Lời Bác dạy mãi trong tim đồng bào thượng du Thanh Hóa
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm sâu nặng cho quê hương Thanh Hóa. Bác đã về thăm bốn lần và luôn dành thời gian để nói chuyện với cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh; Người ân cần thăm hỏi, động viên và khuyên bảo việc tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chăm lo đời sống nhân dân, đoàn kết nội bộ, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau...
Cán bộ và nhân dân xã Sơn Hà (Quan Sơn) học tập và làm theo lời Bác dạy.
Đặc biệt, khi toàn dân bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, ngày 21-2-1947, Bác Hồ đã viết thư thăm hỏi, động viên đồng bào Thượng du Thanh Hóa. Trong thư có đoạn viết: “Lúc này toàn thể quốc dân đang ra sức chống giặc cứu nước. Tôi chắc đồng bào thượng du đều ra sức đoàn kết chuẩn bị tham gia giết giặc cứu nước để giữ vững quyền thống nhất độc lập của Tổ quốc”. Trong suốt chặng đường 73 năm qua, đồng bào các dân tộc miền núi Thanh Hóa luôn khắc ghi lời Bác dạy, trong chiến đấu đã phát huy truyền thống yêu nước nồng nàn, phối hợp với bộ đội, dân quân du kích tiêu diệt nhiều đồn bốt của giặc, tích cực tham gia tiếp lương, tải đạn, chi viện cho tiền tuyến. Nhiều ngọn núi, dòng sông và những con đường của miền núi xứ Thanh đã in đậm dấu chân của bao thế hệ cha anh, cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà, cùng với nhân dân trong tỉnh, đồng bào thượng du Thanh Hóa đã đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động sản xuất, luôn vững vàng tay súng, dũng cảm chống trả sự đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ, bảo vệ các tuyến đường giao thông huyết mạch, các cơ sở quân sự, đóng góp sức người, sức của chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong cuộc kháng chiến đầy hy sinh gian khổ ấy, biết bao con em của đồng bào các dân tộc đã hăng hái lên đường chiến đấu, nhiều người đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Hòa bình lặp lại sau hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, khắc ghi lời Bác dạy, đồng bào thượng du Thanh Hóa đã không ngừng nỗ lực, đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Nhiều phong trào thi đua làm theo lời Bác đã được phát động sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân. Cán bộ và nhân dân các dân tộc thiểu số (DTTS) trong tỉnh đã phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, phát huy nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc của Trung ương và của tỉnh đã tạo ra động lực mới, khai thác có hiệu quả các tiềm năng thế mạnh của địa phương và đã đạt được những thành tựu quan trọng.
Kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi xứ Thanh đã có bước phát triển khá, toàn diện; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2014 đến nay đạt 8,7%, đời sống vật chất, tinh thần vùng đồng bào các DTTS được cải thiện rõ rệt; người nghèo đã tiếp cận thuận lợi và đầy đủ hơn các chính sách trợ giúp của Nhà nước; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường và củng cố; nhà, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, việc làm cho lao động được quan tâm giải quyết; sự nghiệp giáo dục, văn hóa, chăm sóc sức khỏe nhân dân có chuyển biến tích cực; hệ thống chính trị cơ sở ngày càng được củng cố vững mạnh và hoạt động có hiệu quả, đội ngũ cán bộ là người dân tộc được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng; an ninh trật tự trên vùng dân tộc và miền núi được giữ vững, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo. Tốc độ giảm nghèo ở các huyện miền núi luôn cao hơn 1,7 lần bình quân chung toàn tỉnh, trong đó 7 huyện nghèo cao gấp 2,1 lần bình quân chung toàn tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 2,3%/năm (theo tiêu chí nghèo đa chiều). Đến nay, có 1/7 huyện (Như Xuân) thoát khỏi diện huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; có 5% số xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) và 65% thôn, bản ĐBKK vùng dân tộc và miền núi thoát khỏi diện ĐBKK giai đoạn 2016 - 2020 theo tiêu chí quy định...
Từ trong phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều gương sáng điển hình trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng nông thôn mới, tiêu biểu như: Huyện Thạch Thành, Cẩm Thủy, Như Thanh, Bá Thước, Ngọc Lặc...; xã Tam Lư (Quan Sơn), xã Phú Nghiêm (Quan Hóa). Nhiều hộ gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi; chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, như: Gia đình chị Hà Thị Xinh, dân tộc Mường (Bá Thước); gia đình anh Lương Văn Dương, dân tộc Thái (Ngọc Lặc); gia đình anh Ngô Xuân Phong, dân tộc Mường (Cẩm Thủy)... Nhiều hộ gia đình, dòng họ hiếu học và nhiều thầy, cô giáo đã nêu cao tinh thần “tất cả vì học sinh thân yêu”, tuy khó khăn nhưng vẫn say mê sáng tạo, cải tiến phương pháp dạy học và quản lý giáo dục, tiêu biểu. Nhiều cán bộ, chiến sĩ là con em DTTS đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc, như: Ông Triệu Văn Bình, dân tộc Dao, Phó trưởng Công an huyện Ngọc Lặc; ông Hà Văn Thông, dân tộc Thái, Phó trưởng Công an huyện Quan Hóa; Thiếu tá Vi Văn Nhất, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ phòng chống buôn, bán ma túy; nhiều già làng, trưởng bản đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, như: Ông Lò Văn Sơ, dân tộc Khơ Mú, Bí thư Chi bộ bản Đoàn Kết, xã Tén Tằn (Mường Lát); ông Sung Văn Cấu, dân tộc Mông, bí thư, trưởng bản Xía Nọi, xã Sơn Thủy (Quan Sơn)...
Những tập thể, cá nhân điển hình nêu trên chỉ là một trong hàng ngàn gương điển hình tiên tiến trong đồng bào DTTS Thanh Hóa làm theo lời Bác, góp phần không nhỏ trong công tác phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững ở khu vực miền núi tỉnh ta.
Có thể thấy, vùng đồng bào DTTS, miền núi xứ Thanh hôm nay như khoác lên mình tấm áo mới, tất cả như đang chuyển mình đổi thay vượt bậc. Sự phát triển ấy của đồng bào dân tộc 11 huyện miền núi là món quà vô giá kính dâng Bác Hồ kính yêu. Những lời dặn dò và tình cảm của Bác sẽ mãi mãi là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với cán bộ, nhân dân Thanh Hóa nói chung, đồng bào thượng du nói riêng, là động lực để đồng bào vươn lên, khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống, làm thỏa lòng mong ước của Người là “đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” và hòa mình cùng với sự lớn mạnh của đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.