Lời Bác năm xưa: 'Kiên quyết tẩy sạch những khuyết điểm sau này'
Việc không 'tự soi', 'tự sửa' để rồi 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' của những cán bộ, lãnh đạo vị kỷ này, tất yếu dẫn đến hủy hoại sự nghiệp của bản thân và làm tổn hại đến uy tín của tổ chức, làm suy giảm niềm tin của quần chúng...
Tháng 3/1947, trong thư gửi các đồng chí Trung bộ, Bác Hồ có “mấy lời dặn các đồng chí” và “mong các đồng chí chú ý”. Trong thư có câu: “Có những đồng chí còn giữ thói “một người làm quan, cả họ được nhờ”, đem bà con bằng hữu vào chức này, việc kia, làm được, không được mặc kệ. Hỏng việc đã có Đoàn thể chịu, cốt cho bà con, bằng hữu có địa vị là được”.
Trong suốt sự nghiệp cách mạng của Đảng, lớp lớp các thế hệ cán bộ, đảng viên chân chính đã không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, dũng cảm vượt qua khó khăn, thách thức, thi đua lao động, sáng tạo để bảo vệ và dựng xây Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đó là những con người suốt đời hành động “Dĩ công vi thượng”, không mảy may tư lợi, đặt lợi ích của tập thể, của đất nước và Nhân dân lên trên hết, trước hết.
Tuy nhiên, cũng có không ít những cán bộ, đảng viên, trong đó có những người nắm giữ vị trí lãnh đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị lại coi lợi ích của bản thân, gia đình, dòng tộc và người thân là mục tiêu và “xoay sở” để đạt được mục tiêu ấy. Chẳng thế mà câu chuyện bổ nhiệm “đúng quy trình”, hay “cả họ làm quan” ở địa phương này, cơ quan nọ, đơn vị kia... đã từng trở thành những đề tài được “đàm tiếu” và làm dấy lên những luồng dư luận trong xã hội và là đề tài “nóng” trên báo chí và các diễn đàn. Đó từng là chuyện cách đây vài năm, Bộ Nội vụ công bố 9 địa phương, đơn vị có tình trạng “cả họ làm quan”. Hay gần đây nhất là ở một doanh nghiệp công ích 100% vốn nhà nước của Thanh Hóa với việc bổ nhiệm “toàn người thân” mặc dù còn “nhiều thiếu sót trong khâu sơ yếu lý lịch, kê khai tài sản, lấy phiếu tín nhiệm, bằng cấp...” - theo kết luận của Sở Nội vụ. Trước nữa, là chuyện bởi một người làm quan, mà gia đình, người thân nhờ thế mà “chui” được vào cả danh sách... hộ nghèo và “đi lạc” vào danh sách hộ nghèo ở một địa phương của huyện Thiệu Hóa.
Đối chiếu với những lời căn dặn rất cụ thể, chi tiết, dễ hiểu, dễ nhớ trong bức thư của Bác 76 năm về trước, mới thấy việc không “tự soi”, “tự sửa” để rồi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của những cán bộ, lãnh đạo vị kỷ này, tất yếu dẫn đến hủy hoại chính bản thân và làm tổn hại đến uy tín của tổ chức, làm suy giảm niềm tin của quần chúng. Bức thư có đoạn:
“Vì vậy, ta phải kiên quyết tẩy sạch những khuyết điểm sau này:
a. Địa phương chủ nghĩa: Chỉ chăm chú lợi ích của địa phương mình mà không nhìn đến lợi ích của toàn bộ. Do khuyết điểm đó mà sinh ra những việc, xem qua thì hình như không quan hệ gì mấy, kỳ thực rất có hại đến kế hoạch chung. Thí dụ: muốn giữ lấy tất cả cán bộ và vật liệu cho địa phương mình, không bằng lòng để cấp trên điều động cán bộ và vật liệu đến nơi cần kíp.
b. Óc bè phái: Ai hẩu với mình thì dù nói không đúng cũng nghe, tài không có cũng dùng. Ai không thân với mình thì dù học có tài cũng tìm cách dìm họ xuống, họ nói phải mấy cũng không nghe”.
Và Bác kết luận: “Đó là một khuyết điểm rất có hại. Nó làm cho Đoàn thể mất cán bộ, kèm nhất trí, thường hỏng việc. Đó là một chứng bệnh rất nguy hiểm” (*).
Học tập và rèn luyện theo tư tưởng của Người về “Dĩ công vi thượng”, “Chí công vô tư”, nhưng đồng thời mỗi cán bộ, đảng viên cũng cần nêu cao tinh thần phê bình, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng “cánh hẩu”, bè phái, cục bộ, từ đó lựa chọn và suy tôn những cán bộ, đảng viên thực sự có đức, có tài để gánh vác công việc cho tổ chức, đoàn thể và rộng hơn là cho quê hương, đất nước.
Nguyên Phong
(*) Sách “Bác Hồ với Thanh Hóa, Thanh Hóa làm theo lời Bác”, trang 87, 88 - NXB Thanh Hóa 2017.