Local brand Việt cho Gen Z - mỗi thương hiệu một giá, lúc đẹp lúc xấu
Những chiếc áo local brand Việt ở phân khúc cao cấp có thể lên tới hàng chục triệu đồng. Song, ở những local brand hướng đến giới trẻ, những chiếc áo 500.000 đồng được chuộng.
Local brand được dùng để chỉ các thương hiệu địa phương. Việc nhãn hàng có quy trình tự thiết kế, sản xuất... là yếu tố đánh giá thương hiệu có phải local brand hay không.
Các thiết kế từ local brand Việt Nam, hướng đến đa dạng đối tượng khách hàng. Những local brand cao cấp có thể lên tới hàng chục triệu đồng một sản phẩm, hướng đến khách hàng có điều kiện. Trong khi những local brand hướng đến người trẻ tuổi có mức giá thấp hơn.
Tuy nhiên, nhiều người trẻ cho biết mức giá local brand Việt cho lứa tuổi của họ cũng đang tăng cao. Điều này khiến khách hàng trẻ có phần lo ngại, trong đó sinh viên chiếm lượng lớn.
Gen Z chuộng áo 500.000 đồng nhưng "lúc đẹp lúc không"
Phạm Thúy Vy, sinh viên năm 2 trường Đại học Công nghiệp TP.HCM phải chi 499.000 đồng cho mẫu áo phông từ local brand. Chia sẻ với Zing, Thúy Vy cho biết mức giá 499.000 đồng là khá đắt so với sinh viên. Tuy nhiên, cô vẫn quyết định mua vì sản phẩm có chất vải dày dặn, lên phom chuẩn. Ngoài ra, những yếu tố như màu sắc hợp xu hướng, kiểu dáng đơn giản... giúp sản phẩm thêm phần thu hút.
Bỏ ra 499.000 cho một mẫu áo phông từ Eleven, Trường Long (22 tuổi, người mẫu tự do ở Hà Nội), nhận thấy sản phẩm đắt hơn so với các thương hiệu khác.
"Tôi thấy chất vải khá ổn, màu sắc basic. Sau thời gian sử dụng, phom áo vẫn tốt. Nếu giặt tay, hạn chế giặt máy thì sẽ ổn", Trường Long chia sẻ.
Cùng sản phẩm áo phông, chất liệu, kiểu dáng gần như không khác biệt, nhiều local brand Việt cho giới trẻ khác bán với giá 350-390.000 đồng.
Theo khảo sát của Zing, thương hiệu Degrey bán các mẫu áo phông, áo polo với giá 240-350.000 đồng. Trong khi đó, cùng 2 sản phẩm này, nhãn hàng Hades hiện để giá 390-490.000 đồng. Thương hiệu Tobi bán các mẫu áo với giá 390-420.000 đồng. Dirty Coins có giá áo phông tương tự Tobi.
Nguyễn Minh Khôi, sinh viên năm nhất Đại học Thủy Lợi Hà Nội, thường mua áo phông của Levents. Các mẫu áo từ thương hiệu này có giá khoảng 300-420.000 đồng. Minh Khôi cho biết anh mua vì thấy mẫu mã đẹp, chất lượng khá tốt.
"Sau thời gian dài sử dụng, tôi thấy các sản phẩm không bị xù lông, giãn hay sờn màu. Chất lượng xứng với giá tiền", Minh Khôi nói.
Tuy nhiên, Minh Khôi không còn mua đồ từ local brand thường xuyên do giá thành khá cao và "không có chuẩn nào hết".
Một số thương hiệu quá mới, giá trị thương hiệu không cao, còn xa lạ với người dùng nhưng đã bán ở mức giá cao.
Bùi Khánh Linh, sinh viên năm 4 Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chi 350.000 đồng cho áo phông từ thương hiệu SLY. Cô cho biết tùy từng đợt mua, chất liệu áo "lúc đẹp lúc không".
