Lockheed Martin hoàn tất thương vụ C-130J cho Pháp

Không quân Pháp (Armeé de l'air) đã nhận chiếc máy bay vận tải chiến thuật-tiếp dầu trên không KC-130J Super Hercules thứ hai và cũng là cuối cùng trong hợp đồng với nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin của Mỹ.

Lễ bàn giao diễn ra tại cơ sở sản xuất của Lockheed Martin ở thành phố Marietta, bang Georgia, Mỹ.

Năm 2015, Bộ Quốc phòng Pháp và Lockheed Martin đạt được thỏa thuận sản xuất 4 máy bay thuộc dòng C-130 Hercules đời mới, bao gồm 2 máy bay KC-130J Super Hercules và 2 máy bay vận tải đơn thuần C-130J-30 Super Hercules. Không quân Pháp đã nhận 3 chiếc trong giai đoạn 2017-2019.

 Máy bay KC-130J Super Hercules thứ hai của Không quân Pháp.

Máy bay KC-130J Super Hercules thứ hai của Không quân Pháp.

Toàn bộ số máy bay KC-130J Super Hercules và C-130J Super Hercules này sẽ được triển khai hoạt động song song với phi đội máy bay vận tải C-130H Hercules đang có trong biên chế Không quân Pháp.

Phó chủ tịch Lockheed Martin, ông Rod McLean, khẳng định dòng máy bay C-130 từ lâu đã chứng minh được năng lực trong không chỉ Không quân Pháp mà còn nhiều lực lượng quốc phòng của các nước trên thế giới. Các máy bay KC-130J Super Hercules và C-130J Super Hercules sẽ tiếp tục mở rộng khả năng thực hiện nhiệm vụ của Không quân Pháp trong thời gian tới.

 Đại diện Không quân Pháp nhận bàn giao máy bay KC-130J Super Hercules thứ hai.

Đại diện Không quân Pháp nhận bàn giao máy bay KC-130J Super Hercules thứ hai.

C130J Super Hercules là phiên bản quân sự hiện đại nhất được phát triển trên cơ sở của dòng máy bay vận tải quân sự C-130 Hercules. Được trang bị 4 động cơ cánh quạt Rolls-Royce AE 2100D3 công suất 4.637 mã lực mỗi chiếc, máy bay đạt tốc độ tối đa 671km/h, tầm hoạt động 3.334km, trần bay 12.300m.

Thông số kỹ thuật cơ bản của C-130J Super Hercules: Kíp lái 3 người; chiều dài 29,8m; sải cánh 40,4 m; chiều cao 11,8m; trọng lượng rỗng 34.274kg, trọng lượng cất cánh tối đa 70.305kg; tải trọng lớn nhất 20.000kg hoặc 92 binh sĩ.

 Dây chuyền sản xuất máy bay C-130J Super Hercules của Lockheed Martin.

Dây chuyền sản xuất máy bay C-130J Super Hercules của Lockheed Martin.

Đặc biệt, phần thân của dòng C-130 Hercules có khả năng tùy biến khá linh hoạt giúp đáp ứng được nhiều vai trò bao gồm máy bay yểm trợ hỏa lực hạng nặng, tìm kiếm cứu hộ, nghiên cứu thời tiết, tiếp dầu trên không, trinh sát, cứu hỏa... Trong đó, KC-130J Super Hercules có khả năng tiếp dầu trên không cho máy bay chiến đấu, máy bay vận tải hạng nhẹ và trực thăng.

Dòng máy bay C-130 Hercules được quân đội Mỹ đưa vào sử dụng hồi những năm 50 của thế kỷ trước. Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, chúng có tuổi đời sử dụng lâu dài nhất trong các máy bay quân sự của Mỹ. Hiện nay, hãng Lockheed Martin đã cho ra mắt nhiều phiên bản nâng cấp của C-130 Hercules nhằm đáp ứng nhu cầu của quân đội Mỹ cũng như khách hàng trên thế giới.

Clip giới thiệu về máy bay C-130J Super Hercules.

Tính đến nay, máy bay C-130 Hercules các phiên bản đang phục vụ trong quân đội Mỹ cùng các nước đồng minh, đối tác của Mỹ như Australia, Bahrain, Canada, Anh, Đan Mạch, Qatar, Hàn Quốc...

Trước khi ký hợp đồng với hãng Lockheed Martin, Pháp đã đặt hàng mua máy bay vận tải A400M của hãng Airbus. Tuy nhiên, chi phí hoạt động cao kèm theo nhiều lần Airbus lỡ hẹn giao hàng, đặc biệt là vụ tai nạn máy bay A400M tại Tây Ban Nha hồi tháng 5-2015, đã khiến Paris chuyển hướng sang các nhà cung cấp tiềm năng khác, trong đó có Lockheed Martin.

PHẠM HUY (theo Air Recognition)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/lockheed-martin-hoan-tat-thuong-vu-c-130j-cho-phap-610019