Logistics mắt xích để phát triển thương mại điện tử
Những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang thực sự bùng nổ và tạo ra xu hướng mới trong kinh doanh. Tuy nhiên, việc TMĐT phát triển cũng không thể hoàn toàn loại bỏ các dịch vụ logistics (vận chuyển truyền thống, dự trữ hàng hóa, kiểm soát…). Vai trò logistics với TMĐT quan trọng là vậy, thế nhưng, hiện dịch vụ này đang cho thấy sự yếu kém, thiếu liên kết.
Rào cản vẫn là chi phí
Đánh giá về vai trò của logistics với sự phát triển của kinh tế Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực TMĐT, tại Hội thảo “Logistics và Thương mại điện tử: Đồng hành để cùng phát triển”, các chuyên gia kinh tế khẳng định vai trò quan trọng của logistics trong sự phát triển tổng thể của kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện ở Việt Nam các doanh nghiệp logistics vẫn chỉ ở quy mô vừa và nhỏ, phát triển chưa thực sự tương xứng với kỳ vọng, cũng như nhu cầu đặt ra đối với sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT.
Tiềm năng phát triển là vậy, nhưng với quy mô như hiện nay có thể thấy, dịch vụ logistics ở Việt Nam vẫn đang rất yếu và thiếu. Vậy rào cản nào khiến logistics ở chưa thực sự phát triển?. Chia sẻ về vấn đề này, ông Vũ Đức Thịnh - Giám đốc Công ty Lazada Express cho biết, TMĐT đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới và mang lại doanh thu rất cao cho các doanh nghiệp, đồng thời tạo ra cơ hội vận chuyển lớn cho dịch vụ logistics để phát triển thị trường.
Tuy nhiên, với việc chi phí dịch vụ quá cao (chi phí logistics ở Việt Nam đang chiếm 30% doanh thu TMĐT) trong khi năng lực, dịch vụ cung cấp hạn chế, chưa đa dạng, chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trong việc đảm bảo chất lượng, thời gian giao hàng… chính là điểm yếu của logistics Việt Nam.
Chị Hà Uyên ở Khương Trung (Thanh Xuân) chia sẻ, là một người thường xuyên mua bán qua mạng, thế nhưng việc đặt hàng và nhận hàng đôi khi cũng phải mất đến vài ngày, đó là chưa kể đôi khi sản phẩm nhận được không giống như những gì được đăng tải trên các trang TMĐT.
“Với tính chất và hình thức kinh doanh qua mạng như hiện nay, sự cố là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, để tạo được niềm tin với người tiêu dùng, thì chất lượng sản phẩm cần phải được bảo đảm đúng như quảng cáo. Theo tôi, niềm tin phải được tạo dựng từ chất lượng hàng hóa, thời gian giao hàng chính xác, chất lượng phục vụ vận chuyển…”, chị Uyên cho hay.
Cũng đề cập đến vấn đề hạn chế của logistics, tại Hội thảo các chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân khiến logistics phát triển chậm là do chi phí cao. Bởi lẽ, hiện nay hàng hóa ở Việt Nam được vận chuyển chủ yếu bằng đường bộ (chiếm 90%), trong khi đó, chi phí đường bộ lại đang ở mức rất cao và nó phản ánh đúng thực trạng về bức tranh vận tải ở Việt Nam đó là, thiếu liên kết và rời rạc.
Bên cạnh đó, những khó khăn tác động đến sự phát triển của hai lĩnh vực logistics và TMĐT hiện nay cũng được các chuyên gia đề cập đó là môi trường pháp lý – cơ sở hạ tầng và thị trường – nguồn nhân lực.
Đẩy mạnh liên kết
Nhằm hạn chế các điểm yếu của logistics đáp ứng nhu cầu của TMĐT, theo các chuyên gia kinh tế, cần nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách xây dựng các chuỗi dịch vụ khép kín. Theo ông Đào Trọng Khoa – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam, hiện nay các doanh nghiệp logistics ở trong nước đưa ra các dịch vụ chủ yếu cạnh tranh về giá, mà chưa có các chương trình, dịch vụ nhằm tạo sự khác biệt.
Do đó, các doanh nghiệp logistics cần phải biết liên kết lại với nhau, tận dụng được thế mạnh của nhau để tạo ra một hệ thống các dịch vụ khép kín nhằm cạnh tranh tốt với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. “Để phát triển về lâu về dài và theo hướng chuyên nghiệp, liên kết là giải pháp duy nhất để các doanh nghiệp TMĐT và logistics cần phải xây dựng”, ông Khoa nhấn mạnh.
Đề cập vấn đề trên đại diện Bộ Công Thương khẳng định, TMĐT muốn phát triển thì không thể thiếu dịch vụ logistics. Tuy nhiên, thời gian qua, sự phát triển của TMĐT không đi liền với sự phát triển của logistics.
Người cung cấp dịch vụ logistics cho TMĐT chủ yếu được chuyển sang từ logistics truyền thống và phát triển theo cách vừa làm vừa học. Ngoài ra, quy định về giao thông liên tục thay đổi, thủ tục hành chính phức tạp, việc ứng dụng công nghệ trong logistics còn thấp là những lí do khiến logistics phục vụ cho TMĐT còn yếu kém.
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, đối với các doanh nghiệp hoạt động logistics hiện nay, cái yếu của doanh nghiệp có những vấn đề mang tính khách quan, nhưng cũng có những vấn đề mang tính chủ quan. Cái yếu, cái trở ngại lớn nhất ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động logistics là do phần lớn các doanh nghiệp chỉ có quy mô nhỏ, vừa và siêu nhỏ. Đối với hoạt động logistics đây là yếu tố trở ngại rất lớn ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động của các doanh nghiệp.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, vấn đề lớn hơn là phạm vi tiếp cận đối với hoạt động logistics, trong đó các doanh nghiệp cần phải tham gia vào chuỗi cung ứng. Ngoài ra, vấn đề pháp lý, vai trò của hiệp hội cũng cần được chú trọng nâng cao, qua đó, tăng khả năng liên kết theo chuỗi giữa các doanh nghiệp logistics với nhau và giữa các mảng, giữa doanh nghiệp logistics với chủ hàng, kinh doanh thương mại.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần chú ý đến khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào quản trị. Đây là vấn đề quan trọng trong bối cảnh TMĐT tiếp tục phát triển và trở thành động lực rất quan trọng trong thương mại nói chung và hoạt động logistics nói riêng.
Đồng thời, doanh nghiệp cần chủ động trong tìm kiếm cơ hội, cập nhật thông tin, chương trình phát triển của Chính phủ; các chương liên quan đến hội nhập là vô cùng quan trọng nhưng cũng đòi hỏi sự chủ động của doanh nghiệp trong việc tiếp cận, liên kết, khai thác cơ hội thị trường.
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/logistics-mat-xich-de-phat-trien-thuong-mai-dien-tu-72123.html