Thời điểm mua áo, Khánh Linh nhận thấy các sản phẩm có mẫu mã cá tính, phom rộng dễ mặc. Hiện tại, cô đã dừng mua đồ của nhãn hàng này do mức giá cao, sản phẩm không còn hợp phong cách. Các mẫu áo cũ được Khánh Linh mặc ở nhà. Sau 3 năm sử dụng, Khánh Linh nhận thấy phần cổ áo bị dão nhưng vẫn dùng được.
Lý do giới trẻ ủng hộ local brand Việt dù còn băn khoăn
Các local brand có nhiều khách hàng là sinh viên. Tuy nhiên, mức giá cho những sản phẩm như áo phông, áo polo... bị khách hàng đánh giá là khá cao. Đồng thời, cùng là sản phẩm áo phông, mỗi thương hiệu sẽ có giá khác nhau do sự khác biệt về màu sắc, chất liệu hoặc kiểu dáng.
Xung quanh Thúy Vy, Minh Khôi có nhiều bạn bè cũng đang mặc đồ từ local brand. Cô và các bạn biết đến những thương hiệu này nhờ video review quần áo và quảng cáo trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, những người trẻ đang là nhóm khách hàng tiềm năng của local brand.
Chia sẻ với Zing, Tô Chu (người sáng lập local brand Blanke) cho biết theo thống kê từ số liệu trên các nền tảng, nhóm khách hàng tiềm năng của thương hiệu nằm trong độ tuổi từ 24 đến 28 tuổi. Bên cạnh đó, những người trong độ tuổi 25-35 tuổi quan tâm đến sản phẩm từ thương hiệu.
Các sản phẩm của Tô Chu có kiểu dáng hiện đại và hướng đến nhóm khách hàng chỉn chu trong việc ăn mặc. Trong khi đó, dựa vào thống kê về độ tuổi khách hàng tiềm năng, Tô Chu sẽ cân nhắc cho ra mắt các sản phẩm phù hợp.
So với mức giá, chất lượng vải của các sản phẩm thuộc local brand từng là chủ đề gây tranh cãi. Nhiều reviewer cho rằng một số mẫu áo có giá quá đắt so với chất lượng. Trong khi đó, các khách hàng trẻ tuổi nhận thấy chất lượng khá ổn.
Trước việc nhiều người có ý kiến trái chiều về chất lượng vải của các local brand, anh Tô Chu cho biết: "Khâu chọn vải để đưa vào sản xuất là công đoạn đau đầu nhất. Có thể vải có chất lượng tốt nhưng không hợp với thiết kế. Tôi sẵn sàng sản xuất vải riêng để có thể tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh nhất".
Tô Chu khẳng định anh định hướng giá trị thương hiệu ngay từ đầu. Các sản phẩm sẽ chú trọng chất lượng. Cụ thể, những yếu tố như hình ảnh thương hiệu, chăm sóc khách hàng, các chương trình bán hàng đặc biệt... được Tô Chú coi trọng.
"Tôi nghĩ những điều này sẽ đủ để khách hàng nhận diện được thương hiệu cũng như điểm khác biệt với những local brand khác. Đồng thời, luôn lắng nghe khách hàng để cập nhật cũng như nâng cấp trải nghiệm là yếu tố quan trọng", Tô Chu nói.
Có thể thấy người trẻ ngày càng ủng hộ local brand Việt, đặc biệt là những local brand hướng đến giới trẻ. Ngay cả những nghệ sĩ trẻ, đặc biệt là giới hip-hop cũng thường xuyên diện đồ local brand Việt. Tuy nhiên, mức giá bất ổn là điểm nhiều người đang lo ngại.
Ngoài ra, một số local brand cho giới trẻ cũng bị phàn nàn về quy trình sáng tạo chưa rõ ràng và thiếu chuyên nghiệp. Trong khi loạt local brand cao cấp ngày càng cải thiện về quy trình, thị trường local brand cho giới trẻ đôi khi cho cảm giác đang "ngày càng loạn hơn".