chiếm 75% vốn điều lệ. Nông sản Lộc Trời và Dịch vụ Nông nghiệp Lộc Trời mỗi bên góp 5,5 tỷ đồng (chiếm 10%). Còn Viện nghiên cứu Nông nghiệp Lộc Trời góp 2,75 tỷ đồng, chiếm 5% còn lại.
Vật tư Nông nghiệp Lộc Trời có địa chỉ trụ sở tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, hoạt động kinh doanh chính là bán buôn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất khác sử dụng trong nông nghiệp; bán buôn phế liệu, phế thải kim loại, phi kim loại; bán buôn bao bì các loại...
Theo báo cáo tài chính, tại ngày 31/3, Lộc Trời có 22 công ty con và 5 công ty liên kết, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất và bán buôn gạo, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp...
Trong quý I, Lộc Trời ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 3.800 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ. Xét theo cơ cấu, lương thực - lúa gạo là mảng đóng góp tới 85% tổng doanh thu, đạt gần 3.300 tỷ đồng, nhưng biên lãi gộp chỉ đạt 3,6%. Trong khi mảng mang lại lợi nhuận chính cho Lộc Trời với biên lãi gộp hơn 32% là thuốc bảo vệ thực vật.
Do lỗ chênh lệch tỷ giá khiến chi phí tài chính tăng cao, Lộc Trời lỗ ròng gần 97 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm, tăng hơn số lỗ 81 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023.
Thời gian gần đây, Lộc Trời vướng vào các khoản nợ tiền mua lúa của nông dân trên địa bàn tỉnh An Giang và một số địa phương khác ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Đến ngày 20/5, Lộc Trời cho biết đã phối hợp với Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) hoàn tất việc thanh toán toàn bộ số tiền thu mua lúa còn thiếu.
Lộc Trời lý giải việc chậm trễ trong thanh toán là do một số biến động khách quan từ các khách mua gạo và ngân hàng. "Dù đã chủ động thu xếp dòng tiền với các đối tác, thậm chí chấp nhận bán lúa khô với giá thấp để ưu tiên khoản chi trả tiền lúa nhưng vẫn có khoảng lệch về thời gian thanh toán, ảnh hưởng đến bà con nông dân", doanh nghiệp thừa nhận.
Nguồn Znews: https://znews.vn/loc-troi-mo-cong-ty-con-ban-phe-lieu-post1482041.html