Lộc trời từ những mỏm đá nơi bãi sông
Những ngày này, ai đi dọc con đường ven sông ở thôn Xuân Mỹ, xã Đông Sơn, sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ trùm kín người giữa cái nắng chói chang đang lom khom, tay cầm búa, tay cầm đục đập gõ lốc cốc để cạy từng con hàu nhỏ bám chặt vào mỏm đá. Công việc tuy có phần vất vả nhưng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều phụ nữ nơi đây.
Ở vùng quê Xuân Mỹ, phần lớn người làm nghề đục hàu là những phụ nữ trung niên, cao tuổi. Mỗi ngày, họ cứ như hẹn trước với con nước, khi thủy triều bắt đầu rút, có hôm từ giữa trưa, có hôm tận xế chiều, từng nhóm người lại í ới rủ nhau ra bãi sông để bắt đầu công việc mưu sinh quen thuộc.
Cứ thế, ngày qua ngày, mùa nối mùa, tiếng búa lốc cốc gõ vào mỏm đá cứ vang vọng như một bản hòa âm thô mộc ngân lên giữa cái nắng gió của cuộc đời.

Những người phụ nữ thôn Xuân Mỹ, xã Đông Sơn, mưu sinh bằng nghề đục hàu mỗi khi con nước rút.
Tôi theo chân bà Nguyễn Bính (65 tuổi), một trong những người phụ nữ làm nghề đục hàu lâu năm nhất ở vùng này. Vóc dáng nhỏ nhắn, nước da rám nắng, bà Bính nhanh nhẹn dẫn tôi men theo con đường mòn nhỏ dẫn ra bãi sông.
Bà vừa đi, vừa quay lại dặn dò, “đi ra mấy chỗ này thì nhớ mang theo đôi ủng nghen con, không là mình mẩy dơ òm. Mà đi thì men theo dòng nước chảy, chỗ đó ít lún chớ không biết bước trật là lún tới đầu gối kéo chân lên không nổi đâu”.
Bà Bính kể, tôi theo chồng về đây làm dâu từ năm 23 tuổi. Khi mới về, thấy người ta đi đục hàu cũng tò mò nhưng còn rụt rè, chỉ dám ngồi nhìn, thầm nghĩ không biết mình có làm được hay không. Ít lâu sau, được chị em rủ rê nên tôi cũng tập tành làm theo. Những buổi đầu tay chân cứ lóng ngóng không biết đục sao cho đúng, nhưng rồi thời gian cứ trôi qua, tôi dần quen với công việc. Vậy mà ngót nghét cũng đã hơn 40 năm.
Không chỉ biết đục hàu, giờ đây bà Bính còn biết cách canh lúc nào con nước rút, cả cách nhận biết chỗ nào hàu thường bám nhiều, con nào còn tươi, con nào đã bị nắng khô.
“Lúc mới làm thì chậm, vụng về lắm, đục được một con hàu cũng phải mất mấy phút. Nhưng làm riết rồi cũng có kinh nghiệm, thành cái nghề lúc nào không hay luôn”, bà Bính cười hiền nói như thể đang nhìn lại cả quãng đời gắn bó với con nước, với mỏm đá và những mùa hàu bội thu.


Những con hàu bám chặt vào mỏm đá.
Dụng cụ "hành nghề" cũng đơn giản, chỉ cần búa, cái đục bằng sắt, đôi găng tay và chiếc giỏ đựng là được. Nhìn vậy nhưng để đục được hàu cũng không dễ. Nghề này đòi hỏi người làm cần phải có kinh nghiệm, biết quan sát để đặt cái đục sao cho đúng điểm, canh lực búa vừa đủ để hàu bung ra không bị nát ruột. Người quen tay chỉ cần vài nhịp búa là con hàu đã rơi ra gọn ghẽ, nhưng người mới thì dễ đập trượt, thậm chí đập trúng tay.
“Hàu có quanh năm, làm nghề này không cần vốn, chỉ cần chịu khó thôi. Hôm nào thời tiết tốt, nước rút sớm thì mỗi người đục cũng được gần 3kg ruột hàu, bán được khoảng hơn 300 nghìn đồng, tùy theo mùa, có ngày nhiều hơn nữa”, bà Bính nói.
Hàu sau khi đục về chưa thể mang ra chợ bán ngay. Đằng sau những chiếc giỏ đầy ắp vỏ hàu còn một công đoạn cũng vất vả không kém, đó là khâu tách vỏ và làm sạch để lấy phần ruột bên trong.
Công việc tưởng chừng như đơn giản ấy lại đòi hỏi sự kiên nhẫn, khéo léo và cả kinh nghiệm dày dặn, bởi chỉ cần sơ ý một chút là đôi bàn tay quen việc cũng có thể rớm máu.


Hàu sau khi rửa sạch sẽ được mang về nhà tách vỏ lấy phần ruột.
Những người đã gắn bó lâu năm với nghề thường có “bí quyết” riêng. Người thì dùng dao lách nhẹ vào khe hở giữa hai mảnh vỏ, xoay một cách khéo léo để lớp vỏ bật ra mà phần ruột vẫn còn nguyên vẹn.
Một số khác lại chọn cách dùng búa đập nát phần vỏ cứng, sau đó lọc kỹ từng mảnh vỏ vụn dính vào phần ruột hàu rồi mang đi rửa sạch. Thế mới thấy, dù làm theo cách nào thì khâu này cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ.
“Để có một kí lô gam ruột hàu sạch cần cả trăm con hàu vỏ. Mà hàu sông ngon hơn hàu biển, thịt nó ngọt và chắc hơn nhiều”, bà Nguyễn Năm (63 tuổi) chia sẻ.
Sau khi phần ruột hàu đã được làm sạch, người dân thường sẽ mang ra chợ để bán lẻ. Tùy theo mùa và chất lượng hàu mà giá dao động từ 100 - 120 nghìn đồng/kg.
Những con hàu khô khốc, bám riết vào mỏm đá sông qua năm tháng lại trở thành “quà tặng” giúp nhiều gia đình nơi đây vượt qua bao thăng trầm. Có lẽ vậy mà, giữa cái nhọc nhằn của cuộc mưu sinh, trong mắt người đục hàu vẫn ánh lên niềm vui, thứ niềm vui mộc mạc mà lớn lao khi những số tiền nhỏ gom góp từ giỏ hàu có thể nuôi sống cả gia đình, lo cho con cái ăn học nên người...
Bài, ảnh: ÁI VY
Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/loc-troi-tu-nhung-mom-da-noi-bai-song-54778.htm