Lợi bất cập hại khi 'nhồi' quá nhiều sữa cho con
Không ít phụ huynh cho rằng 'con không ăn thì cứ cho uống sữa, vẫn đủ chất như thường'. Tuy nhiên, điều này vô tình làm trẻ thêm biếng ăn, tăng nguy cơ suy dinh dưỡng.
Uống sữa thay cơm
Công việc bận rộn, con gái 6 tuổi có tật ăn hay ngậm rất lâu, vì vậy chị Lê Thị Mai Hoa (29 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TPHCM) thường chọn cách cho con uống cho nhanh. “Ở nhà thì pha sữa công thức, có việc ra ngoài thì đem theo sữa hộp, con đói lúc nào thì “cắm ống hút” vào sữa lúc đó. Có khi con đói thì uống 2 hộp sữa một lúc, loại 180ml/hộp; nhanh gọn 5 phút là xong. Tính ra trung bình một ngày tiêu thụ gần từ 1,5-2 lít sữa” – chị Hoa cho biết.
Cũng có con lười ăn, không chịu nhai các loại thịt cá, rau xanh nên chị Đỗ Thị Thương (nhân viên văn phòng, ngụ Q.4, TPHCM) thường cho con uống sữa thay cơm. Theo chị Thương, sợ con ăn uống thiếu chất nên chị cho con uống thêm sữa vào các giờ phụ như trước giờ cơm, bữa xế và trước lúc ngủ mỗi tối. “Con mình tới bữa thường ăn uống rất ít, lo con đói nên mình lại cho uống thêm sữa, cứ vậy bữa phụ thành bữa chính. Mình nghĩ sữa cũng đủ chất, lại giúp phát triển chiều cao nên cứ cho uống thoải mái, càng nhiều càng tốt”- chị Thương chia sẻ và nói thêm, mỗi khi con khát, chị cho con uống sữa tươi không đường thay nước thường. Giờ thành thói quen, sữa đóng bịch để trong tủ lạnh, con khát cứ lấy uống.
Còn chị Thanh Nhã (ngụ Q.Bình Tân, TPHCM) có con trai 6 tuổi cho rằng, uống càng nhiều sữa càng tốt, trong sữa có nhiều canxi giúp trẻ tăng chiều cao, khỏe mạnh. Vì vậy trẻ lười ăn thì cứ cho uống sữa.
Chỉ uống sữa, dễ thiếu chất
Ths.BS Nguyễn Trần Nam, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố cho rằng, sữa là nguồn dinh dưỡng quý giá cho trẻ em, trẻ dưới 6 tháng trở xuống phải được uống sữa và sữa mẹ là tốt nhất. Trẻ từ 6 tháng trở lên, ngoài sữa cần phải ăn dặm, bổ sung thêm bột ngọt, bột mặn mới đủ năng lượng cho em bé.
Chế độ ăn dặm cho trẻ nhỏ cần phải đầy đủ, đa dạng 4 nhóm dưỡng chất đạm, đường, béo và các vitamin cần thiết cho cơ thể. Lúc đó sữa chỉ cung cấp lượng vừa đủ, cần phải cung cấp thêm các chế độ ăn thì em bé mới tăng trưởng hợp lý và đảm bảo đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể - BS Nam cho biết.
Trên 2 tuổi thì lượng sữa chỉ mang tính chất bổ sung canxi, phốt pho, các nguồn năng lượng mang lại từ sữa rất ít cho sự phát triển của cơ thể trẻ.
Theo BS Nam, những sai lầm thường gặp là khi trẻ dưới 6 tháng, nhiều bà mẹ sợ vì nhiều vấn đề khách quan và chủ quan, trẻ không được cung cấp sữa mẹ đầy đủ mà phải thay thế bằng sữa bột. Liên quan đến sữa bột, có bà mẹ còn đổi nhiều loại sữa để mong con mình có thể có nhiều chất dinh dưỡng. “Nhưng tôi nhắc lại, sữa mẹ là có nhiều chất dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ dưới 6 tháng” – BS Nam khẳng định.
Đối với trẻ trên 1 tuổi, cần năng lượng rất nhiều nhưng có một số trẻ thiếu hụt chất hoặc cách chăm sóc không phù hợp, hoặc vấn đề ăn dặm không tốt thì phụ huynh nghĩ rằng “không ăn thì uống sữa cũng được” và cho em bé uống sữa thay thế thực phẩm.
Khi đó, lượng sữa đưa vào sẽ không đủ về lượng, cũng sẽ không đủ về chất ở giai đoạn đó mà quên chế độ ăn dặm. Trẻ uống sẽ có cảm giác đầy bụng, không muốn ăn dẫn đến trẻ dần bị thiếu máu, thiếu những chất cần thiết cho cơ thể. Vì vậy giai đoạn này lưu ý cần phải bổ sung chế độ ăn phù hợp, cân bằng giữa lượng sữa và thức ăn tương ứng với sự phát triển của trẻ - BS Nguyễn Trần Nam lưu ý.
Trả lời câu hỏi: Trẻ tiêu thụ từ 1,5-2 lít sữa/ngày liệu có suy dinh dưỡng? BS Nam chia sẻ, cho trẻ uống nhiều sữa như vậy thì chỉ nhiều về lượng nhưng không đủ về chất cho cơ thể vì trẻ còn thiếu những chất khác bổ sung đối với nhu cầu của cơ thể đang lớn lên. Nếu thiếu các chất cần thiết sẽ gây ra những biểu hiện như thiếu sắt, thiếu máu, thiếu vitamin, thiếu chất béo, chất đạm…
“Do vậy, phụ huynh cần hướng đến sự cân bằng dinh dưỡng trong từng giai đoạn của trẻ, để có thể cung cấp năng lượng cũng như các khoáng chất, đặc biệt là đạm cho sự phát triển của trẻ” – BS Nam lưu ý.
Uống sữa thế nào cho đúng?
Vậy cho trẻ uống bao nhiêu sữa là hợp lý? BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, BV Nhi Đồng 1 tư vấn, trẻ dưới 1 tuổi sữa vẫn là thức ăn chính, nhưng khi trẻ từ 7-9 tháng, lượng sữa sẽ giảm dần. Sau 2 tuổi chỉ cần 500ml sữa/ngày (sữa uống thêm).
Tất cả các sữa uống thêm hay sau khi đã trẻ ăn dặm nên chú ý: Lượng sữa sẽ giảm dần và thay thế bằng thức ăn; Không uống sữa từ 1-2 giờ trước bữa ăn chính
“Sữa nào uống nhiều cũng khiến trẻ no ngang, bỏ ăn gây thiếu vi chất, nhất là sắt. Một số trẻ bú mẹ do “ghiền ti” mẹ, sợ xa mẹ, bú mẹ quá nhiều cũng sẽ bỏ ăn, ăn không đủ cũng thiếu cân, thiếu vi chất . Vì vậy nên cai bú đêm, vắt sữa cho trẻ uống ly” – BS Khanh nói.