Logistics toàn cầu biến động – Việt Nam cần bước ngoặt để nâng hạng chuỗi giá trị
Logistics không còn là hoạt động phụ trợ, mà đã trở thành trung tâm chiến lược toàn cầu. Trong bối cảnh bất ổn địa chính trị, khí hậu và hậu đại dịch, quốc gia nào kiểm soát tốt chuỗi logistics - quốc gia đó giữ được lợi thế về an ninh lương thực, năng lượng và thương mại.
Năm 2023, thị trường logistics toàn cầu đạt 9.000-10.000 tỉ đô la Mỹ, dự kiến vượt 11.000-12.000 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025, tăng trưởng bình quân 4-6%/năm. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện chiếm tới 45-50% thị phần toàn cầu.
Đặc biệt, logistics lạnh - thiết yếu cho thực phẩm, dược phẩm và nông sản - đang tăng mạnh, với quy mô dự báo hơn 585 tỉ đô la Mỹ vào năm 2027. Các quốc gia đang buộc phải chuyển từ mô hình logistics truyền thống sang logistics vùng tích hợp - số hóa, rút ngắn chuỗi, tăng tính linh hoạt và giảm rủi ro. Đây không còn là lựa chọn, mà là điều kiện sống còn để giữ vững chuỗi giá trị quốc gia.
Chi phí logistics tại Việt Nam chiếm 16-20% GDP - cao gần gấp đôi mức toàn cầu. Trong khi đó, Trung Quốc là 14%, Thái Lan 12%, Singapore chỉ 8% (theo Ngân hàng Thế giới). Chi phí cao không chỉ làm giảm biên lợi nhuận, mà còn khiến hàng triệu tấn nông sản Việt mất cơ hội bước vào các thị trường tiêu chuẩn cao - nơi có giá bán gấp 2-3 lần.
Hệ thống logistics hiện tập trung chủ yếu ở TPHCM và Hải Phòng, bỏ trống các vùng nguyên liệu trọng điểm như Tây Nguyên, miền Trung, vùng biên giới. Sự thiếu liên kết từ sản xuất đến cảng biển khiến chi phí đội lên, thời gian giao hàng kéo dài và năng lực cạnh tranh bị suy giảm.
Nếu không tái cấu trúc hệ thống logistics theo hướng vùng hóa - tích hợp - hiện đại hóa, Việt Nam sẽ tiếp tục bị kìm hãm trong quá trình nâng giá trị chuỗi xuất khẩu.

Chi phí logistics tại Việt Nam chiếm 16-20% GDP - cao gần gấp đôi mức toàn cầu. Ảnh minh họa: TL
Việt Nam nằm trong nhóm năm quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới về gạo, cà phê, hồ tiêu, điều, trái cây. Tuy nhiên, phần lớn nông sản vẫn xuất thô, sơ chế đơn giản, giá trị gia tăng thấp và dễ tổn thương trước biến động thị trường.
Nguyên nhân chủ yếu không nằm ở khâu sản xuất, mà ở hệ thống logistics chưa phát triển đúng tầm: thiếu kho lạnh, trung tâm sơ chế, truy xuất nguồn gốc, kết nối hạ tầng còn yếu; dữ liệu rời rạc, khó tiếp cận thương mại số và tài chính chuỗi.
Trong khi đó, nhiều quốc gia đã chuyển sang mô hình logistics vùng tích hợp - kết nối sản xuất, chế biến, thương mại và dòng vốn - để hình thành chuỗi cung ứng linh hoạt và có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Thiếu kho lạnh, ICD và depot tại chỗ khiến hàng hóa phải vận chuyển xa để sơ chế, làm tăng chi phí và giảm chất lượng. Vận tải đường bộ chiếm tỷ trọng lớn, trong khi đường sắt và đường thủy - có chi phí thấp hơn - vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Logistics bị phân mảnh, thiếu trung tâm phân phối nội vùng, chủ yếu qua các kho thuê nhỏ lẻ.
Về công nghệ, phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và hợp tác xã chưa sử dụng các hệ thống quản trị hiện đại; dữ liệu phân tán, thiếu truy xuất nguồn gốc. Quản trị chưa đạt chuẩn ESG, thiếu minh bạch tài chính - cản trở gọi vốn và mở rộng quy mô.
Nếu không tái cấu trúc logistics vùng - từ hạ tầng cứng đến số hóa và kết nối xuyên biên giới - nông sản Việt sẽ khó bứt phá trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Tư duy logistics như một khâu “giao hàng sau thu hoạch” đã lỗi thời. Logistics hiện đại là một hệ sinh thái kinh tế khép kín, kết nối từ vùng nguyên liệu đến sơ chế, kho lạnh, truy xuất, tài chính và xuất khẩu. Nếu “hạ tầng cứng” là kho lạnh, ICD, depot... thì “hạ tầng mềm” chính là dữ liệu, nền tảng truy xuất số, thương mại và tài chính điện tử. Muốn nông sản Việt vươn xa, cần đầu tư logistics tích hợp ngay tại vùng: trung tâm sơ chế, vận tải lạnh, truy xuất số, thanh toán điện tử.
Ví dụ điển hình là Tây Nguyên - vùng cà phê lớn nhất cả nước - vẫn chưa có trung tâm logistics chuyên sâu, khiến hàng phải đưa về TPHCM xử lý, làm tăng chi phí và giảm chất lượng. Tư duy mới đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ “bán hàng”, mà phải “nắm chuỗi”: kiểm soát chất lượng, dòng tiền và dữ liệu. Đây là điều kiện tiên quyết để xây dựng thương hiệu nông sản Việt mạnh và cạnh tranh toàn cầu.
Cần quy hoạch lại mạng lưới logistics theo vùng nguyên liệu và hành lang kinh tế, không dồn hạ tầng vào đô thị lớn. Ưu tiên đầu tư ICD, kho lạnh, depot tại nguồn; hoàn thiện pháp lý cho logistics xuyên biên giới, truy xuất số và nền tảng số quốc gia. Thiết lập các hành lang logistics chính ngạch với Trung Quốc, ASEAN, EU, CPTPP.
Thúc đẩy mô hình “4 nhà”: Nông dân - Logistics - Thương mại - Tài chính. Đầu tư trung tâm logistics chuyên sâu ngay tại vùng sản xuất để sơ chế, kiểm định, đóng gói. Phân vùng cụm logistics theo sản phẩm: cà phê Tây Nguyên, gạo miền Tây, trái cây Nam bộ...
Chuyển từ vận hành đơn lẻ sang tích hợp ba dòng: hàng - tiền - dữ liệu. Mô hình tổ chức nên theo Holdings - SPV - SSC để dễ gọi vốn và IPO. Đồng thời, đầu tư ERP - WMS - TMS, IoT, AI dự báo, blockchain và ESG để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Nếu logistics chỉ là “chặng cuối”, nông nghiệp Việt sẽ mãi là “người làm thuê” trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nhưng nếu được định vị là xương sống, logistics chính là điểm bật để nông sản Việt vươn lên dẫn đầu.