Lời Bác dạy đã được cán bộ Công đoàn cụ thể hóa thành phương châm 'Ở đâu công nhân khó, ở đó có Công đoàn'

Lời Bác dạy tại Đại hội đại biểu Công đoàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ VI, ngày 19/7/1960: 'Cán bộ phải cùng ăn, cùng ở, cùng lao động, cùng bàn bạc', đã được cán bộ Công đoàn cụ thể hóa thành phương châm hành động: 'Ở đâu công nhân khó, ở đó có Công đoàn'.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã khẳng định như vậy tại Hội nghị sơ kết 2 năm và biểu dương, khen thưởng điển hình tiên tiến trong thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong các cấp Công đoàn, công chức, viên chức, lao động diễn ra mới đây.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang trao khen thưởng tới cán bộ Công đoàn tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ảnh: B.D.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang trao khen thưởng tới cán bộ Công đoàn tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ảnh: B.D.

Phát biểu với cán bộ Công đoàn và công nhân, viên chức, lao động tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc ta, danh nhân văn hóa thế giới, luôn là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Trong di sản vô giá Người để lại, “tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh” mang giá trị lý luận và thực tiễn to lớn. Trong tiến trình cách mạng Việt Nam, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn là bộ phận quan trọng của nền tảng tinh thần xã hội, là động lực, nguồn sức mạnh to lớn để nhân dân ta phát huy nội lực, vượt qua thách thức, khó khăn, giành nhiều thắng lợi vĩ đại.

Đối với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kim chỉ nam cho mọi hoạt động, trên mọi bước đường trưởng thành và phát triển. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân đối với cách mạng Việt Nam.

Trong báo cáo tại Hội nghị lần 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II, Hồ Chí Minh nêu rõ:Chỉ có giai cấp công nhân lãnh đạo thì kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công”. Người sớm đặt nền móng cho sự ra đời và sứ mệnh cốt lõi của tổ chức Công hội Đỏ, tiền thân của tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Người đã viết: “Công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình, hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn quyền lợi cho công nhân, năm là giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”.

Trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, hàng chục “Siêu thị 0 đồng” đã được cán bộ Công đoàn tỉnh Bắc Giang mở ra, kịp thời cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu miễn phí tới công nhân, giúp công nhân lao động tỉnh Bắc Giang vững tin chống dịch.

Trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, hàng chục “Siêu thị 0 đồng” đã được cán bộ Công đoàn tỉnh Bắc Giang mở ra, kịp thời cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu miễn phí tới công nhân, giúp công nhân lao động tỉnh Bắc Giang vững tin chống dịch.

Thấm nhuần lời dạy của Người, nhận thức sâu sắc chủ trương của Đảng về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức quán triệt Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW gắn với quán triệt các nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Việt Nam theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.

Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Hướng dẫn số 37/HD-TLĐ, ngày 28/10/2021, về học tập Chuyên đề toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” trong đó nêu rõ nội dung học tập, tiêu chí để đánh giá, xếp loại cho từng đối tượng công chức, viên chức, người lao động và cán bộ Công đoàn; ban hành Kế hoạch số 154/KH-TLĐ, ngày 08/12/2021, về thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động; thường xuyên giao ban, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai Kết luận 01 và Chỉ thị 05.

Cụ thể hóa chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, 100% LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn đã tổ chức triển khai, thực hiện Kết luận số 01-KL/TW.

Đáng chú ý, chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động được các cấp Công đoàn thực hiện tốt hơn, thiết thực, hiệu quả hơn bằng việc nâng cao chất lượng xây dựng chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến đoàn viên, người lao động; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của đoàn viên, người lao động như lời Bác dạy khi nói chuyện ở trường Cán bộ Công đoàn ngày 19/1/1957: "Mục đích công đoàn là phải cải thiện đời sống công nhân, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của giai cấp công nhân…".

Theo đó, các chương trình “Phúc lợi đoàn viên công đoàn và người lao động”, “Mái ấm Công đoàn”, “Phiên chợ công nhân”, “Chợ Tết Công đoàn”, các hoạt động “Tháng Công nhân”, “Tết sum vầy” mang đậm dấu ấn của tổ chức Công đoàn, được đoàn viên, người lao động đánh giá cao và nhiệt tình hưởng ứng.

Trong quá trình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đã xuất hiện hàng vạn mô hình tốt, cách làm hay, nhiều sáng kiến, sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội và trong hoạt động công đoàn. Cán bộ Công đoàn đã thực hiện nêu gương học đi đôi với làm.

Với tinh thần “Ở đâu công nhân khó, ở đó có Công đoàn”, nhiều cán bộ Công đoàn Thủ đô đã không ngại hiểm nguy tới vùng dịch bệnh trực tiếp thăm hỏi, trao hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động. Ảnh: B.D.

Với tinh thần “Ở đâu công nhân khó, ở đó có Công đoàn”, nhiều cán bộ Công đoàn Thủ đô đã không ngại hiểm nguy tới vùng dịch bệnh trực tiếp thăm hỏi, trao hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động. Ảnh: B.D.

"Lời Bác dạy tại Đại hội đại biểu Công đoàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ VI, ngày 19/7/1960: “Cán bộ phải cùng ăn, cùng ở, cùng lao động, cùng bàn bạc” được cán bộ Công đoàn cụ thể hóa thành phương châm hành động “Ở đâu công nhân khó, ở đó có Công đoàn”. Nhất là trong thời điểm cả nước chung tay phòng chống đại dịch Covid-19, hàng nghìn cán bộ Công đoàn trên khắp mọi miền Tổ quốc đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm lao vào tâm dịch chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động, chia sẻ với doanh nghiệp. Tổ chức Công đoàn đã dành hơn 6 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ đoàn viên, công nhân lao động gặp khó khăn. Đầu năm 2023, khi người lao động bị mất, giảm việc làm do doanh nghiệp cắt giảm đơn hàng Tổng Liên đoàn đã sớm triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ thiết thực, kịp thời...", Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang chia sẻ.

Theo báo cáo của Tổng LĐLĐ Việt Nam: Trong 2 năm qua, các cấp Công đoàn đã tổ chức hơn 26 nghìn cuộc tuyên truyền, quán triệt với sự tham gia của hơn 3 triệu lượt đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động. Từ “học tập” đã chuyển thành hành động “làm theo” cụ thể. Đã có 7.256 lượt tập thể và 812.800 lượt cá nhân đăng ký thực hiện 966.500 việc làm theo Bác. Các phong trào thi đua yêu nước do Công đoàn phát động được đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động tích cực hưởng ứng.

Điển hình là Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”, do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động, đã “về đích” sớm gần 1 năm, mang lại giá trị làm lợi khoảng 16.000 tỷ đồng.

Đây là những kết quả thiết thực mà tổ chức Công đoàn và công chức, viên chức, lao động cả nước kính dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Người.

B.D

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/loi-bac-day-da-duoc-can-bo-cong-doan-cu-the-hoa-thanh-phuong-cham-o-dau-cong-nhan-kho-o-do-co-cong-doan-156100.html